Giáo viên tiếng Anh chửi té tát học viên: Khi đồng tiền làm hoen ố giảng đường

Cộng đồng mạng không khỏi sốc, bức xúc khi xem clip nữ giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội cãi nhau tay đôi và mắng chửi học viên với những ngôn từ thô thiển đến mức không thể chấp nhận.


Giáo viên chửi học sinh không khác dân chợ búa. Ảnh cắt từ clip

Giáo viên chửi học sinh không khác dân chợ búa. Ảnh cắt từ clip

Theo nội dung clip, ban đầu cô giáo nói trên yêu cầu một nam học viên nộp 100 nghìn tiền phạt vì không nộp bài tập, nếu không thì không được học và lớp phải dừng lại. Nam học viên cất tiếng xin cô giáo thông cảm nhưng không được chấp nhận với thái độ kiên quyết.

Nam sinh bức xúc và thốt lên từ “lừa đảo”, dẫn đến cô giáo nóng nảy, và hai bên lời qua tiếng lại, cô giáo chửi té tát học viên . Cả lớp ngồi yên lặng không ai lên tiếng, chỉ có một nữ học viên ra dấu cho nam học viên im lặng.

Khách quan mà nói, sự việc bắt nguồn từ hai phía, nam học viên cũng có lỗi. Tuy nhiên, cái sai chủ yếu vẫn đến từ phía cô giáo. Việc trách phạt nam học viên giữa lớp học bằng những từ ngữ gay gắt là thiếu tôn trọng, đụng chạm đến danh dự của học viên, dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ. Thứ hai, hình thức phạt tiền đối với học viên không nộp bài tập là phản giáo dục, trái quy định của pháp luật.

Khi nam học viên đề nghị bỏ qua, cô giáo không những không chấp nhận mà còn gay gắt hơn, đòi tiền cho bằng được, dễ dẫn đến suy nghĩ đồng tiền là mục đích chứ không phải nhằm nhắc nhở, răn đe học viên. Đây là mấu chốt vấn đề tạo ra sự bùng nổ xung đột, dẫn đến học viên không còn tôn trọng giảng viên, không còn kiềm chế trong lời nói, hành động.

Ứng xử của cô giáo trong trường hợp nói trên là phản giáo dục, phi sư phạm, đánh mất sự tôn trọng của học viên, dẫn đến hai bên đôi co không còn thứ bậc, và bản thân cô giáo cũng bị học viên xúc phạm.

Từ sự việc nói trên, thiết nghĩ nguyên nhân sâu xa đang làm hỏng môi trường giáo dục, mối quan hệ giáo viên - học sinh (học viên) chính là sự lên ngôi của đồng tiền. Giáo viên phạt bằng hình thức yêu cầu nộp tiền, học viên lại có tâm lý đã đóng tiền để vào học nên cần được sự cung cấp dịch vụ tương ứng, kể cả thái độ ứng xử tôn trọng. Nếu nơi này không đáp ứng, họ sẽ đăng ký học nơi khác. Mối quan hệ giáo viên-học viên bị “đơn giản hóa” thành quan hệ giữa “khách hàng” và người cung cấp dịch vụ, theo kiểu “tiền trao-cháo múc”, “thuận mua vừa bán”.

Sự lên ngôi của đồng tiền, cùng với sự tha hóa trong một số giáo viên là nguy cơ lớn làm vẩn đục môi trường giáo dục và gây ra nhiều hệ lụy khác với cộng đồng, xã hội. Cần giải quyết vấn đề từ gốc chứ không phải là kỷ luật, đuổi việc một vài giáo viên vi phạm.

Theo Quang Đại

Báo Lao động