Bạn đọc viết
Họ ở đâu trong những lúc nước sôi lửa bỏng?
Thờ ơ trước cái đói của dân và sự bao biện
Mỗi người dân Việt, dù ở đâu, đều đứng ngồi không yên với những thông tin hạn hạn, nhiễm mặn liên tục xuất hiện trên truyền hình và các phương tiện thông tin khác. Do đó, dư luận không khỏi bất ngờ, phẫn nộ khi được biết, sở NNPTNT tỉnh Bến tre chỉ đưa ra các giải pháp cứu lúa khi gần 100% diện tích lúa ở đây đã chết.
Thờ ơ trước cái đói và…
Chính những biến đổi bất thường của khí hậu trên thế giới là nguyên nhân gây nên những hậu quả khôn lường cho con người. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Điều đó ngành nông nghiệp phải là nơi sớm nhất, rõ nhất và phải có những giải pháp chống chọi sớm nhất.
Vậy mà, khi gần 100% diện tích lúa đông xuân (trên 19.000 ha) của Bến Tre bị thiệt hại thì trên website sở NNPTNT tỉnh này ngày 10.3 mới xuất hiện bản tin “Biện pháp kỹ thật chăm sóc lúa động xuân trong tình hình hạn mặn” với nội dung: “Theo thông tin của đài Khí Tượng Thủy Văn tỉnh Bến Tre trong mùa khô 2015- 2016 nước mặn sẽ xâm nhập sâu và sớm hơn so với các năm trước, mặn có khả năng ảnh hưởng đến năng suất vụ đông xuân 2015-2016. Để giảm thiệt hại cho lúa do hạn mặn, nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sau…”. (TTO ngày 21.3)
Giải pháp cứu lúa được đưa ra khi lúa đã chết hết khiến bà con nông dân tỉnh Bến Tre thực sự búc xúc, và chắc không chỉ bà con nông dân nơi đây phẫn nộ.
Chỉ riêng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Chính phủ đi thị sát thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua cho thấy sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo về mức độ nguy hiểm của tình hình khô hạn, nhiễm mặn năm nay như thế nào. Rồi các bản tin thời sự trên VTV thường xuyên công bố tình hình xâm nhập mặn lấn vào từng ngày, từng ngày khiến mỗi người dân, ở khắp cả nước không khỏi lo lắng, xót xa. Đặc biệt, cảnh đồng ruộng nứt nẻ toang hoác vì hạn hạn, cảnh lúa héo úa một màu chết chóc trải dài bởi nhiễm mặn và cả cảnh người dân Tây Nguyên đi tìm, đi vét nước ở cả lòng suối để lấy nước ăn, luôn ám ảnh mỗi người.
Vậy mà, những ngày đầu bị nhiễm mặn, người nông dân ở đây thường xuyên lên mạng, vào trang web của sở nông nghiệp tỉnh nhà để theo dõi độ mặn, kỹ thuật giúp cây trồng chống chọi với hạn mặn, nhưng không có một dòng nào!!
Ông Ng. V. B, ngụ huyện Châu Thành phải thốt lên: “ Tôi quá bức xúc với cách làm việc, đăng tải thông tin của trang web chuyên ngành của sở nông nghiệp. Không biết họ đưa thông tin này lên sau khi lúa đã mất trắng để làm gì. Đâu còn ý nghĩa gì nữa?”.
… sự bao biện
Vậy sở này giải thích sự cố này thế nào? Một vị lãnh đạo chi cục bảo vệ thực vật của sở này cho rằng, có thể bản tin này đã viết từ lâu, nhưng lỗi tại bộ phận quản lý trang web đưa lên chậm!? Việc đổ lỗi cho bộ phận quản lý trang web này có thuyết phục được ai không? Chắc chắn là không, mà càng thấy rõ hơn sự thờ ơ, vô cảm của các vị lãnh đạo ở đây với sự đau khổ, kề bên cái đói của nông dân.
Còn ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – khẳng định: “Tỉnh ủy, UBND đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc thông tin kịp thời cho người dân.” Vậy sự quyết liệt ở đây như thế nào, để rồi, như ông Lập nói, “có thể anh em cấp dưới làm chậm, chưa kịp thời”! Như vậy mà đã được coi là quyết liệt ư?
Dù mọi việc đã qua, bài học quá đắt, nhưng dư luận vẫn phải đặt ra câu hỏi: Liệu có phải đây là địa phương duy nhất thờ ơ như vậy? Liệu đây có phải là việc duy nhất bị thờ ơ, hay đây chỉ là hiện tượng “bị lộ” vì nó lồ lộ trước bàn dân thiên hạ?
Mặt khác, xâm nhập mặn không phải là hiện tượng mới. Tại kỳ họp trước của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã cảnh báo: Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng song Cửu Long là đáng lo ngại nhất. Ông cũng đưa ra những con số cụ thể để minh họa.
Và vì đã biết trước, giá như các bộ, ngành sớm vào cuộc hơn để dòng nước thượng nguồn từ Trung Quốc đổ về sớm hơn thì chắc không có cảnh hết tỉnh này đến tỉnh khác phải cảnh báo thiên tai cùng những cánh đồng mất trắng?
Họ ở đâu trong những lúc nước sôi lửa bỏng này?
Vương Hà