Hiến pháp mới yêu cầu khắc phục những oan sai như của ông Chấn

(Dân trí) - “Các đạo luật để cụ thể hóa Hiến pháp sắp tới đây sẽ có những quy định cụ thể bảo vệ cho những người chẳng may rơi vào vòng lao lý, để làm sao khắc phục được những oan sai như trường hợp của ông Chấn vừa qua” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Đăng đàn trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 10/3, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi về việc cụ thể hóa quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp mới.
 
Quyền người dân đang bị "treo"

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, Hiến pháp 2013 đã được ghi nhận, hoan nghênh là bước tiến lớn về nhận tức và tư duy lý luận về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Theo ông Cường, điều này hoàn toàn phù hợp với giá trị chung của nhân loại và Hiến pháp, cũng phù hợp với xu thế chung của thời đại. Bằng việc Quốc hội thay mặt cho cử tri cả nước thông qua bản Hiến pháp là để ghi nhận quyền lực thuộc về nhân dân.

So với Hiến pháp 1992 – bản pháp quy đầu tiên ghi nhận việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, Hiến pháp mới theo Bộ trưởng Tư pháp còn ưu việt hơn. Lý do, các quyền con người tại Hiến pháp 1992 phần lớn được lồng ghép vào các quyền công dân. Mà một số quyền trong đó cho đến ngày hôm nay vẫn đang bị “treo” hoặc chậm cụ thể hóa.

Nguyên nhân quyền của người dân bị “treo” một phần do chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, phần khác là do lỗi của các cơ quan chuẩn bị dự án luật.
Hiến pháp mới yêu cầu khắc phục những oan sai như của ông Chấn
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Quốc hội ưu tiên làm trước các luật về quyền con người, quyền công dân".

Để khắc phục vấn đề này, Quốc hội đã lên kế hoạch cụ thể việc thực hiện Nghị quyết về thi hành Hiến pháp mới với những dự kiến, đầu luật rất rõ ràng, quy định thời gian thực hiện cho quá trình sắp tới. Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, các cơ quan chức năng đặc biệt xác định quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các điều luật.

Trách nhiệm soạn thảo các văn bản luật về lĩnh vực quyền con người, quyền công dân được giao cho Bộ Tư pháp. “Thậm chí Thủ tướng còn yêu cầu phải thành lập một hội đồng tư vấn để thẩm định, để xem xét tất cả những luật này được ban hành ra trên tinh thần, nội dung của Hiến pháp” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Theo kế hoạch dự kiến mà UB Thường vụ Quốc hội ban hành, có đến 28 đạo luật sắp tới đây cần được sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Trong 28 văn bản đó, có 12 văn bản thuộc lĩnh vực quyền dân sự chính trị và 16 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế văn hóa xã hội của người dân.

Hiện nay tất cả các văn bản đang được Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội. Chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 trình Quốc hội thông qua tới đây, về cơ bản là ưu tiên cho những luật, bộ luật về quyền con người, quyền công dân để xem xét ban hành trong năm 2015, 2016. Có những vấn đề thậm chí trong năm 2014 đã được thực hiện rồi.
 
Chống oan sai như vụ ông Chấn

Liên hệ với những biểu hiện hạn chế của luật thời gian qua về vấn đề quyền con người thời gian qua dẫn đến nhiều hệ quả như một số vụ án oan sai vì quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của người dân trong quá trình tố tụng chưa được đảm bảo, tiêu biểu là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Bộ trưởng Tư pháp phân tích, đây chính là một trong những điểm quan trọng được sửa dổi sâu sắc trong Hiến pháp mới.

Ông Cường dẫn chứng, lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định tòa án xét xử phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, có nghĩa là phải có người bào chữa, phải có luật sư.

Quyền được mời luật sư bào chữa đã được mở rộng ra một cách đáng kể. Trước đây theo quy định của Hiến pháp, cũng như của Bộ luật Tố tụng hình sự, người dân có quyền mời luật sư khi bị khởi tố bị can. Còn hiện tại, Hiến pháp đã bổ sung mọi trường hợp người bị bắt, kể cả bắt quả tang rồi người bị giữ, tạm giữ, người bị tạm giam, người bị điều tra đều có quyền tự mình bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa, để tránh sự oan sai.

Theo đó, việc sửa Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây có điểm quan trọng là phải quy định cụ thể quyền được bào chữa của người từ khi bị bắt, bị tạm giam, bị giữ, bị khởi tố xét xử… quyền của luật sư. Nguyên tắc đề ra là phải dành quyền chủ động của luật sư để tranh tụng, thực hiện nguyên tắc tranh tụng, và muốn tranh tụng được thì luật sư phải tự thu thập chứng cứ, tự chứng minh, tranh luận. Luật cũng sẽ buộc kiểm sát viên giữ quyền công tố cũng phải có tranh luận lại với luật sư.

Một ví dụ khác, Hiến pháp có quy định, việc bắt giữ, giam người phải theo luật định. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp quy định nguyên tắc rõ ràng như vậy. Chính phủ đang xây dựng luật về tạm giữ, tạm giam để thực hiện quyền này của người dân.

Một điều quan trọng khác theo Bộ trưởng Tư pháp, trong Hiến pháp lần này làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Trước đây, luật quy định, một người không có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội người đó. Bây giờ thêm một điều kiện rất quan trọng là việc buộc tội phải được chứng minh thì mới có bản án.

Ngoài ra, Quốc hội cũng rất quan tâm yêu cầu người bị xét xử phải được tòa án xét xử đúng trình tự và đúng thời hạn luật định.

“Tất cả những điều đó đều là những quy định mở, để cho những bộ luật, đạo luật sắp tới đây có những quy định cụ thể bảo vệ cho những người chẳng may rơi vào vòng lao lý để làm sao khắc phục được những oan sai như trường hợp của ông Chấn vừa qua” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn trao đổi.

P.Thảo