Bạn đọc viết

Đừng vội trách việc ngăn cản ông Hòa thử nghiệm tàu ngầm

(Dân trí) - Ai dám cho phép ông Hòa mạo hiểm với tính mạng của mình ngay trước mắt họ. Nếu khi vận hành mà động cơ có sự cố thì tính mạng của ông Hòa và con tàu thật khó xác định.

Ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa
(TP Thái Bình) 
Ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa (TP Thái Bình) nhiều năm đã bỏ tiền túi của mình ra say mê nghiên cứu chế tạo tàu ngầm mini

Đừng vội trách cơ quan quản lý về việc ngăn cản ông Hòa thử nghiệm tàu ngầm tự chế trên biển!
 
Tôi cũng là một trong những tín đồ đam mê nghiên cứu sáng tạo bằng tiền của bản thân và gia đình (có thể kiểm chứng với từ khóa “bán cả gia tài” trên google). Về công trình nghiên cứu, chế tạo thử, nghiệm tàu ngầm của ông Hòa tôi có ý kiến như sau.
 
+ Hoan nghênh sự đam mê sáng tạo, ý tưởng độc đáo và tinh thần dám nghĩ dám làm của ông Hòa.
 
+ Đối với ý tưởng chế tạo tàu ngầm của ông Hòa, cần phân ra 3 vấn đề xem xét:
 
1.Việc làm sao cho một khối sắt thép có thể chìm xuống và nổi lên:  việc này quá đơn giản chỉ cần hiểu định luật Acsimet (một bình rỗng có khối lượng bản thân nhỏ hơn phần thể tích nước mà nó có thể chiếm chỗ, khi thả xuống nước thì nó tất yếu nó sẽ nổi. Nếu mở một chiếc van ở phía đáy để nước tràn vào và cùng lúc mở một van ở phía trên cho khí thoát ra thì nó sẽ dần dần chìm xuống, muốn nó nổi trở lại chỉ cần đóng van thoát khí và xả vào đó một luồng hơi nén thì nước lại bị đẩy ra và nó lại nổi lên) - điều này mọi người đã biết từ khi học phổ thông.
 
2. Với các thiết bị điều khiển, định vị,  rađa mà ông Hòa trang bị cho con tàu theo báo chí mô tả, thì trước hết phải khâm phục sự hiểu biết rộng của ông Hòa. Tuy nhiên những kiến thức này hiện nay đã trở thành phổ biến, những ngư dân đi biển đã làm chủ được các thiết bị công nghệ này. Chỉ cần có tiền là mua được thiết bị và cả hướng dẫn sử dụng.
 
3.Điều quan trọng, đáng nói và đáng nể ở ông Hòa là vấn đề “sáng chế và làm chủ công nghệ động cơ động cơ AIP dân dụng trong điều khiện giản đơn nhất”. Bởi động cơ AIP là hệ thống động lực không dùng không khí. Có thể nói, loại động cơ này đang rất được nhiều quốc gia “ưa thích” mặc dù công nghệ AIP không dễ phát triển. Chỉ vài cường quốc về khoa học, công nghệ như Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc có thể thiết kế hệ động lực này. Để hiểu biết thêm về động cơ AIP các bạn có thể truy cập vào Googel với từ khóa “Điều ít biết về động cơ tàu ngầm AIP”.
 
Khi đưa ra biển thử nghiệm, sự sống còn của ông Hòa và con tàu trước hết nằm ở sự thành công của động cơ AIP do ông Hóa sáng chế. Tuy nhiên các thông tin thử nghiệm loại động cơ này chưa hề được ông Hòa tiết lộ. Nếu chỉ qua các thông tin trên báo chí, mọi người chưa rõ kết quả thử nghiệm động cơ AIP trên tàu ngầm của ông Hòa như thế nào. Khi đó những người hiểu biết và có trách nhiệm, aidiám cho phép ông Hòa mạo hiểm với tính mạng của mình ngay trước mắt họ? Ngay đến vợ con ông Hòa nếu hiểu biết cũng sẽ không bao giờ đồng ý cho ông Hòa mạo hiểm tính mạng của mình.
 
Nếu khi vận hành mà động cơ có sự cố thì tính mạng của ông Hòa và con tàu thật khó xác định. Vì vậy tôi đề nghị, trước hết Ông Hòa nên trình bày một phương án thử nghiệm động cơ AIP trong một khoang chứa đặt chìm ở một nơi nước biển nông, yên tĩnh gần bờ (có thể khoang chứa chính là chiếc tàu ngần này) để thử nghiệm tĩnh động cơ trong nhiều giờ. Nhưng ông Hòa không được chui xuống đó mà phải điều khiển từ xa (việc điều khiển có dây từ xa và theo dõi bằng hình ảnh kỹ thuật số là không hề khó). Cách làm này chắc chắn không có cơ quan chức năng nào nếu đã được báo cáo (có kèm theo phương án cụ thể) mà lại không cho phép. 
 
Khi nào các kết quả cụ thể đảm bảo thiết bị động lực AIP hoạt động trơn tru trong nhiều giờ (như thiết kế trong điều kiện không có không khí tự nhiên), thì viết báo cáo xin thành lập Hội đồng Khoa học tại Sở KH&CN địa phương để xem xét đánh giá. Nếu thành công, chắc chắn Nhà nước không tiếc tiền cho ông hoàn thiện công nghệ.
 
Nên nhớ trước khi ông Hòa được phép chui xuống tàu để điều khiển cho mọi người xem, thì còn phải qua rất nhiều biên bản kiểm định khác có liên quan đến hệ thống đảm bảo an toàn sinh mạng cho ông Hòa. Nếu ông Hòa chứng minh được sáng chế động cơ AIP của mình “an toàn, có hiệu quả và có khả năng ứng” trong điều kiện đơn giản đến như vậy, thì tôi xin đảm bảo ông sẽ được tôn vinh là một nhân tài đất nước.
 
Và sáng chế của ông sẽ có giá hàng trăm triệu USD, đó là điều hiển nhiên không ai phải bàn cãi. Và sẽ đúng như ông mơ ước “khi đó các nhà khoa học của Việt Nam sẽ bắt tay tham gia cùng ông phát triển và hoàn thiện các con tàu Trường Sa tiếp theo”. Chúc ông thành công!.
 
Lại Minh Chức: chuclamic@gmail.com