Hà Nội tính làm đường riêng cho xe buýt

Nhằm đáp ứng nhu cầu và thu hút người dân thủ đô tham gia sử dụng vận tải hành khách công cộng, UBND TP.Hà Nội đang nghiên cứu triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố trục chính đủ điều kiện. Đồng thời, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Hà Nội tính làm đường riêng cho xe buýt - 1

Cần có đường dành riêng cho xe buýt để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: GT

Vì sao xe buýt chưa hấp dẫn?

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, do điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, trong khi tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông quá nhanh đã khiến phương tiện công cộng và xe cá nhân cùng “níu chân” nhau trên những làn đường hỗn hợp. Vào các khung giờ cao điểm, xe buýt phải nhích từng tí vì bị các phương tiện giao thông khác bao vây như nêm cối không thể đi được. Cụ thể trên các tuyến đường như Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, hay trục Lê Văn Lương - Láng Hạ, Khâm Thiên, nhiều thời điểm ùn tắc khiến xe gần như đứng nguyên hàng chục phút và phải mất nhiều nhịp đèn giao thông các phương tiện mới có thể qua được nút giao.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), chỉ tính riêng năm 2018 có hơn 180.000 lượt xe buýt phải hủy chuyến, quay đầu do ùn tắc giao thông. Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉ lệ các chuyến xe buýt chậm từ 10 đến 20 phút/chuyến chiếm khoảng 50%.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội - Nguyễn Trọng Thông cho biết, tốc độ vận hành của xe buýt ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2013, tốc độ của xe buýt đạt 23km/giờ, thì nay chỉ còn khoảng 17km/giờ. Trong khi đó, người tham gia giao thông luôn có xu hướng lựa chọn phương tiện nào có thể đi nhanh và tính cơ động cao hơn. Mặc dù, mỗi năm Hà Nội đổ hàng nghìn tỉ đồng để trợ giá cho người dân sử dụng, nhưng xe buýt vẫn chưa thực sự hấp dẫn hành khách.

Giảm xung đột và ùn tắc giao thông

Với mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25%, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu hàng loạt giải pháp. Trong đó có việc triển khai các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện; tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các tuyến phố không cho xe ôtô hoạt động; tổ chức lại giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Nguyễn Hoàng Hải, Hà Nội đã từng làm đường riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, tuyến Yên Phụ, sau đó là làn ưu tiên xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Làn đường riêng trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú phải dừng do thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Còn tại các tuyến Yên Phụ và tuyến BRT, tốc độ vận hành của xe buýt cao hơn.

Đặc biệt, với tuyến BRT, thời gian di chuyển giảm 20-30%, gần 100% xe xuất bến đúng giờ, độ an toàn cao hơn. “Việc tổ chức làn đường riêng xe buýt sẽ tăng được tốc độ vận hành, giảm thời gian chuyến đi, bảo đảm đúng giờ và đúng biểu đồ, tăng năng lực vận chuyển, giảm chi phí nhiên liệu, giảm xung đột và ùn tắc giao thông” - ông Hải cho hay.

Cũng theo ông Hải, khi tổ chức làn đường riêng, các phương tiện cá nhân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ khảo sát cẩn trọng và cân nhắc thời điểm phù hợp, hiện chưa chốt thời điểm triển khai, nhưng việc này cần phải làm sớm. Sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, dự kiến năm 2020 sẽ là cơ hội tốt để thực hiện, bắt đầu từ tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông.

Theo Phó Tổng Giám đốc TCty Vận tải Hà Nội - Nguyễn Công Nhật, tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông là trục “xương sống”, chiếm tới 30% số tuyến trên toàn mạng xe buýt của Thủ đô. Trước đây, khi có làn đường riêng, xe buýt có thể vận hành đạt tốc độ 20-21km/giờ, nhưng nay chỉ còn 13-14km/giờ. Nếu có làn đường riêng sẽ an toàn hơn do xe buýt không phải ra vào điểm dừng, cản trở luồng giao thông (trên trục này có 25 tuyến, mỗi ngày có 78.750 lần xe buýt ra - vào điểm dừng). Các phương tiện khác sẽ được tạo không gian lưu thông tốt hơn do không bị xung đột với xe buýt.

Hà Nội sẽ dự kiến phân làn riêng 4 tuyến đủ chiều rộng mặt cắt đường; có lượng xe buýt hoạt động lớn; lưu lượng giao thông phù hợp, để không tạo áp lực quá lớn khi có làn đường riêng gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng - Hà Đông dài 5km); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt (4,7km); tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (5,9km); tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm (9,6km). 

Theo Đặng Tiến

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm