Hai chân không giẫm vào nhau

Miền Trung phải tránh được mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển giữa công nghiệp và du lịch. Nôm na là làm sao để “hai chân không giẫm vào nhau” mới có được bước đi nhanh và không vấp ngã - lời Thủ tướng tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hôm qua 20.8.

Hai chân không giẫm vào nhau - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. chủ trì hội  nghị phát triển kinh tế miền Trung Ảnh: VGP

Miền Trung phải tránh được mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển giữa công nghiệp và du lịch. Nôm na là làm sao để “hai chân không giẫm vào nhau” mới có được bước đi nhanh và không vấp ngã - lời Thủ tướng tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hôm qua 20.8.

Hai chân không giẫm vào nhau là một so sánh, ẩn dụ rất thú vị khi thực tế bước chân công nghiệp với bước chân du lịch nhiều khi lại không cùng một hướng. Hãy nhớ, Thủ tướng từng khẳng định: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Và câu chuyện “hai chân không giẫm vào nhau” hôm nay chỉ tái khẳng định quan điểm đó mà thôi.

Nhân phát biểu của Thủ tướng, có lẽ phải nhắc lại những câu chuyện vẫn y nguyên tính thời sự.

Du lịch đang trở thành động lực tăng trưởng ngành công nghiệp không khói của miền Trung. Đây là những con số năm 2018: Tổng lượng khách đến cả khu vực tới 56 triệu lượt (11,9 triệu lượt khách quốc tế), chiếm hơn 60% lượng khách của cả nước. Tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670 tỉ đồng, bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước. Ngành du lịch cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 180.000 lao động.

Dù chưa được như kỳ vọng, dù mới chỉ là khai thác “những viên ngọc thô chưa được mài giũa”, nhưng rõ ràng tốc độ phát triển và tiềm năng du lịch miền Trung là rất lớn và đầy triển vọng.

Chưa kể tới việc vùng Duyên hải miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Trong khi đó, mức tăng trưởng công nghiệp - xây dựng toàn vùng đang đạt 10,36%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân cả nước (8,1%).

Trong khi đó, nếu lựa chọn công nghiệp là ưu tiên, nhất là nhiệt điện và thép - cũng có nghĩa là chúng ta có nguy cơ phải đánh đổi, không chỉ bằng du lịch mà còn bằng sức khỏe, môi trường và an toàn xã hội.

Nếu phải bước bằng cả hai chân, thì đó phải là kinh tế biển, là cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, là khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; và năng lượng tái tạo... Là những cái lắc đầu cương quyết như Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từng nói không với những dự án, “miếng bánh” hàng chục tỉ USD ở Vân Phong tiềm ẩn hủy hoại môi trường - thứ mà tiền không thể mua lại được.

Theo Anh Đào

Báo Lao động