Giữ gìn bản sắc dân tộc trong xây dựng nông thôn mới

Nếu chiểu theo các quy định, những ngôi nhà trình tường của các dân tộc thiểu số sẽ không thể đạt được chuẩn và do đó, câu chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương sẽ thành nan giải.

Trong câu chuyện chia sẻ thân tình, một người bạn tôi, vốn là lãnh đạo tại một địa phương, vừa hào hứng “khoe” tỉnh mình có xã lọt vào “top” NTM kiểu mẫu, vừa tỏ ra tiếc rẻ, lẽ ra thành tích còn cao hơn nếu không “vướng” một số tiêu chí khó đạt vì không phù hợp với thực tế tại địa phương. Một trong những “vướng” đó là “cứng hóa” tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới và bài toán giữ gìn bản sắc dân tộc .

Đây không chỉ là nỗi băn khoăn của người bạn tôi, mà cũng là vấn đề khó giải quyết tại nhiều địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn thuộc khu vực có nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số.

 
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong xây dựng nông thôn mới - 1

Nhà Gươl, nét đặc trưng của xã Zuôih, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
(Ảnh: Đình Tăng).

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến tháng 1/2020, cả nước có 4.849/8.902 xã (54,47%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Phải khẳng định rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là một “cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông thôn”. Dòng chảy văn minh, hiện đại đã lan toả đến từng đường làng, ngõ xóm, len lỏi đến từng gia đình nông thôn ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công cuộc xây dựng NTM thực sự đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới, kéo gần khoảng cách đời sống giữa cư dân nông thôn với khu vực đô thị. Nhìn vào những thay đổi của nông thôn Việt Nam trong 10 năm qua, chúng ta có quyền tin tưởng vào sự thành công của mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

 Tuy nhiên, xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại không đồng nghĩa với việc phủ nhận các giá trị truyền thống. Nguy cơ đó đến từ chính những tiêu chí “cứng hoá” nhà ở dân cư tại xã NTM.

 
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong xây dựng nông thôn mới - 2

Vẻ đẹp bình dị của những ngôi nhà trình tường ở Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: MH).

Thông tư số 54/2009 ngày 21 tháng 8 năm 2009 về “Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó tiêu chí thứ 9 là tiêu chí nhà ở dân cư. Để đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, mỗi xã nông thôn mới phải đảm bảo 2 nội dung chỉ tiêu: Trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát; từ 75% hộ dân trở lên có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng).

 Cần phải hiểu đúng rằng, về bản chất, hiện đại hoá là quá trình phát triển toàn diện có kế thừa ở nông thôn, trong đó có sự kế thừa từ các công trình kiến trúc văn hoá.

 Kiến trúc nhà ở không chỉ là công trình xây dựng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người, mà nó còn là công trình nghệ thuật, hàm chứa trong nó những giá trị văn hoá lâu đời, gắn với đặc thù của từng vùng miền, từng cộng đồng dân tộc. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc của một căn nhà, có thể biết được chủ nhà là người dân tộc nào. Nhà cửa, theo đó như một “tấm giấy thông hành” chỉ dấu văn hoá của mỗi dân tộc.

 
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong xây dựng nông thôn mới - 3

Chương trình xây dựng NTM cần đồng hành với việc giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. (Ảnh: TD).

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Các cộng đồng dân tộc thiểu số sống chủ yếu tập trung ở địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Mỗi dân tộc có một lối kiến trúc nhà ở khá đặc thù phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên nơi họ cư ngụ. Các ngôi nhà còn chứa đựng trong nó cả triết lý sống, “gu” thẩm mĩ của từng dân tộc, thậm chí của từng gia đình. Đơn cử, một số  dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như dân tộc H’mong, dân tộc Hà Nhì, người Dao tiền, người Tày… chủ yếu sống trên các triền núi cao, khí hậu khắc nghiệt, vì thế, họ đã chọn cách xây những ngôi nhà trình tường bằng đất, lợp ngói hay tranh. Những ngôi nhà đó có ưu điểm là mát mẻ vào mùa hè, ấm áp về mùa đông, phòng tránh được thú dữ. Hoặc những ngôi nhà sàn độc đáo được dựng lên từ các nguyên liệu tự nhiên, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là chốn trú ngụ an toàn, hợp lý, chứa đựng trong đó cả những thông điệp văn hoá đặc thù của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhiều ngôi nhà trình tường, nhà sàn có tuổi thọ lên tới hằng trăm năm và vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

 Trong xu thế phát triển, kiến trúc nhà ở độc đáo của một số dân tộc đã được nhiều địa phương đưa vào danh mục khai thác du lịch. Sự đa dạng, phong phú cùng với những giá trị văn hoá truyền thống của những ngôi nhà trình tường, nhà sàn, nhà nữa đất nửa sàn đã thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, giúp họ khám phá thêm những điều khác lạ kì thú. Chính vì vậy, giữ gìn những kiến trúc nhà ở truyền thống của cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Cùng với đó là việc bảo tồn để không làm mai một những di sản quý giá của tổ tiên để lại.

 Quay trở lại tiêu chí “3 cứng” như đã nói ở trên, theo quy định của Bộ Xây dựng, các tiêu chí cụ thể hoá của nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn “3 cứng” gồm: Nền hoặc sàn cứng - lát bằng gạch, đất sét nung, gạch hoa xi măng, gạch ceramic, lát đá có chít mạch hoặc láng vữa xi măng; Khung cứng - cột xây bằng đá ong, đá gạch, bê tông, bê tông cốt thép hoặc bằng thép, gỗ. Dầm bê tông cốt thép hoặc bằng thép, vì kèo bằng gỗ, thép (gia công kiên cố). Tường bao che, xây bằng gạch đá ong, gạch không nung hoặc tường chịu lực không có cột và Mái cứng - lợp bằng tôn, ngói đất sét nung, ngói xi măng, tấm fibro xi măng, (có hoặc không có trần).

 Rõ ràng, nếu chiểu theo các quy định trên, những ngôi nhà trình tường của các dân tộc thiểu số sẽ không thể đạt được chuẩn, và do đó, câu chuyện xây dựng NTM ở nhiều địa phương sẽ thành nan giải. Để đạt thành tích theo mục tiêu phấn đấu, hẳn các nhà chức trách sẽ lựa chọn giải pháp “gò” người dân xây lại nhà cửa để đáp ứng tiêu chí. Sẽ là một sự “đồng phục hoá” những công trình kiến trúc nhà ở ngay cả những cộng đồng dân tộc thiểu số giàu bản sắc nhất. Và đó sẽ là rào cản trong nỗ lực gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá, những tập quán văn hoá tốt đẹp trong sinh hoạt mà người dân đã lưu giữ từ hàng ngàn đời nay. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng  cần xem lại các quy định về xây dựng cũng như tổ chức thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến việc xây dựng NTM. Bên cạnh những quy định chung, nên có những quy định đặc thù, không chỉ trong xây dựng hay đánh giá tiêu chí về nhà ở dân cư tại nông thôn. Đây cũng là cách “gỡ khó” cho địa phương khi chung tay triển khai thực hiện chương trình. Cần phải tính đến những tác động của các công cụ pháp lý với sự phát triển ổn định và bền vững. Hoà nhập để phát triển nhưng không để “hoà tan” làm mất đi bản sắc, nhất là đối với khu vực nông thôn vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn chưa muộn để Chương trình xây dựng NTM đồng hành với việc giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.nông thô mới,

​TS Nguyễn Thị Hường
Học viện Hành chính Quốc gia