Giữa “ma trận” văn bằng: Cần lắm nền giáo dục “thực học - thực nghiệp”

Sau những ồn ào về bằng cấp của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, dư luận bàng hoàng khi biết về sự phức tạp của “ma trận” bằng cấp. Đã đến lúc, chúng ta cần quay lại với triết lý “thực học, thực nghiệp”.


Thực học - thực nghiệp sẽ đầy lùi tình trạng bằng cấp giả tràn lan. Ảnh: PV

"Thực học - thực nghiệp" sẽ đầy lùi tình trạng bằng cấp giả tràn lan. Ảnh: PV

Từ truyền thống trọng khoa bảng thời phong kiến, “cơn khát” bằng cấp, học vị chưa bao giờ nguôi trong tâm lý người Việt.

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người, đã tìm cách, để có những tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ, cả trong nước và nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến tháng 10.2016, có khoảng 130.000 công dân đang học tập ở nước ngoài. Từ năm 2000 tới tháng 10.2016, có 485 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Trong đó có 96,7% chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài.

Năm 2008, cả nước chỉ có 88 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng, đến năm 2016, tăng lên 3.861 hồ sơ.

Giữa “ma trận” đó, để quy trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT về việc để lọt những trường hợp bằng dỏm, thiết nghĩ cũng nên thông cảm cho cái khó của cơ quan này.

Giải pháp căn cơ, không chỉ là siết, thanh lọc các tấm bằng dỏm, mà cần chú trọng giải pháp gốc rễ của vấn đề, đó là thực hiện quan điểm, triết lý “thực học, thực nghiệp” của tiền nhân.

Thực học, thực nghiệp là chú trọng chất lượng đào tạo, giáo dục gắn với thực tiễn, nhu cầu lao động, lấy hiệu quả, chất lượng công việc của người học làm thước đo.

Thực học – thực nghiệp sẽ không có chuyện đào tạo lí thuyết kinh viện, viễn vông, xa rời thực tiễn; sẽ không có lãng phí trong giáo dục – đào tạo, cấp bằng xong rồi… thất nghiệp.

Thực học - thực nghiệp sẽ bảo đảm cạnh tranh công bằng - bình đẳng trong tuyển dụng, đề bạt người lao động, cán bộ.

Triết lý, quan điểm này cần được thể chế hóa bằng các quy định, quy tắc tuyển dụng, đề bạt nhân sự từ địa phương đến cơ sở.

Ví dụ, khi tuyển dụng lao động thì năng lực thực tế qua sát hạch sẽ đóng vai trò quyết định. Bằng cấp, chỉ yêu cầu ở mức cơ bản, bao gồm tốt nghiệp từ THPT đến Đại học, và là “tiêu chí phụ” trong trường hợp hai ứng viên có kết quả sát hạch tương đương.

Năng lực của giáo viên, giảng viên phải thể hiện trên bục giảng, và kết quả của người học, kết quả nghiên cứu. Năng lực công nhân thể hiện ở năng suất, hiệu quả lao động.

Bằng cấp chả có nghĩa lý gì nếu không có năng lực, làm việc không hiệu quả.

Trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, các ứng viên sẽ được xem xét trên cơ sở năng lực, hiệu quả công tác, kết quả sát hạch, bảo vệ đề án, thay vì tuyển trên xuống theo bằng cấp, điểm số.

Không bảo đảm thực hiện triết lý thực học - thực nghiệp, thì chúng ta sẽ bị “ngộp thở”, rối bời trong “biển” bằng cấp, chứng chỉ, và vô cùng lãng phí trong đào tạo.

Theo Quang Đại

Báo Lao động