Hà Nội, một thời củi lửa...?

Nói theo dân dã là củi lửa, thời nay tân tiến gọi là chất đốt. Gọi là cách nào thì cuối cùng cũng là nói về một thứ nguyên liệu, làm cho bếp nhà đỏ lửa; khiến cho tổ ấm yên vui, cơm ngon canh ngọt.

Vẫn còn đâu đây hôm nay, nơi ngoại thành nghèo khó, chốn nội thành thiếu thốn, những bếp nhà đun nấu bằng rơm rạ, than tổ ong, dầu hỏa, biogas. Nhưng ít lắm! Đại đa số các gia đình Hà Nội đun nấu bây giờ là bếp điện, bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại… phong phú và hiện đại, tiện lợi và nhàn hạ, sạch sẽ và sang trọng. Mỗi tội, những của ấy đắt tiền và tốn kém!

 

Thế cho nên, nhắc lại đôi chuyện củi lửa Hà Nội xưa mà thực ra cũng chưa xa lắm, ba bốn mươi năm về trước thôi.

 

Một chiều hè năm 1967.

 

Nóng bỏng tiết trời, nóng bỏng đạn bom.

 

Còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn rú liên hồi ghê rợn. Những tốp máy bay Mỹ quần đảo rạch nát bầu trời xanh ngắt.

 

Một góc hồ Trúc Bạch và Hồ Tây
Một góc hồ Trúc Bạch và Hồ Tây

 

Một tốp nhằm thẳng cầu Long Biên - cây cầu duy nhất thời đó nối thủ đô với phía bắc và đông bắc đất nước - trút điên cuồng hàng loạt rocket. Súng cao xạ phòng không từ trận địa An Dương - Phúc Xá, từ ngay các ụ pháo trên nóc cầu, nhằm máy bay địch xối xả nhả đạn. Mặt cầu không một bóng người. Trên nóc cầu là các chiến sĩ phòng không. Hai đầu cầu là công an, tự vệ, những người phục vụ chiến đấu. Vậy mà đúng lúc trận chiến đang diễn ra đầy khốc liệt và nguy hiểm, khói súng khét lẹt, mảnh đạn vãi như trấu cắm xuống mặt cầu, bỗng xuất hiện trên mặt cầu một cậu bé trạc 13-14, đầu đội mũ rơm, đang mải miết gò lưng đạp chiếc xe Thống Nhất từ phía Gia Lâm sang, sau xe là một bao tải lặc lè. Cậu bé đạp đến quá nửa cầu thì 2 chiến sĩ công an từ phía ga Long Biên lao tới. Một người bế thốc cậu bé chạy tiếp qua cầu, người kia đẩy vội chiếc xe cùng cái bao tải đổ kềnh ra mạn cầu…

 

Trận chiến đấu kết thúc, còi báo yên gióng giả vang lên. Lúc ấy, mọi người mới có thời gian quan tâm đến cậu bé, lúc này mặt mũi vẫn đỏ gay vì nắng nóng, nước mắt lưng tròng vì lo mất xe và bao tải hàng. Một anh tự vệ dắt chiếc xe đạp tới, cậu bé líu lưỡi: “May quá, may quá..! Cả xe và bao tải vẫn còn nguyên…”. Một chiến sĩ công an hỏi, giọng gay gắt đầy cảnh giác (thời chiến mà): “Này, thằng bé kia, bao tải đựng hàng gì đấy?”. Mắt chợt sáng long lanh, cậu bé nhanh nhảu: “Mùn cưa chú ạ”. “Há, cái gì, mùn cưa á?”. “Vâng, mùn cưa đun bếp ạ. Nhà cháu hôm qua hết sạch không còn gì để đun rồi. Mẹ cháu ốm, chị cháu học ca chiều, cháu học sáng nên chiều nay phải đi mua mùn cưa ạ…”. “Thế bố đâu mà không đi mua?”. “Dạ, bố cháu đi B chiến đấu đã gần 3 năm rồi…”. Nghe đến đấy, anh công an dịu giọng: “Sao cháu không để báo yên rồi hẵng qua cầu. Nguy hiểm quá, vì mỗi bao mùn cưa mà chết như chơi đấy nhá…”. “Lúc báo động cháu cũng sợ, nhưng cháu lo đánh nhau lâu, tối muộn mẹ cháu không có gì nấu cháo, đã ốm lại đói thì tội lắm, nên cháu liều đạp qua cầu ạ”. “Mà này, nhà cháu ở đâu nhỉ?”. “Ở ngay phố Kim Mã ạ. Gần ngay nhà cháu cũng có cửa hàng bán mùn cưa, nhưng cháu sang tận Trâu Quỳ mua, đạp xe cả trưa mới tới, vì thấy mọi người bảo là sang bên ấy mua mùn cưa, cứ mỗi bao tải 30 cân lại được cho thêm một thanh củi giát giường để buộc vào póc-ba-ga chở hàng cho chắc ạ…”.

 

Trời ạ! Để thêm được vào bếp lửa nhà mình chỉ một thanh củi giát giường bé tẹo mỏng tang, cậu học trò cấp 2 gầy gò khẳng khiu ấy đã phải đạp xe hơn 2 chục cây số cả đi lẫn về giữa nắng nóng gần 40oC như thế. Để mang kịp về mỗi một bao tải mùn cưa cho mẹ có chất đốt nấu bữa chiều, đứa con trai duy nhất của người lính đang biền biệt ngoài mặt trận phía nam đã liều đội cả trận mưa rocket và cao xạ vượt cầu Long Biên giữa trận chiến ác liệt như thế.

 

Đấy, đấy là cổ tích về một thời dân Hà Nội đun bếp củi, bếp mùn cưa!

 

Người Hà Nội không ai không biết hồ Trúc Bạch, nhưng có thể ít ai biết rằng, dưới đáy cái hồ đẹp như một tấm gương soi chứa bao huyền thoại lịch sử và chiến công hiện đại ấy, từng có thuở chứa đựng cả một “kho” chất đốt khổng lồ cho dân Hà Nội.

 

Chuyện là thế này.

 

Nhà máy Điện Yên Phụ nằm ngay đầu dốc Cửa Bắc, chỗ đất bây giờ xây tòa cao ốc nguy nga là trụ sở EVN.

 

Kể từ sau giải phóng thủ đô 1954, nhà máy điện này là nguồn cung cấp điện duy nhất cho toàn thành phố. Máy móc từ thời Pháp để lại cũ kỹ và lạc hậu, thi thoảng có sửa chữa, chắp vá thêm máy móc Liên Xô, Trung Quốc viện trợ, nhưng công nghệ chắc cũng kém cỏi, nên ngày ngày, cái nhà máy “điên nặng” này vẫn cứ đều đặn thả lên trời Hà Nội cuồn cuộn khói than và thải xuống hồ Trúc Bạch hàng tấn xỉ than qua đường cống bảo dưỡng chạy ngầm dưới lòng phố Phạm Hồng Thái, Châu Long, rồi đổ ra chỗ mép hồ cạnh chợ Châu Long. Ở ngay chỗ ấy, suốt hàng chục năm ròng rã, lúc nào cũng có một tốp công an vũ trang cắp tiểu liên canh gác suốt ngày đêm, nghiêm cẩn hơn cả bốt gác các tòa đại sứ bây giờ (!).

 

Theo cách giải thích của các bác bảo vệ dân phố là để “đề phòng bọn phản động, gián điệp, bọn biệt kích người nhái Mỹ - Ngụy chui từ hồ Trúc Bạch theo đường cống ngược vào nhà máy điện phá hoại!”. (Rõ khổ, cái bệnh thời chiến, nhìn đâu cũng thấy địch! Hòa bình thống nhất đã gần 40 năm, chả hiểu “căn bệnh” ấy giờ đã khỏi hẳn chưa?).

 

Trở lại với chuyện “kho” chất đốt dưới lòng hồ Trúc Bạch.

 

Sau hàng chục năm trời, cái lượng xỉ than, bụi than đều đặn hằng ngày hằng giờ thải từ Nhà máy Điện Yên Phụ ra ấy, sau khi ngâm mình trong nước ấm hồ Trúc Bạch đã biến thành một “mỏ” than bùn khổng lồ dưới đáy hồ, giúp dân Hà Thành vượt qua những ngày “than châu, củi quế” thời bao cấp.

 

Người dân xếp hàng mua lương thực thời bao cấp
Người dân xếp hàng mua lương thực thời bao cấp

 

Một chất đốt mới ra đời: Than bùn Trúc Bạch. (Thiết thực và nổi tiếng hơn cả bia Trúc Bạch rất nhiều năm).

 

Thế là một nghề “sản xuất năng lượng” mới xuất hiện: Nghề làm than bùn. Những rổ than bùn được các thợ lặn không chuyên, chủ yếu là dân ven hồ, lặn vét lên bờ, chờ ráo bớt nước thì nhào nặn, nắm vắt thành những cục than, rồi phơi khô ngay ven bờ hồ, trông na ná như những chiếc bánh bao Tàu trên phố Hàng Buồm, tuy sắc màu trắng đen tương phản tột cùng!

 

Những nắm than bùn Trúc Bạch theo những người đội thúng trên đầu nước than bùn chảy nhễu che kín mặt, chỉ còn thấy mỗi hàm răng lập cập vì ngâm nước suốt ngày và đôi mắt đỏ ngầu vì dặm than hoặc người oách hơn có cái xe thồ, kẽo kẹt đi khắp hang cùng ngõ hẻm, cấp than bùn cho mọi bếp nhà khắp thành phố.

 

Cơ khổ là nhóm lò đun bằng than bùn ấy. Làm gì có điện sẵn như bây giờ mà nhóm lò bằng quạt máy. Nên cứ là quạt rã tay, rách cả cái quạt nan mà bếp chưa đỏ lửa. Than ít, bùn nhiều đã đành. Lại còn làm vội, bán vội, nước hồ còn chưa ráo, nhưng để có cái mà đun vẫn cứ bán cướp, tranh mua, cho dù khói xông hơn cả đầu xe lửa chạy than ngoài ga Hàng Cỏ. Nhà ai vung nồi không khít, nấu xong, bưng bát cơm lên ăn, bát canh lên húp, cứ thấy quanh mâm thoang thoảng mùi khen khét của khói, váng vất mùi thum thủm của bùn, rõ thảm! Sau này, từ năm 1970 trở đi, bắt đầu có bán thêm dầu hỏa. Nhưng than, củi vẫn là thứ chất đốt chính. Vào dịp tết, mỗi hộ gia đình được mua thêm ít củi hoặc than để luộc bánh chưng.

 

Phàm đã là một nghề thì bao giờ cũng có nghệ nhân. Nghề làm than bùn cũng vậy. Có ông chết đuối trong đói rét dưới hồ vì lặn vét than bị chuột rút từ đêm, sáng ra vớt xác tay vẫn nắm chặt chẳng rời cục than bùn, thậm đau đớn!

 

Có cậu từ dân vét bán than bùn, sau dăm năm có vốn chuyển qua phe dầu hỏa, rồi phe xăng, cứ loanh quanh thậm thụt với mấy cô mậu dịch viên cửa hàng chất đốt mà phất lên vùn vụt, rồi chuyển qua sắm xe bò kéo chở than, xe tải chở củi, nay đường đường là chủ một hãng taxi danh giá ở Hà Thành!

 

Và nghề than bùn Trúc Bạch cũng có người vụt cái trở thành “ngôi sao”, trở thành “người của công chúng”, trở thành “hot boy” như ai.

 

Chàng dân gốc phố Quán Thánh, bơi giỏi, lặn siêu. Nghề chính là vận động viên bơi lội thành phố, từng đoạt huy chương vượt sông Hồng nhanh nhất, từng được bằng khen vì cứu nhiều người trong lũ lụt ngoài đê, nhưng rồi, sinh ra phải thời bom đạn, lớn lên gặp buổi bao cấp, những khen thưởng kia chẳng giúp chàng vượt qua nghèo khó, lại sẵn tài sông nước, lưng nhà áp với mặt hồ, thế là chàng đầu quân hồ hởi vào đội quân vét than bùn lam lũ nhưng kiếm ra tiền mỗi ngày lúc ấy.

