Giám sát, xử lý cán bộ quan liêu, vô cảm với người có công

(Dân trí) - Việt Nam sẽ lần đầu tiên tiến hành một cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách với người có công với sự giám sát chặt chẽ từ Mặt trận Tổ quốc, người dân để tránh tình trạng quan liêu, cảm tính của cán bộ trực tiếp thực hiện việc rà soát…

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đăng đàn trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 30/3. Chính sách đối với người có công là nội dung một lần nữa được đưa ra để “chất vấn” nữ Bộ trưởng.

Về tình trạng ưu đãi dành cho người có công chưa thỏa đáng, thực hiện chưa được công bằng, câu hỏi đặt ra đối với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề.

Bộ trưởng LĐ,TB&XH khẳng định cố gắng của Đảng và nhà nước những năm qua để giải quyết chế độ chính sách với người có công với trên 8 triệu đối tượng người có công và 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Những chính sách trợ giúp đã tạo điều kiện cho đại bộ phận người có công có điều kiện có cuộc sống tốt.
Giám sát, xử lý cán bộ quan liêu, vô cảm với người có công
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: "Tổng rà soát cũng để xử lý những trường hợp hưởng khai man để hưởng chính sách".

Tuy nhiên, nữ Bộ trưởng cũng xác nhận: “Trong quá trình thực hiện còn có những đối tượng chưa được hưởng chính sách, hưởng chưa đầy đủ, thậm chí có những đối tượng hưởng sai chính sách. Chính vì vậy, những phản ánh của công dân là cơ sở để giúp ngành Lao động có trách nhiệm phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tốt nhất để làm thế nào các đối tượng người có công sớm được hưởng chế độ”.

Vừa qua, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng để ra Chỉ thị 23 về tổng rà soát, thực hiện chính sách đối với người có công. Theo bà Chuyền, đây là một trong những cuộc tổng rà soát đầu tiên mang tính diện rộng với 7 đối tượng cơ bản là liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam, cựu thanh niên xung phong, người có công giúp đỡ Cách mạng.

Đánh giá ý nghĩa của cuộc tổng rà soát lần này thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp người có công nhưng chưa được hưởng chế độ, Bộ trưởng LĐ,TB&XH cũng nhấn mạnh vấn đề xử lý những trường hợp hưởng khai man để hưởng chính sách. Việc rà soát đợt này cũng nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp gian lận hồ sơ để được hưởng chính sách.

Người đứng đầu ngành LĐ,TB&XH phân tích nhiều khó khăn khi thực hiện đợt tổng rà soát lần đầu tiên này khi đối tượng rộng nằm rải rác ở các địa phương cơ sở. Chiến tranh thì đã lùi xa từ lâu, chính sách đối tượng cũng đã được điều chỉnh bổ sung cho từng giai đoạn, cả đối tượng và mức độ ưu đãi. Gần đây, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, mức độ ưu đãi cũng như diện đối tượng được hưởng chính sách đều được mở rộng ra.

Với thách thức đó, Bộ đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để huy động các lực lượng của toàn xã hội cùng tham gia hoạt động rà soát, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội. Các đối tượng cùng tham gia rà soát được tập huấn hướng dẫn kỹ trên cơ sở có kế hoạch lộ trình từng bước để thực hiện đạt kết quả như mong muốn.

Theo kế hoạch, các trường hợp “có vấn đề” phát hiện được qua rà soát, cơ quan có trách nhiệm sẽ báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để xem xét xử lý. “Trường hợp người có công chưa được giải quyết sẽ được sớm giải quyết ngay, trường hợp thiếu hồ sơ thì bổ sung, trường hợp sai thì phải cắt không cho hưởng. Quy trình rất cụ thể, ví dụ, trong trường hợp những người tham gia kháng chiến là đối tượng có công nhưng chưa được hưởng chế độ do mất hồ sơ thì đã có Thông tư số 28 của Bộ LĐ,TB&XH cùng với Bộ Quốc phòng để giải quyết vấn đề này” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Để tránh tình trạng quan liêu, cảm tính của cán bộ trực tiếp thực hiện việc rà soát khiến người có công có thể bị thiệt thòi, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng hoạt động rà soát cần sự giám sát của người dân. Nguời dân trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra cá nhân thành viên trong đoàn rà soát làm chưa đủ, chưa đúng so với yêu cầu hoặc chưa đúng với sự việc có quyền phản ánh đến Mặt trận Tổ quốc, hay ngành Lao động từ cấp cơ sở, đến huyện, tỉnh. Bà Chuyền hứa, căn cứ vào những phản ánh đó, Bộ sẽ chỉ đạo xem xét.
 

“Qua việc thực hiện chính sách đối với Thanh niên xung phong, đã có hàng ngàn người được công nhận là liệt sĩ, hàng chục ngàn người được công nhận là thương binh, bệnh binh và nhiều người được hưởng chính sách trợ cấp một lần. Đối tượng này do hồ sơ gốc không đầy đủ nên thủ tục xác định thường qua Hội cựu Thanh niên xung phong cùng những người là Thanh niên xung phong lập hồ sơ xác nhận, qua Sở Nội vụ để xác lập danh sách, báo cáo lãnh đạo tỉnh làm quyết định và chuyển hồ sơ để ngành Lao động thực hiện chế độ.

Còn những trường hợp là nạn nhân chất độc da cam, theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về triển khai Pháp lệnh người có công sửa đổi, Bộ Lao động đã hướng dẫn cách lập thủ tục hồ sơ những trường hợp còn tồn đọng. Chính phủ giao Bộ Y tế triển khai giám định khả năng mất sức lao động của từng đối tượng do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Như vậy, tất cả các đối tượng người có công mà khi phát hiện chưa được hưởng chế độ chính sách hoặc hưởng chưa đầy đủ đều có quyền yêu cầu xem xét lại hồ sơ để cơ quan có trách nhiệm như Bộ Lao động và một số các ngành liên quan xác nhận đủ điều kiện, ra quyết định”.

P.Thảo