Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống" trong thực hành nêu gương

Là thành viên trong đội ngũ gần 5 triệu đảng viên, tôi băn khoăn: Vì sao những năm gần đây, Trung ương Đảng phải ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV)?

Cách đây 70 năm, tháng 8-1948, đồng chí Phạm Văn Đồng viết bài “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc” tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam, đã chỉ ra: “Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?”. Tác giả khẳng định, đó là “học trung với nước, hiếu với dân”, “học phấn đấu”, “học lý thuyết, phương pháp khoa học”, “học cần, kiệm, liêm, chính”, học tập quan điểm nhân dân, quan điểm quần chúng… Trải qua các thời kỳ cách mạng, những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, đội ngũ CB, ĐV của Đảng, của dân đã sống, chiến đấu, công tác theo tấm gương vĩ đại của Bác Hồ mà làm nên những chiến công lừng lẫy, những kỳ tích vẻ vang. Dân tộc ta tự hào vì có Đảng ta chỉ đường dẫn lối, có đội ngũ cán bộ “sống vì dân mà chết cũng vì dân”.

Là người cộng sản, sau khi được đứng vào đội ngũ, tất cả chúng ta đều ý thức được mình là chiến sĩ tiên phong, theo đúng tiêu chuẩn của Điều lệ Đảng, được rèn luyện bởi một phẩm chất đặc biệt, tự giác hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng, của dân. Vì thế, nêu gương, đi đầu, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ là lẽ đương nhiên, là nhiệm vụ thường ngày. Bản lĩnh cách mạng, khoa học của Đảng ta không chỉ được thể hiện trong chiến tranh cách mạng, xây dựng đất nước khi hòa bình, trong đối nội, đối ngoại mà cả trong công tác xây dựng Đảng; tự mình chỉnh đốn, tự mình đổi mới, không tự ru mình từ những chiến công, những thành tựu đổi mới, không say sưa, thỏa mãn trước những lời ca ngợi vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; tự chỉ trích mình, tự phê phán những khuyết tật của một đảng cầm quyền có truyền thống lâu năm để nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ mà nhân dân đòi hỏi. Đó là bản lĩnh của một đảng cách mạng, tất cả vì lợi ích của nhân dân.


Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức sáng 25-6, tại Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức sáng 25-6, tại Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vấn đề đặt ra khiến mọi người phải suy nghĩ là tại sao Trung ương Đảng lại tốn nhiều công sức cho nhiệm vụ nêu gương của CB, ĐV như vậy? Cần phải khẳng định, điều làm Đảng ta suy yếu, nhân dân giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải từ đường lối, chủ trương, chính sách lớn, không phải nhân dân không một lòng theo Đảng. Điều mà nhân dân bất bình, lo lắng là Đảng đang mất dần cái đẹp trong lòng dân. Ba điều nhân dân lo lắng và bức xúc hiện nay là tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, không chỉ ở cấp cao “hổ vồ mồi”, mà cả cấp thấp “mèo bé bắt chuột con” khi có chức quyền. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ CB, ĐV có những diễn biến phức tạp. Hiện nay, việc nêu gương của CB, ĐV trong tu dưỡng tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống có phần bị lãng quên. Còn tình trạng CB, ĐV mất tính chiến đấu, không đi đầu, không nêu gương, mất mối quan hệ máu thịt với dân. Không ít người “có tí chức quyền” đã lên mặt dạy dân, ức hiếp dân, tham nhũng vặt... Tình trạng biến chất trong cán bộ khá nặng nề. Xưa nay, quyền lực đã dễ làm tha hóa con người. Quyền lực cộng với lòng tham sẽ dẫn đến tha hóa, mất đi bản chất đẹp đẽ của con người, đó là quy luật. Tha hóa, biến chất của những người có chức quyền thì tác động tiêu cực đến toàn dân, toàn Đảng, làm triệt tiêu sức mạnh của Đảng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ, không ít người giữ cương vị chủ chốt ở các cấp, các ngành, địa phương có nhiều biểu hiện mất uy tín trong nhân dân. Nhân dân nhìn số cán bộ này với con mắt xa lạ, thậm chí coi thường hoặc lo sợ. Nhiều trường hợp nhân dân thấy phiền hà, khó chịu, bất bình khi có việc cần tới công quyền. Tình trạng quy tụ, tập hợp lực lượng theo các nhóm lợi ích còn xảy ra ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Các tiêu chí về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức bị xem nhẹ và tập trung vào những mối quan hệ, liên kết lợi ích nhóm chi phối công tác đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Chính các nhóm lợi ích khác nhau này, ở cấp lãnh đạo, tham mưu rất dễ làm chệch hướng cả đường lối, chủ trương và chính sách. Một số nói không đi đôi với làm. Bệnh nói dối, bệnh thành tích có nhiều biểu hiện tinh vi và khá phổ biến. Ngay trong sinh hoạt Đảng cũng ít được nghe những lời nói thật. Vì lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm, tâng bốc người này, hạ thấp người kia, lẽ phải không được bảo vệ, sai trái không bị phê phán. Không ít cán bộ lãnh đạo có biểu hiện thích khoe khoang, phóng đại thành tích cá nhân, đơn vị mình để chứng tỏ “ta tài ba”; trái lại, trước khuyết điểm, sai lầm của mình, đơn vị, địa phương mình thì tìm mọi cách giấu giếm, ém nhẹm vì sợ “trách nhiệm người đứng đầu”. Một số người có cương vị, mang danh nhà khoa học có những nhận thức, quan điểm chống đối thật sự, công khai hoặc ngấm ngầm liên kết tán phát các bài viết, phát ngôn sai trái, chống đối, bất chấp các nguyên tắc Đảng. Số này tuy ít nhưng có nhiều tham vọng theo kiểu “có thời cơ sẽ phất cờ”. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” viết năm 1953, Bác Hồ đã từng nhắc nhở CB, ĐV: “Lợi ích của Đảng là lợi ích chung, đảng viên phải ra sức giữ gìn nó, cái gì trái với nó thì đảng viên phải kiên quyết đấu tranh chống lại”.

Từ ngày thực hiện sự nghiệp đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đặt xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trước nguy cơ suy thoái, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tập trung xây dựng phẩm chất CB, ĐV, nhắc lại và khẳng định lại tiêu chuẩn đảng viên, nếu không phải thế, không còn là người cộng sản. Không chỉ nói, ra nhiều văn bản, để bảo đảm cho Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, Trung ương thể hiện quyết tâm chính trị rất cao: Nói đi đôi với làm, "xây" gắn liền với "chống", kiên quyết chống tham nhũng, ngăn chặn đà suy thoái. Tất cả những vụ án lớn, tham nhũng, tiêu cực đều bị đưa ra xét xử, không có vùng cấm, không có điểm dừng, dù đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng... Tất cả đảng viên, tất cả cấp ủy vi phạm Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, nguyên tắc Đảng đều bị thi hành kỷ luật, bất kể ở cấp nào, lĩnh vực nào. Phải khẳng định một cách khách quan rằng, hiện nay trong Đảng, đa số đảng viên vẫn giữ được lòng tin của nhân dân, nhiều tấm gương sáng làm rạng danh cho Đảng, được dân kính trọng, yêu thương. Nhưng số người tha hóa, biến chất, không công tác vì lợi ích của nhân dân, tự xa rời đội ngũ là những tấm gương xấu làm che khuất những tấm gương cao quý, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng.

Gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống" trong công tác xây dựng Đảng, khẳng định sự nêu gương của CB, ĐV có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cũng là phẩm chất của CB, ĐV. Trung ương Đảng đã ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bằng sự đồng tình, nhất trí cao, Trung ương Đảng và nhân dân ta hy vọng quy định này sẽ đưa nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, thành nếp văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của CB, ĐV, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Quy định này cũng có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “cán bộ đi đầu, đảng viên tiếp bước” vẫn mãi mãi là bài học kinh nghiệm cho tất cả chúng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng!

Theo Đức Lượng

Báo Quân đội nhân dân