Giảm giá điện: Hãy đợi đấy!
(Dân trí) - Việc triển khai vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/7 được đặc biệt quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/7 của Bộ Công Thương. Đặc biệt lưu ý về việc điều chỉnh giá điện để “cũng có thể giảm” lại càng khiến dư luận “tin ít, ngờ nhiều”.
Cơ sở chính khiến người tiêu dùng khó có được niềm tin về khả năng giá điện cũng có thể giảm khi được điều chỉnh theo cơ chế thị trường chính là thực tế: Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hiện vẫn hoàn toàn độc quyền về sản xuất và phân phối điện.
Xoay quanh chuyện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong khi EVN vẫn giữ thế độc quyền, báo điện tử ĐCSVN dẫn lời Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đặng Huy Cường nói: Hoạt động này có sự giám sát chặt chẽ của Bộ Công Thương để đảm bảo tối đa sự công bằng. Qua giám sát gần 1 năm thí điểm vận hành thị trường điện cạnh tranh, do khó khăn về nguồn vốn nên hầu hết các nhà máy điện chào giá cao hơn giá đã ký kết trong hợp đồng. Trong 10 tháng qua, chỉ có duy nhất tháng 12/2011 và tháng 1/2012, giá chào trên thị trường thấp hơn giá đã ký kết theo hợp đồng. Trong khi VOV ngày 9/7 dẫn các ý kiến từ dư luận người dân nêu rõ: Đa số vẫn đang băn khoăn về việc thị trường phát điện cạnh tranh đã bắt đầu vận hành từ 1/7, nhưng vị trí của EVN hiện nay vẫn chi phối hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện. Trong đó, phát điện chiếm tỷ trọng khá lớn, trên 60%; các khâu còn lại quan trọng như mua bán điện, điều độ hệ thống, phân phối bán lẻ… vẫn là do EVN. Báo Tuổi trẻ ngày 10/7 dẫn tiếp lời ông Cường trả lời về việc thị trường phát điện phải có đơn vị phát điện độc lập, cho rằng: ba tổng công ty phát điện trước mắt độc lập với nhau trong EVN, tới đây khi thuận lợi sẽ cổ phần hóa… |
Đã quen với những lời giải thích “rằng hay thì thật là hay” nhưng phía người dân “phải ngậm đắng nuốt cay” đã nhiều, nên tâm trạng chung là: Nghi ngờ, đặt tiếp những câu hỏi đồng thời nêu rõ những khía cạnh bất cập trong cái gọi là vận hành cạnh tranh trong thế độc quyền, mà nghe qua cứ như thể chuyện "những người thích đùa" khiến "đến Thượng đế cũng phải cười":
“Haha... Giá điện cũng có thể giảm sao? Tôi có nghe nhầm không vậy?” - Hai Lua: nguoidoncoi1314@yahoo.com trào lộng.
“Đây vẫn là thể hiện sự độc quyền của ngành điện. Trong khi đó tại thời điểm hiện tại người sử dụng điện lại bị cắt điện triền miên, luân phiên... Thật là 1 sự bất cập” - Đoàn Công Bộ: doancongbo@gmail.com nhấn mạnh sự chưa tương xứng giữa giá thành với chất lượng dịch vụ.
“Chúng tôi cũng làm việc trong ngành sản xuất nên mới càng thấy rõ chất lượng phục vụ. Nhiều khi cắt điện vô tội vạ, khi gọi lên thì nói ‘sự cố đường dây’. Chỉ câu nói đó là xong, nhưng nó ảnh hưởng tới bao nhiêu vấn đề. Ngành điện cứ thế này thì làm sao thúc đẩy phát triển sản xuất được đây?” – Huyen Thao: Huyenthao171209@gmail.com nói về những “sự cố đường dây”.
“Vẫn còn được độc quyền thì họ muốn làm gì là làm thôi. Vậy nên yêu cầu xem xét lại cơ chế kinh doanh kiểu này” - Lê Văn An: Baucna_123@yahoo.com nhấn mạnh sự cần thiết xem xét lại cơ chế điều tiết.
