Bạn đọc viết:

Giám thị “dị hợm” hay hội đồng thi thiếu trách nhiệm?

(Dân trí) - Lại sắp đến mùa thi mới. Nhằm ngăn ngừa “bệnh thành tích” tái diễn như mùa thi trước, một nhà giáo từng làm công tác quản lý cũng như làm giám thị và chấm thi phản ảnh những điều tai nghe mắt thấy dưới đây…

Giám thị “dị hợm” hay hội đồng thi thiếu trách nhiệm?
Cảnh chờ đón học sinh bên ngoài phòng thi (ảnh minh họa từ internet)
    

Mặc dù cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT những năm qua có nhiều thay đổi, cải tiến cách tổ chức thi cử. Nhiều thầy, cô giáo làm giám thị thể hiện tinh thần nghiêm túc, tuân thủ, thực hiện đúng qui chế thi của Bộ GDĐT  trong công tác coi thi. Song chính sự thực hiện một cách nghiêm túc, đúng qui chế của họ lại  trở nên xa lạ, “ dị hợm”, đáng ghét đối với không ít vị lãnh đạo Hội đồng thi, thầy cô giáo khác, vốn rất dễ dãi, thiếu nghiêm túc trong thi cử, lúc nào cũng sính " thành tích".  

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

 

Trường hợp thầy T.V.V, giáo viên môn Vật lý, ở một trường THPT ở huyện T là một minh chứng. Thầy T.V.V vốn là giáo viên giảng dạy và coi thi rất nghiêm túc. Năm trước đây, thầy V được Sở GDĐT phân công làm nhiệm vụ coi thi  tại Hội đồng thi trường S.L. Năm đó phong trào  "Hai không"  còn mạnh mẽ.

 

Buổi thi đầu tiên môn văn, trước khi vào phòng thi và đầu giờ, thầy V và giám thị thứ 2 đã dặn dò, nhắc nhở khá kỹ tất cả thí sinh trong phòng phải cố gắng làm bài tốt, nghiêm túc, không được vi phạm qui chế coi thi. Tuy nhiên, thời gian làm bài trôi qua chưa lâu, nhiều thí sinh đã lôi tài liệu trong túi quần ra "quay" một cách rất ngang nhiên, cố tình. Không chấp nhận hiện tượng tiêu cực của thí sinh , thầy V lập  biên bản xử lý 5 thí sinh vi phạm qui chế.

 

Biết thầy làm đúng qui chế, nhưng thường trực Hội đồng thi lại không thích thầy làm thế. Họ chủ động cho người đến khuyên, xin  thầy tha, xóa các biên bản vi phạm qui chế của 5 thí sinh, để các em có cơ hội thi đậu tốt nghiệp, để Hội đồng thi ở đây mọi cái được êm xuôi, đâu vào đấy. Song thầy T.V.V vẫn  giữ nguyên quyết định của mình.
 
Trước hành động được xem là "gây sốc" của thầy V, lãnh đạo Hội đồng thi liền có cách ứng xử khác biệt với thầy ở 5 buổi, 5 môn thi còn lại, bằng cách phân công liên tục thầy V làm giám thị hội đồng và giám thị hành lang để ít có hoặc không còn  cơ hội “ diệt” thí sinh vi phạm qui chế thi nữa. Một số giám thị coi thi không những không trân trọng việc làm nghiêm túc, đúng qui chế của thầy V mà còn có biểu hiện trách móc, xa lánh thầy V trong thời gian coi thi tại đó và coi thầy T.V.V thuộc dạng "khùng", không được bình thường, thích làm " oai" thiên hạ (?) 

 

Cô N.T.H cũng là giáo viên lâu năm rất nghiêm túc, chặt chẽ trong thi cử. Cô H quan niệm: Thi cử phải ra thi cử. Thầy cô, giám thị, lãnh đạo tất cả Hội đồng thi phải tổ chức thi cho nghiêm túc, chặt chẽ. Có vậy mới đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của các em,  mới tạo công bằng, nền nếp, ý thức, thói quen tốt trong dạy và học".
 
Biết bản tính con người thể hiện qua việc coi thi nghiêm túc của cô, cho nên nhiều Hội đồng thi, nhất là những người sở tại rất " sợ" cô H, trông mong không có tên cô trong danh sách giám thị về làm công tác coi thi. Có người còn nói: "Có “con đó” về coi thi là mình lo đối phó khổ lắm, học sinh hết đường" sống", chẳng có cơ hội sử dụng tài liệu, tỉ lệ đậu tốt nghiệp sẽ thấp..."
 
Ôi thật trớ trêu! thật tội nghiệp! Những thầy cô, giám thị coi thi nghiêm túc, đúng tinh thần, qui chế của Bộ GDĐT thì lại bị chính lãnh đạo, đồng nghiệp mình coi là người xa lạ, bị đối xử khác thường... Đây được xem là căn nguyên chính khiến cho khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở nhiều nơi thiếu nghiêm túc, các biểu hiện tiêu cực nảy sinh đến khôn lường. Những nỗ lực, biện pháp của Bộ GDĐT về kỳ thi này thường sớm bị phá sản.
 
Năm nay tháng đã sắp 6 tới, khi mà khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT kể cả chấm thi được giao toàn quyền cho các Sở GDĐT, thì liệu còn mấy giám thị dám " dị hợm", coi thi nghiêm túc trong bối cảnh có nhiều áp lực, cám dỗ và cả tiêu cực có thể gia tăng? Cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của kỳ thi tốt nghiệp THPT không thoát ra được. Những người có tâm huyết, kỳ vọng về những kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, công bằng, đều thấy thực chất đó trở nên xa vời.

    

                                                      Thanh Bình

                                                       (Quảng Ngãi)

 

LTS Dân trí-Bài viết trên đây phản ảnh tình trạng thi cử năm trước đây cho thấy sự dễ dãi đến mức rất buông lỏng nền nếp, kỷ cương thi cử, mặc cho thí sinh quay cóp trong phòng thi vì “thương” các em và không muốn thành tích thi tốt nghiệp của địa phương thua những nơi khác.
 
Năm nay, Bộ GDĐT lại có chủ trương giao cho các Sở GDĐT chịu trách nhiệm hoàn toàn việc tổ chức và chấm thi tốt nghiệp THPT, thì e rằng tình hình tiêu cực trong thi cử cũng như căn bệnh thành tích trong giáo dục lại có cơ hội bùng phát mạnh mẽ hơn. Đấy là lời cảnh báo có căn cứ thực tế của tác giả bài viết trên đây.