Hệ lụy khi lương không đủ sống

Kiến nghị của GS Hoàng Tụy về Cải cách giáo dục (CCGD) nêu vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là cần cải thiện chính sách đối với người thầy.

Theo ông, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục.

Một nhà khoa học lớn nước ngoài tâm huyết với Việt Nam khi được hỏi về điều gì cần thay đổi cấp bách nhất để chấn hưng giáo dục, đặc biệt là ĐH, đã không chút ngần ngại nói ngay đó là chế độ lương kỳ quặc không thấy đâu trong thế giới văn minh nhưng đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Một chế độ lương biểu thị không gì khác hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học, trái hẳn với chủ trương tôn vinh nhà giáo đã được lãnh đạo khẳng định lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần suốt thời gian qua.

 

Ảnh Lê Anh Dũng

Ảnh Lê Anh Dũng

Với đồng lương thấp đến mức khó tưởng tượng, đương nhiên nhà giáo và các quan chức giáo dục đều phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập. Chính đó là cái lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục. Chúng ta nói nhiều đến bệnh giả dối, bệnh gian dối, bệnh thành tích ảo... nhưng làm sao chống được các bệnh ấy để có một nên giáo dục trung thực, lành mạnh... nói chi đến hiện đại, nếu cái nguyên nhân gây ra các bệnh ấy nằm ngay trong cơ chế, nói cách khác nằm ngay trong khuyết tật hệ thống của giáo dục?

Sự thật, nhờ xoay xở đủ mọi cách hợp pháp hay không hợp pháp, hợp lý hay trái với lương tâm, phần lớn nhà giáo, nhất là quan chức giáo dục, nay đã có mức sống không đến nỗi quá tệ, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái giá phải trả thật quá đắt. Những giải pháp chữa cháy gần đây theo kiểu “kế hoạch 3” hồi những năm 80 thế kỷ trước, hay cho phép nhiều cơ sở giáo dục vượt rào để xử lý từng trường hợp riêng lẻ về lâu dài rất nguy hiểm, chỉ gây thêm rối loạn, dẫn đến bất công và tiêu cực ngày càng tệ hại hơn.

Điều không may mắn là giải quyết vấn đề cốt tử này cực kỳ khó vì căn bệnh từ lâu đã thành một thứ ung thư của cả xã hội, chứ không riêng gì của giáo dục, lại gắn liền chặt chẽ với quốc nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng chóng mặt. Trước mắt chưa thể hy vọng có thể chữa trị nhanh chóng cái ung thư này, cho nên giáo dục phải tìm mọi cách tự cứu lấy mình trong phạm vi có thể, may ra còn nêu gương cho các ngành khác để tiến dần đến một giải pháp chung.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dù trong phạm vi cả nước còn khó khăn thì ngay trong nội bộ ngành giáo dục, vẫn có thể rà soát lại cơ chế tài chính, kiên quyết bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, bảo đảm lương đủ sống và dần dần trở thành thu nhập chính của mỗi người, từ đó lập lại kỷ cương, đạo đức trong giáo dục.

Trong một xã hội mà đời sống kinh tế bị thao túng nặng nề bởi các “nhóm lợi ích”, ai cũng thấy đây là việc vô cùng khó, tuy khả thi về điều kiện vật chất khách quan nhưng chắc chắn sẽ vấp trở ngại cực kỳ lớn.

Biết thế, song giáo dục là lĩnh vực cần bảo vệ trong sạch nhất, nếu không cương quyết làm bây giờ mà cứ trì hoãn mãi thì sẽ ngày càng khó hơn và sẽ chẳng bao giờ có hy vọng trả lại lòng tự trọng cho giáo dục, chẳng bao giờ xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại.

Thật đau xót, nhục nhã, khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong những tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải là thua lỗ triền miên, vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư ĐH. Sự thể đó cứ thản nhiên tồn tại năm này qua năm khác, song song với khẩu hiệu đã thành nhàm chán vì lặp đi lặp lại 15 năm nay mà chưa bao giờ đi vào cuộc sống: giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu.
 
GS Hoàng Tụy kiến nghị cải cách giáo dục

Bốn vấn đề chính cần giải quyết trong cuộc Cải cách giáo dục (CCGD) được GS Hoàng Tụy đúc kết gồm:
1. Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy.
2.Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề.
3.Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả
4.Chuyển giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Bản đề cương gồm ba phần chính: Quan điểm tổng quát (triết lý cơ bản của giáo dục mới); Những vấn đề chính và cấp bách cần giải quyết; Lộ trình và tổ chức thực hiện. Trong đó, 4 vấn đề cần giải quyết cấp bách theo định hướng hội nhập tích cực vào trào lưu chung của thế giới văn minh.

GS phân tích:

"Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển.

Mở đầu bản kiến nghị, ông viết:

"Từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục kiểu đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống, đã kéo dài hàng chục năm qua".

Bản kiến nghị kết thúc với đề xuất:


"Biết rằng, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước.
 
Theo GS Hoàng Tụy
Vietnamnet