Phiếm đàm

Hai chuyện ngược nhau trên vỉa hè Hà Nội

(Dân trí) - tôi bất giác nhớ lại một nhà chính trị kinh tế học nổi tiếng của thế giới, đã nói rằng: “Bất kỳ một quyết định hành chính nào cũng thường ẩn náu đằng sau những lợi ích kinh tế.” Đúng thật, câu nói đúng thật! sao mà đúng thế không biết ...

Đang cùng nhau lững thững đi bộ trên vỉa hè rộng, đẹp của đường Giảng Võ, ông bạn già của tôi chợt dừng lại, gõ batoong vào một cái cây, thắc mắc:

- Mấy tháng rồi, sao đến giờ vẫn để tồn tại nhỉ?

Tôi ngạc nhiên:

- Xanh mướt, khỏe, sao lại không tồn tại. Mà lại là cây sưa đỏ, loại cây quý trên đường phố đấy, càng phải để  nó tồn tại chứ?

Bạn tôi lườm:

- Chậm nhiểu thế. Tôi không nói là cái cây mà là nói chiếc lồng sắt quây kín quanh cái cây kia. Chiếc lồng sắt này đã có từ đã nhiều tháng nay mà vẫn chưa thấy chính quyền sở tại cho xe đến tháo dỡ chở đi.

 

Bọc giáp sắt bảo vệ cây trên đường phố Giảng Võ

Bọc "giáp sắt" bảo vệ cây trên đường phố Giảng Võ

Tôi lùi lại mấy bước, nhìn chiếc lồng sắt quây kín cây sưa đỏ. Đầu những thanh sắt được gắn chặt xuống những tấm đá lát vỉa hè. Bảo vệ một nhà hàng ở đây cho biết, cây sưa đỏ được dân tự quây kín như vậy là để đề phòng bị bọn “lâm tặc” cưa trộm. Đầu trên lồng sắt bảo vệ sưa đỏ được cắt sắc nhọn. Những thanh sắt to bằng ngón chân được gia cố bằng những mối hàn gắn kết với nhau rất chắc chắn. Ngắm nghía chiếc lồng sắt ôm gọn cái cây, không có gì cản trở giao thông trên vỉa hè. Bèn bảo:

- Vớ vẩn, Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 19 vụ cưa trộm cây gỗ sưa đỏ rồi. Trước tình trạng đó, cử tri Hà Nội  đã lo lắng đề nghị thành phố Hà Nội có biện pháp bảo vệ những sưa đỏ trên vỉa hè hà Nội. Chờ mãi chưa thấy chính quyền thành phố khởi động việc này. Thấy vậy, dân ở đây lo lắng, tự ý làm lồng sắt bảo vệ cây, như vậy là tốt chứ sao. Có gì đâu mà ông muốn phải tháo dỡ, không cho nó tồn tại?

Bạn tôi bảo:

- Nhưng hãy làm một cái so sánh: Cuối tháng 5 vừa rồi, khi thấy trời nắng nóng kéo dài, nhiều người lao động vất vả đi trên đường không có nước uống nên 3 hộ dân kinh doanh trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) đã cùng nhau pha trà đá miễn phí rồi để trong một chiếc thùng xốp cạnh gốc cây trên vỉa hè phục vụ người dân. Chi phí cho bình trà đá này khoảng 50.000 đồng một ngày. Đều đặn, hơn hai tháng từ 8h đến 19h, thùng trà đá khoảng 20 lít này đã phục vụ hàng trăm lượt người dân lao động nghèo mỗi khi qua đây. Một chủ cửa hàng làm việc thiện này nói: "Đây là tấm lòng với mong muốn chia sẻ một chút tình cảm nhỏ bé với những người lao động, người nghèo cốc nước trong mùa hè nóng, chứ không có mục đích gì khác." Bình trà đá để gọn ở gốc cây giống hệt như chiếc lồng sắt trước mặt chúng ta đây, rất gọn gàng, thấy cũng chẳng có vẻ gì là lấn với chiếm vỉa hè, cũng không có gì là cản trở giao thông hay mất mỹ quan đô thị, nhưng vẫn bị công an phường đó cho xe đến tháo dỡ thu về trụ sở. Vì vậy tôi mới thắc mắc hỏi ông 3 cái cùng như sau:  Cùng một ý tốt giống nhau: bình trà đã để làm việc thiện giúp người, còn quây rào sắt ở gốc cây đề chống trộm chặt cây sưa đỏ công cộng; Cùng được đặt ở gốc cây, chiếm diện tích như nhau; Cùng đều là dân tự nguyện làm, Thành phố không bỏ ra kinh phí vậy mà tại sao rào sắt quây gốc cây nơi này thì không bị tháo dỡ, còn bình trà đá đặt ở gốc cây nơi kia thì bị tịch thu.

 

Hai chuyện ngược nhau trên vỉa hè Hà Nội - 2

Trà đá miễn phí trên đường Giải Phóng (Hà Nội)

Tôi ngộ ra, ngửa mặt lên trời cười:

He he.. hiểu rồi. Nghe nói mấy quán trà vỉa hè quanh đấy để tồn tại đều đã đóng mỗi quán 500.000 đồng/1 tháng theo  giá chung bất thành văn ở Hà Nội, nên những hàng quán cho dù bìa bạt che chìa ra vỉa hè thậm chí là lòng đường , nhưng khi nào đi dẹp thì những quán đã đóng tiền đó sẽ được thông báo và sẽ được làm ngơ, còn mấy hộ làm bình trà đá miễn phí kia là những hộ không đóng tiền, lại làm giảm số lượng khách đến, ảnh hưởng đến kinh doanh của những quán nước đã đóng tiền, thì bị dẹp là đương nhiên thôi. Còn cái lồng sắt bao quanh cây sưa đỏ này chỉ là để bảo vệ cây sưa đỏ không bị chặt trộm, đâu có ảnh hưởng đến kinh doanh của các hàng quán đã đóng phí quanh đấy, chẳng ảnh hưởng gì đến thu lợi trong hoạt động kinh  doanh của họ thì nó vẫn được tồn tại là lẽ đương nhiên rồi.

Bạn tôi gật gù, bảo:

- Việc này làm tôi bất giác nhớ lại một nhà chính trị kinh tế học nổi tiếng của thế giới, đã nói rằng: “Bất kỳ một quyết định hành chính nào cũng thường ẩn náu đằng sau những lợi ích kinh tế.” Đúng thật, câu nói đúng thật! sao mà đúng thế không biết ...

Nguyễn Đoàn