Game bạo lực và những sát thủ máu lạnh

(Dân trí) - Bị nhiễm từ những trò chơi bắn, giết trong những game mang tính bạo lực, không ít người đã biến mình thành sát thủ “máu lạnh”. Trong vụ thảm sát ở tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang), Lê Văn Luyện đã thừa nhận hắn giết người, cướp của là do nợ nần và nghiện game.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng, game đã và đang ngày càng có sức cuốn hút đối với nhiều người. Nhất là trong xã hội hiện đại, áp lực công việc gia tăng khiến cho nhiều người chơi tìm đến game như là một cách để giải tỏa căng thẳng, xua tan cảm giác mệt mỏi. Những game lành mạnh, bổ ích cộng với việc điều tiết thời gian chơi hợp lý có thể giúp người chơi thư thái, cân bằng về mặt tinh thần, tâm lý sau những giờ học tập, làm việc vất vả. Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận không nhỏ người chơi game hiện nay không thích lựa chọn những game mang tính giải trí nhẹ nhàng mà lại thích thử sức mình ở những trò chơi có thể mang lại “cảm giác mạnh”.

Đây chính là một trong những lý do khiến cho nhiều game thủ tìm đến những trò chơi mang tính bạo lực và càng chơi thì càng bị cuốn hút, khó có thể dứt ra được. Khi được thường xuyên sống trong “cảm giác mạnh”, người chơi dễ bị ám ảnh từ những cảnh tượng diễn ra trong trò chơi.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Điều này có thể được lý giải: theo quy luật của cảm giác, khi con người tiếp xúc nhiều lần với một hiện tượng nào đó, cơ thể sẽ có những phản xạ để dần thích nghi. Khi người chơi tiếp xúc với game bạo lực ở một tần suất cao, sẽ có những tác động tiêu cực đến cảm xúc của người chơi. Trong khi game là một thế giới ảo. Khi chơi, game thủ có thể tùy ý làm những điều gì mình thích mà không sợ bị kiểm soát hay trừng phạt. Những trò chơi bạo lực lại luôn đầy rẫy những cảnh bắn phá, chém giết, “mạnh ai nấy sống”, “cá lớn nuốt cá bé” nên có thể tác động xấu tới thế giới quan của người chơi. Không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ dẫn đến việc người chơi nhìn cuộc sống thực tại bằng con mắt ảo tưởng, tưởng tượng ra cuộc sống xung quanh luôn tồn tại bạo lực, hằn học, thù địch, và cần phải “ra tay” để thiết lập lại “trật tự” cuộc sống. Từ đó dễ làm phát sinh những hành động tiêu cực khi người chơi bước ra khỏi thế giới ảo, trở về với cuộc sống thực tại.

 

Đáng lo là lứa tuổi “nghiện” game bạo lực đang có xu hướng được “trẻ hóa”. Với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, bốc đồng, thích cảm giác mới lạ, những trò chơi mang tính bạo lực đang tạo ra sức hút lớn đối với một bộ phận giới trẻ, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Ở lứa tuổi này, việc khám phá và được hành động một cách tự do để tự khẳng định mình trong mắt mọi người xung quanh trở thành mong muốn và nhu cầu của nhiều người. Điều này giải thích vì sao nhiều game thủ trẻ tuổi thích hóa thân thành các “anh hùng” hay “siêu nhân” trong các trò chơi mang tính bạo lực. Hậu quả là do kỹ năng sống chưa có độ “chín”, khi bị chìm đắm trọng một thế giới ảo đầy bạo lực, nhiều em bị rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt. Nguy hiểm hơn, một số game thủ trẻ tuổi đã áp dụng chính những kỹ năng đã “luyện” được từ các trò chơi bạo lực vào thực tế.
 
Game bạo lực và những sát thủ máu lạnh - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Trong vài năm qua, liên tiếp những vụ án kinh hoàng xuất phát từ ảnh hưởng, tác động của game bạo lực đã gây phẫn nộ, bức xúc, hoang mang trong dư luận. Trong năm 2008, người dân huyện Quỳ Châu hẳn vẫn chưa quên vụ án đau lòng mà nguyên nhân là từ “nghiện” game. Vì không có tiền để chơi game, tên Nguyễn Khánh Cường đã nảy sinh thú tính giết chết người em ruột của mình là Nguyễn Khánh Thoại (lúc đó mới chỉ 6 tuổi). Khi bị phát hiện, hắn đã dùng dao chém nhiều nhát vào người mẹ đẻ của mình là Nguyên Thị Vân khiến bà bị trọng thương và hôn mê tại chỗ.

 

Với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, bốc đồng, thích cảm giác mới lạ, những trò chơi mang tính bạo lực đang tạo ra sức hút lớn đối với một bộ phận giới trẻ, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Ở lứa tuổi này, việc khám phá và được hành động một cách tự do để tự khẳng định mình trong mắt mọi người xung quanh trở thành mong muốn và nhu cầu của nhiều người. Điều này giải thích vì sao nhiều game thủ trẻ tuổi thích hóa thân thành các “anh hùng” hay “siêu nhân” trong các trò chơi mang tính bạo lực.