“Tôi ủng hộ việc giá điện sẽ được điều chỉnh kịp thời, nhưng hãy điều chỉnh cho đúng, cho kịp thời thật sự để dân đỡ khổ. Đừng cứ đem những cái sai sót, thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước ra để tăng giá và bắt dân phải chịu. Và cũng đừng nên điều tiết kiểu như với giá xăng, giảm 4 lần không bằng tăng một lần. Khổ dân chúng tôi lắm!” - nick Liệu có lại giống giá xăng???: vietthanh@gmail.com liên tưởng cách kinh doanh giữa hai doanh nghiệp “ông lớn”.
“Tôi cũng nghĩ không khéo lại như xăng, tăng lên từng nghìn mà giảm thì nếu có thể cũng chỉ nhỏ giọt… Cứ thế không biết khi nào thì không còn sự độc quyền về điện nữa? Chúng tôi là những người thuê trọ đã phải trả giá điện 4.000đ/ 1 số, không biết nếu giá điện tăng nữa thì chúng tôi phải trả thêm bao nhiêu cho một số điện đây? Buồn và lo quá!!!” - nick Họ tên: lucdanght@yahoo.com bày tỏ lo lắng chung về xu hướng giá “tăng nhiều, giảm được bao nhiêu”.
“Tất nhiên, có tăng thì sẽ có giảm. Nhưng tin chắc một điều nó cũng không khác gì xăng dầu, tức là có một lần tăng thì chắc 5 đến 6 lần giảm cũng không bằng” - Force: sensor772006@gmail.com dự đoán tương tự.
“Tôi nghĩ đó chỉ là từ ‘có thể’ thôi, còn nếu giảm thì chắc không bao giờ. Tất cả những kiểu tăng giá như thế vẫn chỉ khổ cho người dân thôi, nhất là trong khi tình hình kinh tế đang khó khăn như thế này mà vẫn có những người chỉ nghĩ cho lợi ích của mình (hoặc ngành mình). Tôi không hiểu làm việc như thế thì cái tâm của người cán bộ quản lý được thể hiện và đánh giá như thế nào?” - Nguyen Xuan Ninh: nxninhbn@gmail.com nói về ranh giới mong manh giữa có và không thể.
Chỉ tiến, không lùi
Những nghi ngờ của người dân xem ra rất có cơ sở vì như giá xăng dầu thì còn có lúc lên lúc xuống, nhưng giá điện xưa nay luôn trực chỉ một hướng đi lên.
“Báo chí không phản ánh, dân không kêu thì chắc cũng chẳng bao giờ các bác có ý định điều chỉnh giá điện theo chiều hướng giảm? Nhưng mà đừng có điều chỉnh theo kiểu tăng vọt như cần câu giật cá, mà giảm thì lại chỉ như cho uống thuốc bổ nhỏ giọt thôi nhé!” – Luu gu: luugu1967@yahoo.com
“Chúng ta có thể hiểu đây là 1 bước dọn đường cho lộ trình của giá điện theo hướng 1 chiều như từ trước đến nay. Còn cái từ "có thể" giảm thì mọi người… cứ đợi đấy. Mà sao cứ nghe cách giải thích của Bộ CT và Bộ TC là lại càng bức xúc!” - Dũng Lê: ngocnet@hotmail.com
“Mấy ông Bộ CT cũng biết nói chơi. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa thấy giảm giá điện bao giờ…” - Nhân: nhan1901@yahoo.com
“Từ lúc biết đến giá cả là thế nào, chưa bao giờ thấy giá điện giảm cả. Có lẽ phải cho nó vào mục ‘Chuyện lạ Việt Nam’ mất thôi. Điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường trong khi ông Điện lực còn độc quyền, thật buồn…cười đấy!” - nick Giá điện có thể giảm???? chungkiemlam@gmail.com
