Hành trang cho lao động VN ra nước ngoài làm việc

(Dân trí) - Tình cảnh của người VN đi XKLĐ lại một lần nữa trở thành chủ đề bàn luận. Bên cạnh những câu hỏi về trách nhiệm của ngành chức năng và các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, cũng có nhiều ý kiến đề cập các khía cạnh đáng lưu tâm với nhiều phía.

Hành trang cho lao động VN ra nước ngoài làm việc
Hình ảnh về tình cảnh của một số nữ LĐVN vừa được đưa trên báo Malaysia

 

Khâu chuẩn bị 
 

Có lẽ đông đảo bạn đọc cũng chia sẻ với nhận xét của Hung Luu luuhungqh@gmail.com về ý nghĩa của chủ trương tạo thêm kênh việc làm cho người LĐVN thông qua lĩnh vực XKLĐ: “Tôi cũng cho rằng, xuất khẩu lao động là 1 nguồn lực góp phần vào phát triển kinh tế xã hội cho đất nước…”

 

Để thực hiện được mục đích tốt đẹp đề ra, chắc ai cũng hiểu rằng khâu chuẩn bị là rất quan trọng, nhất là khi trình độ chung của người LĐVN chúng ta còn có phần chưa cân bằng so với mặt bằng chung của lực lượng LĐ nhiều nước khác, kể cả các nước trong cùng khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ…

 

Bởi vậy, không nói tới lĩnh vực tuyển chọn vẫn còn bị nhiều điều tiếng kêu ca, mà ngay trong khâu đào tạo ngoại ngữ, kiến thức, tay nghề và các kỹ năng sống ở nước ngoài cho các LĐVN đã qua tuyển chọn, thì rõ ràng là ở VN ta vẫn chưa thể nói là đã chu đáo, đã đáp ứng yêu cầu.

 

Bởi vậy khi xảy ra chuyện với các LĐVN ở nước ngoài, nơi đầu tiên được nghĩ tới là ngành chủ quản và các cơ quan, công ty XKLĐ. Những ý kiến cảm thông với những người trong cuộc cũng tương tự như Luu Hieu hieuluu2@gmail.com đã nêu:

 

“Cực chẳng đã và cũng vì miếng cơm manh áo mà người ta phải rời xa gia đình thôi, và cũng với một mong mỏi thay đổi cuộc sống cho tốt hơn thôi. Điều đó không đáng trách. Có chăng nên trách các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đưa họ đi mà không đảm bảo tốt cho họ mà thôi”.

 

Nguyen Thông nguyenthong@yahoo.com khuyến cáo: “Các doanh nghiệp cần nhớ rằng đưa người sang nước ngoài đi làm chứ không phải đưa họ sang đó rồi bỏ mặc không cần biết tình cảnh ra sao. Đề nghị cơ quan chức năng nhà nước dẹp bỏ ngay mấy công ty môi giới đã vi phạm hợp đồng. Cũng cần xem lại vì sao nhiều LĐ người Việt mình thường bị đối xử như vậy, không chỉ khi ra nước ngoài mà cả trong nước cũng thế...”

 

Lendy lendy115_115@yahoo.com cũng lưu ý: “Theo như mình suy nghĩ,  khi đi ra nước khác lao động, trước hết người LĐVN cũng phải biết ngôn ngữ của nước đó thì mới dễ liên hệ công việc. Chứ cứ tình trạng như thế này thì rất khó xử lý khi có chuyện gì đó xảy ra. Biết tiếng để giao tiếp tốt hơn và đó cũng là 1 phương tiện để làm việc”…
 
Hành trang cho lao động VN ra nước ngoài làm việc
Chị em đang làm thủ tục xuất khẩu lao động nước ngoài đến học nghề tại Trung tâm dạy nghề phụ nữ thành phố HP (ảnh: báo Hải Phòng)

 

Nỗ lực vượt khó

 

Nói đi cũng phải nói lại, dẫn đến sự tình không hay với một số LĐVN ở nước ngoài chắc không thể chỉ do lỗi của một phía nào, kể cả ngành chức năng, các công ty XKLĐ và người LĐ. 

