Gần gũi người hiền từ, xa lánh người nịnh hót

(Dân trí) - Người có nhiều kinh nghiệm ở đời nói rằng tệ tham nhũng tràn lan càng chống càng phát triển có nguyên nhân là một số người trong bộ máy nhà nước bị kẻ xấu lôi kéo đi vào con đường tội lỗi. Điều đó chắc đúng.

Gần gũi người hiền từ, xa lánh người nịnh hót - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
Nhà nước ta được nhân dân giao phó quản lý nhiều của cải. Chỉ cần lôi kéo được một quan chức cỡ nhỏ cũng có thể bòn rút được không ít của công. Kéo được một quan chức to hơn thì càng ăn to, phần ăn chia cho người đó chẳng đáng là bao. Kẻ trót sa chân xuống vũng bùn thì muốn kéo chân ra không dễ, kẻ xấu sẽ tố cáo, thành thử đã đâm lao phải theo lao.

Một câu chuyện của thời Trần thật hay và ý nghĩa: Phủ Thiên Trường kinh đô của Thượng hoàng cần một người cai quản. Vua sai đại vương Quốc Tuấn tìm người. Vương cử Trần Thì Kiến. Mới đến nhận nhiệm vụ, một người đã đến dâng một mâm cỗ. Ông hỏi: vì sao lại biếu? Người đó trả lời là: là người dân ở cạnh phủ, biết quan lớn mới về, nhân nhà có giỗ, gọi là lòng thành thôi. Chẳng lẽ coi thường lòng tốt của dân, quan miễn cưỡng nhận. Hôm sau người đó đưa đơn kiện về việc tranh chấp nhà đất. Hối hận, Thì Kiến thò tay móc họng nôn ra hết thức ăn rồi nói: ta trả lại nhà ngươi rồi đó.

Trong đời làm quan, Thì Kiến chỉ sống bằng số lương ít ỏi của mình.

Chọn người như Trần Hưng Đạo, người được chọn làm quan sống thanh liêm như Trần Thì Kiến. Nhờ đó mà nhà Trần hưng thịnh, quan dân yêu quý lẫn nhau. Ngày nay chúng ta càng cần chọn người, dùng người như ngày xưa.

Người ta nói: người làm quan phải gần gũi người hiền tài, xa lánh bọn nịnh hót, cầu cạnh.

Khốn nỗi là lòng tham làm cho mê muội. Chẳng lẽ thời nào vàng cũng có thể làm đen người ta!

Nguyễn Ngọc