Bạn đọc viết
Hạn chế luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã
Nhiều địa phương viện lý do phải luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì ngoài việc luân chuyển cán bộ thì còn rất nhiều giải pháp khác...
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Thông tư số 06/2012/TT-BNV) thì nhiệm vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịchcấp xã gồm "Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau: Phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật, tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật; Kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham gia công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cấp xã; thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật; phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn xây dựng hương ước quy ước ở thôn, tổ dân phố và công tác giáo dục tại địa bàn cấp xã; chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
Với nhiệm vụ được quy định như trên, việc đảm đương hết nhiệm vụ của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch là rất khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ làm công tác Tư pháp - Hộ tịch ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn và Điều 2 Thông tư số 06/2012/TT-BNV, thì còn phải là người kinh nghiệm, có thời gian công tác, đặc biệt làm nắm vững tình hình, đặc điểm dân cư ở địa phương mới có thể giải quyết công việc một cách kịp thời, chính xác. Ví dụ: Cán bộ Tư pháp - Hộ tịchbiết rõ tình trạng nhân thân của một công dân tại địa phương cụ thể thì mới có thể giải quyết kịp thời, nhanh chóng các sự kiện hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...mà không cần phải kiểm tra, xác minh. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã rất cần cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có kinh nghiệm và thời gian công tác lâu năm, nếu giao nhiệm vụ này cho cán bộ vừa mới, vừa không nắm rõ tình hình, đặc diểm dân cư địa phương, thì khi tham mưu giải quyết công việc rất dễ xảy ra sai sót, không hiệu quả, có thể phát sinh những phiền hà đối với người dân.
Ý nghĩa là thế, tuy nhiên không phải ở địa phương nào cũng có cán bộ Tư pháp - Hộ tịch đủ tiêu chuẩn, có kinh nghiệm và công tác lâu năm. Tình trạng sử dụng và luân chuyển cán bộ Tư pháp Hộ tịch một cách tùy tiện hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết công việc Tư pháp-hộ tịch ở cơ sở. Nhiều địa phương khi luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch và bố trí cán bộ khác đảm đương nhiệm vụ này thì bị ngưng trệ, kém hiệu quả do cán bộ mới cần phải có thời gian nghiên cứu, tiếp cận với công việc; đồng thời, do chưa quen công việc nên thời gian thụ lý và giải quyết hồ sơ công việc chậm vì cần có thời gian kiểm tra, xác minh. Để đảm đương vị trí công tác Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ mới nhận nhiệm vụ ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn, tích lũy kinh nghiệm, phải mất khoảng 3 năm công tác mới thành thạo được công việc. Khi thành thạo công việc thì lại luân chuyển sang vị trí công tác như cán bộ văn phòng, địa chính, văn xã...nên rất lãng phí trong việc đào tạo, sử dụng cán bộ và gây trở ngại rất lớn đến công tác Tư pháp - Hộ tịch cơ sở.
Nhiều địa phương viện lý do phải luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì ngoài việc luân chuyển cán bộ thì còn rất nhiều giải pháp khác như thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ...và khi đã quyết định luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phải bồi dưỡng, xây dựng cán bộ kế thừa nhiệm vụ, có khả năng đảm đương nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch cơ sở, có như vậy, nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch cơ sở mới được thông suốt, đáp ứng kịp thời, nhanh chóng yêu cầu của người dân.
Tóm lại, công tác Tư pháp - Hộ tịch ngày càng có vai trò quan trọng đối với chính quyền địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, cán bộ làm công tác Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã có vai trò quyết định, nhất là những cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có thời gian công tác lâu năm, am hiểu đặc điểm, tình hình người dân ở địa phương thì mới giải quyết công việc một cách thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp xã khi luân chuyển cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cần phải cân nhắc thật kỹ và khi đã luân chuyển phải bố trí cán bộ khác thay thế đủ các điều kiện nêu trên mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ Tư pháp - Hộ tịch ngày càng nặng nề và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính quyền và người dân ở cơ sở hiện nay.
Đỗ Văn Nhân
(Sở Tư pháp Kon Tum)