 

Phản hồi của bạn dọc đối với trường hợp mới nhất vừa xảy ra với  42 nữ LĐVN được báo The Star của Malaysia đưa tin là vừa được “giải cứu” trong tình cảnh bi đát tại Malaysia và sau đó được ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định ngược lại, cũng nhấn mạnh những khía cạnh cần lưu ý từ phía người LĐ.

 

Ngọc Châu traitimbietnoi@yahoo.com.vn nêu câu hỏi: “Sao cứ thích đi nước ngoài như vậy? Chỉ cần chịu khó, cần cù thì ở đâu chẳng kiếm được tiền. Đất nước mở cửa, chỉ cần năng động tìm tòi học hỏi... Nhiều người nông dân vẫn làm giàu được bằng chính sức lao động của mình, cớ gì cứ phải đi ra nước ngoài làm cho họ chứ? Khi phong tục tập quán mỗi nơi mỗi khác, đến lúc khổ quá lại kêu la...”

 

Phạm Lâm smallest_factory@yahoo.com cùng quan điểm: “… Tôi cũng đồng tình với Ngọc Châu, sao cứ phải đi lao động nước ngoài chứ??? Ở trong nước cũng có nhiều cơ hội, chịu khó lao động bằng chính sức của mình ở quê hương thì mới lâu bền được”.

 

Cũng có cả những lời nhận xét, lời  khuyên và nhắn nhủ chân thành như Thien Tu thientu.ictu@gmail.com cho rằng: “... Nếu bị đối xử như thế họ có thể ra Đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ mà. Đây là do họ hết hạn visa mà vẫn muốn ở lại làm việc nên mới có tình cảnh như vậy thôi”…

 

Về tình cảnh được báo chí nêu với 42 nữ LĐVN ở Malaysia mới đây, chúng tôi cũng chia sẻ với chị em về những nỗi khổ, sự thiệt thòi… mà các chị em phải gánh chịu khi “thân gái dặm trường” mưu sinh. Song cũng rất mong các chị em suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định ra đi, cả về sắp xếp gia đình, thu xếp nguồn tài chính, chuẩn bị cho mình kỹ năng làm việc ở những nơi ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán có nhiều khác biệt…

 

Theo thống kê mới đây của báo Nhân Dân, năm 2011 cả nước đưa được 88.298 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 32 nghìn lao động nữ (khoảng 36%). Chị em giờ đây đã có thể tìm thêm cho mình những “chỗ dựa” mà một trong số đó là tham gia các lớp dạy nghề và các khóa tập huấn cần thiết. Đặc biệt là các lớp tập huấn về “Trao quyền cho phụ nữ Việt Nam đi XKLĐ” trong khuôn khổ dự án của nhóm điều phối Chương trình Giới giữa Liên hợp quốc và Việt Nam triển khai, nhằm nâng cao kiến thức về giới và vấn đề di cư ở Việt Nam theo hướng xây dựng chính sách và cung cấp dịch vụ phù hợp.

 

Như lời động viên mà Hoang Thanh Dat hoangthanhdat08@yahoo.com.vn vừa gửi tới 42 lao động nữ VN tại Malaysia, chúng tôi cũng mong các chị em hãy: “Cố gắng lên để vượt qua!” Muốn vậy, mong chị em hãy cùng cố gắng giúp đỡ nhau hơn để có thể vững vàng và tự tin trong hoàn cảnh làm việc xa đất nước, xa người thân...Và cũng mong sao sự quan tâm đối với lực lượng LĐXK của VN ta được nhiều hơn, cụ thể và hữu hiệu hơn từ phía bộ chủ quan và cả các tổ chức, cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ.

 

Kiều Anh