Cũng trong năm 2008, một vụ án kinh hoàng đã xảy ra ở huyện Thường Tín – Hà Tây (cũ). Hung thủ là tên Nguyễn Đình Cử (14 tuổi). Cử là kẻ “nghiện” game nặng. Để có tiền chơi game, Cử đã có kế hoạch  dùng thuốc chuột đầu độc cả nhà người chú họ để chiếm đoạt tài sản trong két sắt. Nhưng do mua phải thuốc chuột dởm nên kế hoạch không thành. Cùng quẫn, hắn đã táo tợn bắt cóc em Tuấn Anh (4 tuổi, là em họ của Cử) để tống tiền. Hắn yêu cầu bố của Tuấn Anh phải nộp 30 triệu tiền chuộc. Nhưng khi chưa nhận được tiền, hắn đã ra tay sát hại dã man Tuấn Anh, giấu trong đống gạch hoang, sau đó tiếp tục đi chơi game bình thường.

 

Trong năm 2009, một số vụ án nghiêm trọng có nguyên nhân từ game bạo lực cũng đã diễn ra. Ở Đồng Nai, ngày 7/5/2009, do không có tiền chơi game, Nguyễn Bích Huyền (đang là học sinh lớp 8) đã giết hại cháu là Nguyễn Thị Ngọc Anh để lấy đôi bông tai. Sau đó, hắn bình thản bỏ xác cháu Anh vào túi ni lông rồi cho vào ngăn tủ. Trước đó một ngày, tại thành phố Hải Dương, ngày 6/5/2009, tên Nguyễn Viết Thành (đang là học sinh lớp 12), vì cãi cọ, mâu thuẫn, đã dùng dao chém chết cha đẻ của mình là ông Nguyễn Viết Yên, sau đó chặt xác cha ra làm ba khúc rồi vứt xuống con sông gần nhà để phi tang. Sau khi thực hiện xong hành vi thú tính, Thành vẫn tiếp tục đến lớp ngồi học, vẫn tiếp tục lên mạng chơi game.

 

Vừa qua, trong vụ thảm sát kinh hoàng ở tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang), hung thủ Lê Văn Luyện đã thừa nhận trước cơ quan pháp luật: nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người, cướp của man rợ của hắn là do nợ nần và nghiện game online. Những vụ án nghiêm trọng, kinh hoàng nêu trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa sút đạo đức, nhân cách mà nguyên nhân xuất phát từ những tác động xấu của game và game bạo lực.

 

Phần lớn các game nói chung, game bạo lực nói riêng hiện nay đều được lưu hành trên internet. Thông tư 02 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định trẻ em dưới 14 tuổi vào quán internet chơi game, truy cập mạng phải có người lớn đi kèm, hướng dẫn.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa có tính khả thi. “Thượng đế” của các quán internet phần lớn đang ở độ tuổi HS – SV. Trong khi đó, các chủ quán vì mục đích lợi nhuận đã phớt lờ quy định này, không có động thái kiểm tra độ tuổi người chơi. Các trò chơi cũng được phân chia tương ứng với các độ tuổi khác nhau. Nhưng do tiêu chí phân chia còn mập mờ, chưa rõ ràng nên trên thực tế, những trò chơi chém giết đầy tính bạo lực của “người lớn” vẫn được giới trẻ ưa thích lựa chọn và được thỏa sức chơi mà không có sự can thiệp của chủ quán.

 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, những chế tài đủ sức răn đe nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác hại và nguy cơ tiềm ẩn từ game bạo lực. Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan có thẩm quyền phát huy hiệu quả, các gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến thời gian học tập, vui chơi, giải trí của con, em mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để có những biện pháp giáo dục phù hợp đối với những “tín đồ” của game bạo lực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí-Các cơ quan thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những tác hại khó lường của game bạo lực; các cơ quan chức năng cũng đã có biện pháp ngăn chặn tác hại này, nhưng xem ra đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả đáng kể.

 

Bài viết trên đây phản ảnh đúng tình hình rất đáng quan tâm về những ảnh hưởng xấu của game bạo lực đối với người chơi, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Nhiều vụ án mạng xảy ra có nguyên nhân từ game bạo lực. Cũng không ít các sinh viên từ các tỉnh lẻ về Hà Nội trọ học xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình đã trở thành những “game thủ chuyên nghiệp” và chẳng bao lâu đã bỏ học, kể cả những em trước đây vốn là những học sinh giỏi đỗ điểm cao vào đại học. Từ đó, không thể coi thường sức cám dỗ của game nói chung, đặc biệt là trò chơi bạo lực đối với tuổi trẻ, làm cho nhiều em trở thành nghiện ngập trò chơi này, không còn thiết gì học tập.

 

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm quản lý con cái, không để các em sa đà vào trò chơi điện tử, đặc biệt là những trò chơi không lành mạnh.

 

Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn việc lưu hành những trò chơi bạo lực ở các quán Internet, nhất là phạt thật nặng khi cho trẻ em chơi game bạo lực.