Góc nhìn Luật sư

Đừng triệt tiêu chức năng xã hội của Luật sư

Luật sư phải ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội theo đúng nguyên tắc hành nghề LS, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS,


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Bộ Tư pháp đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 123/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Tôi thiết nghĩ, mục đích nâng cao trách nhiệm của Luật sư (LS) trong việc giữ gìn uy tín, đạo đức nghề nghiệp, đòi hỏi các Luật sư hay tổ chức hành nghề Luật sư này phải ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội theo đúng nguyên tắc hành nghề LS, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS, là một nhận thức đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, những nguyên tắc này đã được giới Luật sư xây dựng và chuẩn hóa trong Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách đầy đủ, do đó việc đưa vào Nghị định liệu có cần thiết.

Ở một góc độ khác, những chuẩn mực này không được nêu trong Luật Luật sư 2006, vậy căn cứ nào để chúng ta xây dựng văn bản dưới luật khác đi, không tương thích hay mở rộng các nội dung trong luật, việc xây dựng hệ thống pháp luật cần đảm bảo phù hợp với luật vì không tuân thủ nguyên tắc 1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật., được quy đinh tại điều 5, Luật Ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Ngoài ra, việc đòi hỏi Luật sư phải có những ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề LS, phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác” sẽ được hiểu như thế nào, trong trường hợp Luật sư phát ngôn trên các cơ quan báo chí thì đã có Luật Báo chí điều chỉnh, phát ngôn trên mạng xã hội đã có nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng điều chỉnh chung, vì Luật sư cũng là công dân nên bị kiểm soát và xử lý bởi chế tài chung.

Trên thực tế, việc phát ngôn của Luật sư có thể “gây phương hại” cho những quyền và lợi ích bất hợp pháp của các cá nhân tổ chức, nếu không trái luật thì đây chính là việc người Luật sư thực hiện Chức năng xã hội của luật sư “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” Theo quy định tại điều 3 Luật luật sư, thử hỏi cứ “gây phương hại” cho những đối tượng xấu mà Luật sư bị xác định là vi phạm luật thì thử hỏi còn Luật sư nào dám đương đầu để đấu tranh với cái xấu, nếu áp dụng máy móc điều này sẽ dẫn đến triệt tiêu chức năng xã hội của Luật sư, điều mà Đảng, nhà nước và nhân dân đang mong chờ ở chúng tôi, thực tế trong thời gian qua Luật sư đang thưc thi rất tốt chức năng này. Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, nhiều vụ án oan sai, nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội, nhiều vụ án tham nhũng ….đã được các Luật sư phanh phui, tạo được niềm tin lớn trong quần chúng nhân dân, giúp Đảng nhà nước trong công tác cải cách tư pháp chung.

Không chỉ gói gọn hoạt động của mình trong lĩnh vực tư pháp, những người Luật sư cũng tích cực hòa mình vào công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh. Đảng đã xác định, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, và phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng chống tham nhũng, như vậy trong việc phòng ngừa, phát hiện phát hiện tham nhũng không ai có khả năng thực hiện điều này bằng những Luật sư, nhà báo. Như vậy, tiếng nói của Luật sư không chỉ cần thiết, mà còn là sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước cần tới trong công cuộc phòng chống tham những hiện nay.

Còn lại, những nội dung khác trong dự thảo (LS không được nhận và thực hiện vụ việc với mục đích trái pháp luật, trái nguyên tắc hành nghề LS. LS không được tập trung, lôi kéo, kích động người khác nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.) nghị định bị trùng lặp với nội dung điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác, do đó tôi thấy việc đưa ra những nội dung này trong nghị định là không cần thiết, không phù hợp.

Luật sư Trương Anh Tú

(VPLS Trương Anh Tú - Hà Nội)