“Từ trước tới nay giá điện chỉ có tiến mà không lùi???? Phát triển kinh tế của đất nước ta mà cứ tăng như giá điện thì hay biết mấy... Ngành điện đầu tư ngoài ngành quá nhiều, làm ăn thì thua lỗ, để cho tệ tham nhũng nhiều nên giá điện tăng là phải vì rõ ràng là đói vốn. Vậy mà không hiểu sao Bộ CT và Bộ TC cứ thấy ngành điệu kêu lỗ và không có vốn là lập tức lại cho tăng giá điện ngay???? Trong lúc Đảng và Nhà nước đang cố gắng vực dậy các doanh nghiệp và lĩnh vực AN SINH XH, nâng cao mức sống cho người dân, vậy mà các cấp có thẩm quyền lại duyệt tăng giá điện????? Như thế thì chắc vì lợi ích nhóm nên đi ngược lại chủ trương chung rồi? Nay Bộ CT mới nói CỐ THỂ GIẢM TIỀN ĐIỆN, nhưng từ CÓ THỂ thì người dân cứ việc đợi vì… còn rất lâu đấy. Cũng như xăng dầu vậy, còn vòng vo chán... Mong sao Đảng và Nhà nước quyết liệt ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm để đời sống người dân đỡ khó khăn” – nick Dan ngheo: danngheo@gmail.com
“Bộ Công Thương nói giá điện có thể giảm? Từ những năm bao cấp tới nay, có khi nào ngành điện giảm giá chưa mà Bộ Công Thương nói vậy? Ngành điện kinh doanh theo kiểu lời ăn lỗ... dân chịu thì hỏi sao mà có theo kiểu Bộ Công Thương nói là giá điện có thể giảm?” – nick Thích Sự Thật: thichsuthat1975@yahoo.com
“Nói vậy chắc là để xoa dịu người dân thôi, 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần sẽ chỉ có tăng chứ không thể giảm khi chưa có cạnh tranh thực sự” - Hồng Sơn: sonkhoongloi@yahoo.com
“Người dùng điện quen với kiểu điều chỉnh giá điện theo hướng tăng rồi! Điều chỉnh giá điện theo hướng tăng hình như đã trở thành "thói quen" của ngành điện. Nếu Bộ Công Thương có hướng điều chỉnh giá điện có tăng, có giảm như điều chỉnh giá xăng dầu gần đây thì hợp lí hơn. Xăng dầu làm được, sao điện lại không nhỉ?” - Lê Hà: buinhang@gmail.com
“Chúng tôi đợi dài cổ rồi có thấy giảm bao giờ đâu, chỉ thấy tăng thôi. Các ông đưa thông tin chi tiết xem ở VN bao nhiêu điện được SX ra từ than, từ khí? Mà hiện tại giá dầu khí trên TG đang giảm rất sâu so với năm ngoái. Theo tôi, các ông cứ tăng thoải mái, ai không thích thì… đừng dùng nữa!!!” - VEND: ndve.imer@gmail.com
“Việc điều chỉnh giá điện của Việt Nam với cơ chế hiện tại chắc chắn không bao giờ có giảm. Người dân chúng tôi chỉ cần giá điện tương xứng với thu nhập của người Việt thôi. Chúng ta cần có cơ chế quản lý tốt hơn, vì như tôi và nhiều người dân đều thấy ngành điện kêu lỗ mà cán bộ quản lý ngành điện đều nhiều xe ôtô đẹp, nhà đẹp… thế?” - Hoàng Anh: hoanganh75@gmail.com
Kỹ xảo với những con số
Mỗi lần tăng giá, các con số được phía doanh nghiệp đưa ra đều bị người tiêu dùng cho là chỉ là dựa trên tính toán từ một phía, mà ngay cả không ít chuyên gia hoặc những người hiểu biết hơn cũng còn khó biết được tính xác thực của nó.
