Bạn đọc viết:

Giảm quá tải bệnh viện: Các giải pháp về nguồn lực, cơ chế hoạt động…

(Dân trí) - Tôi có mấy đề xuất nhằm từng bước giảm quá tải bệnh viện sau khi đọc 4 giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra. Các giải pháp này liên quan đến nguồn lực (bao gồm nhân lực, nguồn tài chính và cơ sở vật chất), cơ chế hoạt động và hệ thống y tế.

1. Về nguồn lực:

 

- Cần đẩy mạnh việc đào tạo cán  bộ y tế, chú trọng BS đa khoa, BS YHGĐ. Đào tạo cần coi trọng cả số lượng và nhất là chất lượng. Thực tế hiện nay chất lượng đào tạo y khoa của chúng ta đang xuống cấp. Một số trường "chạy sô" trong quá trình đào tạo. Chất lượng là hàng đầu vì sẽ giúp nâng cao năng lực và uy tín cho CBYT cơ sở.

 

- Xây dựng thêm bệnh viện, đảm bảo số giường bệnh/ 1vạn dân đạt 30 giường cho đến năm 2015.

 

- Mạnh dạn cải tiến chế độ lương và phụ cấp cho CBYT tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế xã, CBYT tại các vùng nông thôn, miền núi vì tại những nơi đây, CBYT không có nguồn thu nhập nào khác. Làm được vậy để họ toàn tâm, toàn ý chăm sóc bệnh nhân và học tập, rèn luyện chuyên môn. Đây là vấn đề mấu chốt, bền vững mang tính quyết định trong việc giải quyết tình trạng quá tải.

 

- Xin Bộ trưởng đừng "phát sinh" thêm Vụ Y tế địa phương, sẽ gây ra chồng chéo, phình to bộ máy, không khéo lại thêm "chạy chức". Chừng ấy vụ, cục là đủ để điều hành rồi. Thành lập thêm Vụ Y tế địa phương là đi ngược lại với chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc giảm biên chế. Chính điều này sẽ góp phần bổ sung nguồn lực tài chính cho Y tế cơ sở.
 
Giảm quá tải bệnh viện: Các giải pháp về nguồn lực, cơ chế hoạt động… - 1
Luôn đông nghịt người chờ khám tại bệnh viện Nhi Trung ương (ảnh: Ngọc Dung, báo Người Lao động)

 

2. Về cơ chế hoạt động: Cần sửa đổi ngay Quy chế Bệnh viện đã ban hành từ năm 1997. Quy chế sửa đổi, ngoài quy định về trách nhiệm, quyền hạn của bệnh nhân và thầy thuốc và các khoa phòng, còn phải có những quy định về theo dõi, giám sát đánh giá chất lượng hoạt động bệnh viện, phân tuyến điều trị trong hệ thống các bệnh viện.

 

3. Về hệ thống y tế: Cần phải ổn định lâu dài hệ thống y tế từ trung ương đến cơ sở. Thời gian qua, hệ thống y tế địa phương trải qua nhiều thay đổi làm mất ổn định hệ thống. Các trạm y tế khi thì trực thuộc phòng y tế, khi thì trực thuộc Trung tâm Y tế. Hệ thống y tế dự phòng cũng cùng hoàn cảnh. Mỗi địa phuơng mỗi khác. Chính sự không ổn định trong hệ thống đã làm cho hoạt động y tế nói chung và hoạt động bệnh viện nói riêng bị ảnh hưởng theo hướng không có lợi cho công tác chăm sóc sức khỏe.

 

Mô hình trung tâm y tế tuyến huyện như hiện tại là phù hợp, và nên đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Sở Y tế địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, cũng cần tổng kết mô hình này một cách toàn diện sau 23 năm thực hiện (từ năm 1988 đến nay).

 

Điều quan trọng nhất là cần phải có nghiên cứu, đề án cụ thể, khoa học, tránh những giải pháp chỉ để giải quyết "phần ngọn" và mang dáng dấp "thành tích, phong trào" (như đề án 1816 chẳng hạn). Hơn lúc nào hết, mong Bộ trưởng "Làm" nhiều hơn "Nói" và "Hứa". 

 

Phan Đông