 

Một buổi trưa, đang lặn ngụp vét than bùn, cũng vào những ngày chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tuy có báo động, nhưng là trận không chiến nên chàng vẫn vô tư, coi hồ Trúc Bạch như cái “tăng xê” nhà mình. Thế rồi, sau mấy tiếng tên lửa không đối không nổ cao tít đâu đâu, chàng bỗng thấy một chiếc dù lơ lửng ngay trên đầu mình, rồi cắm thẳng xuống hồ, cách “khai trường” của chàng có vài trăm mét. Vứt xừ cái rổ than mới vớt xong, sau vài cái sải tay, chàng đã đến sát nơi chiếc dù rơi. Tên giặc lái Mỹ, bị thương vì dính đạn của máy bay ta, đang đầm đìa máu me, lúng túng như gà mắc tóc, vùng vẫy giữa mớ dây rợ lằng nhằng. Tiếng Mỹ không biết nửa từ, nhưng trai thời loạn, lại dòng rái cá, dưới nước linh hoạt hơn trên bờ, chàng thoăn thoắt gỡ tên phi công Mỹ đang ngáp nước ừng ực ra khỏi cái mớ dù bùng nhùng, rồi vừa bơi vừa dìu cái tấm thân ngót nghét cả tạ thịt ấy vào bờ. Ít phút sau, theo chàng, đã có mấy người nhảy xuống, cùng dìu hắn lên bờ. Rồi nhà chức trách tới, đưa viên phi công đi cấp cứu y tế, sau đó là đưa y tới Khách sạn Hilton - Hà Nội làm tù binh, đương nhiên.

 

Chiến tranh chấm dứt, hết thời bao cấp, nghề than bùn lụi tàn, chàng trở lại với nghiệp bơi lội, làm huấn luyện viên cho một câu lạc bộ bơi cấp quận.

 

Gần 20 năm sau cái buổi trưa bắt phi công trên hồ, vào một tối mùa đông giáp Noel, chàng, sau bữa cơm chiều với vợ con, đang pha ấm trà nhâm nhi thì có khách. Ông cán bộ phường sở tại và cảnh sát khu vực đến để thông báo cho ông biết mà chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn trang phục, vì ngày mai viên phi công Mỹ mà chàng đã vớt lên từ dưới hồ - giờ là một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, sẽ cùng cả một đoàn cán bộ chính quyền sở tại và thành phố, một số nhân viên ngoại giao, một số thành viên Hội Hữu nghị Việt - Mỹ tới thăm và cảm ơn chàng - người đã cứu ông ta thoát chết đuối. Vài chục tờ báo, đài phát thanh truyền hình sau đó một hôm tíu tít đưa tin sự kiện liên quan đến chàng. Ảnh chàng tay bắt mặt mừng nằm đầy các sạp báo suốt cả tuần.

 

Chàng trai vét than bùn bỗng trở thành nổi tiếng, hơn cả lần vượt sông Hồng nhanh nhất!

 

Ông hàng xóm của chàng thì thào pha chút ghen tị, rằng cái bữa chàng gặp viên cựu phi công Mỹ - Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, lúc ấy chàng mới trịnh trọng trao lại cho viên phi công chiếc lắc nhôm ghi tên họ và số lính của ông ta, mà chàng đã nhặt được cũng ngay trưa hôm ấy. Còn ngài Thượng nghị sĩ, cũng theo thì thào của ông hàng xóm, đã tặng chàng chiếc đồng hồ Thụy Sĩ được nước Mỹ “thửa” riêng dành tặng cho các phi công ưu tú của không lực Hoa Kỳ, có khắc cả chữ ký của Tổng thống đương nhiệm, kèm theo đó là một túi quà giáng sinh, mà ngoài chàng, đến bây giờ cũng không một ai biết trong đó có gì.

 

Đấy, đấy cũng là một cổ tích về một thời người Hà Nội đun bếp than bùn!

 

Theo Vũ Hùng

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ 2014