Còn từ phía người tiêu dùng, họ chỉ biết tính toán dựa trên những con số rất cụ thể, nghĩa là lấy lương chia ra sao cho có thể tạm trang trải đủ các nhu cầu tối thiểu:
“LƯƠNG - (giá điện + giá nước + giá xăng + chi phí khác) = ???????”- nick Chấm hỏi: maikien14@yahoo.com.vn nêu bài toán cực ngắn nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới có được đáp án.
“Thật khổ cho người dân nghèo! Khi tăng giá điện thì đùng một cái là tăng ngay, sau đó thì lãnh đạo ngành điện lực chỉ bị nhắc nhở… Còn khi nói đến giảm giá thì cần lộ trình này nọ. Không chỉ riêng ngành điện mà tất cả các doanh nghiệp “ông lớn” đều như thế. Mong các bác hãy nghĩ đến cái gọi là 'bộ phận' nhưng thực ra lại chiếm tới phần lớn dân mình mà đưa ra các quyết định đúng. Hãy làm sao đừng để người dân phải góp nhóp từng đồng từ việc bán mớ rau muống, củ khoai, hạt gạo để đóng cho những người được giao trách nhiệm mà làm việc lại để xảy ra tham nhũng, làm sai trái, thiếu trách nhiệm nhưng vẫn muốn làm sao thì làm. Hãy nghĩ đến dân mình nhiều hơn!” - Lê Thanh: mienbacemgai@yahoo.com đặt tiếp câu hỏi về “lộ trình” tăng giá điện rõ ràng không tính tới khoản thu nhập nhìn chung còn quá ít ỏi của đa số người dân.
“Cứ đầu tư 200 tỷ thì EVN giảm được 0,93% tổn thất điện năng.Tại sao lãnh đạo EVN lại không đi theo đường lối này để tăng lợi nhuận, mà cứ tăng giá điện để giảm lỗ trong kinh doanh? Một bài toán đơn giản là cứ đầu tư 200 tỷ đồng thì tiết giảm được gần 1% tổn hao về điện. Như vậy nếu đầu tư nhiều lần 200 tỷ thì tiết giảm được nhiều lần tổn thất điện (mặc dù thực tế không phải là bài toán tỷ lệ thuận). Nhưng theo logic của vấn đề, khi đầu tư nhiều lần 200 tỷ vào việc giảm tổn thất điện năng thì trong năm ấy EVN đương nhiên coi như không phải đầu tư số tiền đó vào ngành điện, vì việc khắc phục tổn thất điện năng dư ra số tiền đó rồi. Còn những năm sau EVN chỉ việc thu lãi từ việc tiết giảm tổn thất điện năng đó chứ” - Bùi Ngọc Minh: bngocminh@gmail.com xoáy vào con số tỉ lệ tổn thất điện năng mà chắc ngoài ngành điện ít ai có thể biết rõ.
“Tôi vẫn thấy dường như có sự lộn xộn trong công tác điều hành giá điện của Bộ Công Thương… vì thông tin về tăng giá điện bất thình lình như vừa rồi chẳng khác gì ‘bỏ bom’ người tiêu dùng. Cần sớm minh bạch, rõ ràng và chứng tỏ ý thức trách nhiệm hơn với người tiêu dùng…” - Trung Dung: vungochung_hg@yahoo.com.vn một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu minh bạch hóa.
“Thất thoát điện do quản lý yếu kém cũng là một yếu tố được tính vào chi phí giá thành tiền điện ư? Vậy thì ngành điện việc gì phải lo chuyện chống thất thoát điện, vì đã có dân lo rồi. Nhưng cứ vô lý như thế mãi sao được???” - Nguyễn Nam Hồng: hongkhhn@gmail.com lại nói về sự vô lý trong cách tính giá thành SX điện.
“Để đảm bảo lời nói đi đôi với việc làm, Bộ Công Thương có thể cho phép giảm mỗi KW 1 VNĐ và sẽ tăng 100VNĐ trong tuơng lai? Bởi ngành điện vẫn lỗ trong bối cảnh các quan chức không thể (mà thực chất là không muốn) công bố thông tin một cách minh bạch vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm??? Đã có ai tổng kết được: thực chất sau 1 nhiệm kỳ ai đó làm được gì mới chưa??? Tôi thấy đây đó hầu như chỉ gặt hái được "thành công bước đầu" với những kết quả "QUAN TRỌNG"!!! Kiểu này dân chỉ có thể LUÔN LUÔN VỖ TAY chứ không thể đòi hỏi được sự minh bạch đâu” - Minh433: minh433@yahoo.com.vn cảnh báo.
“Tôi đang đi thuê nhà. Trước đợt tăng giá điện vừa rồi, tiền điện là 4.000đ/kw. Sau khi có quyết định tăng giá, chủ nhà lập tức tăng lên 4.500đ/kw. Là người đi thuê chúng tôi không có lựa chọn nào khác là chấp nhận giá đó, dù có kêu, có thắc mắc cũng không ai thương, đơn giản bởi điệp khúc: giá nhà nước tăng thì đương nhiên giá cho thuê tăng. Đi không được, ở không xong vì ở đâu thuê nhà giá điện cũng phải từ 3.000đ đến 5.000/kw.
Thật sự mỗi lần nghe thấy thông tin điều chỉnh giá điện (mà toàn tăng chứ chưa bao giờ giảm), dân đi thuê nhà như chúng tôi thật sự rất lo lắng. Trong khi thu nhập không hề tăng và nghe nói là lạm phát giảm, nhưng giá hàng hóa không hề giảm. Túi tiền của chúng tôi giờ đã eo hẹp lắm rồi. Tôi cũng biết dù chúng tôi có kêu khổ, kêu sở thế nào thì việc tăng vẫn cứ tăng. Nhưng không nói ra thì ấm ức. Chẳng biết sống thế nào nữa???” -Loan: nguoilangle83@yahoo.com ca tiếp "điệp khúc" giá đuổi theo lương.
Cách tính giá các mặt hàng như điện, nước, xăng dầu… ở ta hiện nay, theo chúng tôi, cũng tương tự như so sánh trong một bài viết gần đây. Trong đó tác giả là một nhà giáo đã về hưu nêu rõ: Mỗi ngày đều chỉ có 24 giờ, trước đây thì học sinh còn được tính toán hợp lý số giờ học trên lớp, còn lại dành cho học và làm bài tập về nhà + vui chơi, giải trí. Vậy mà giờ đây ngành giáo dục cứ nhồi nhét cho học sinh với biết bao chương trình "quan trọng" dù rất thiếu tính thiết thực. Đã vậy đa số giáo viên còn ra sức dạy thêm, khiến học sinh VN thời @ này dù ngày có kéo dài tới 36 hoặc 48 giờ cũng chẳng đủ căng mình ra mà tải hết được hàng núi “kiến thức”…
Bởi vậy The Anh DHTB theanhdhtb@yahoo.com chắc đã phải ngửa mặt lên trời mà diễn màn độc thoại:
“Không nghe Táo Giao thông nói ư? Ai khổ cứ khổ, tôi khỏe re là được rồi! Sống ở đâu thì phải quen ở đó thôi, kêu ai đây, ai giúp đây??? Biết lên được ghế cao cao đó mất bao nhiêu không mà cứ đòi hỏi phải giảm giá? Họ phải có ‘chiêu trò’ thì mới lấy lại được vốn chứ! Thế mà cũng không hiểu, mọi người thử đặt mình vào vị trí đó mà xem...hehehe…”
Ai đó có quá bức bách mà phải than rằng: trở lại dùng đèn dầu, đun than tổ ong, đào giếng khoan hoặc xây bể chứa nước mưa… thì chắc cũng chỉ nói vậy cho… vui thôi chứ chạy trời sao cho khỏi nắng. Mà thôi, chớ dại "thách nhà giàu húp tương"!
Khánh Tùng