Bạn đọc viết

Đừng để trộm cắp… thăng hoa!

Qui định như thế rõ ràng là nghiêm minh. Nói về sự nghiêm minh, luật của nhà nước ta ngày nay tỏ rõ thái độ dứt khoát đối với trộm cắp, tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lí còn nhiều bất cập, khiến dư luận bức xúc


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Trộm cắp là tội trạng vốn được các triều đại từ xa xưa đề cao xử lí.

Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), vua Lý Nhân Tông ban hành một đạo luật về việc trộm và thịt trâu bò: "Kẻ nào ăn trộm hay thịt trâu bò phải phạt 80 trượng và tội đồ làm "Tang thất phu" nghĩa là tội đồ ở các sở nuôi tằm. Ngoài ra còn phải hoàn trả lại tiền con vật. Các người lân bang không tố cáo tội phạm cũng bị phạt 80 trượng" (Đại Việt Sử ký).

Theo Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao có thể bị phạt rất nặng như xăm chữ lên người, chặt ngón tay, lưu đày, thậm chí áp dụng hình phạt cao nhất là chém đầu. Trong chương “Đạo tặc” của Bộ luật này, tội trộm cắp tài sản được quy định sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người.

Luật Gia Long chia tội đồ trộm cắp làm 5 bậc theo độ dài của thời gian một bậc có thêm một hình phạt đánh bằng gậy (từ 60 đến 100 gậy): 1 năm - 60 trượng; 1 năm rưỡi - 70 trượng; 2 năm - 80 trượng; 2 năm rưỡi - 90 trượng; 3 năm - 100 trượng. Đến đời vua Thái Thành thứ 18, năm bậc tội đồ đã được đổi làm khổ sai từ 1 - 5 năm.

Dẫn một số ví dụ về luật xưa để thấy ông cha ta rất nghiêm khắc với tội trộm cắp. Vì đây là loại tội phạm không chỉ xâm hại tài sản của nhà nước hay cá nhân, gây mất trật tự trị an xã hội mà còn là biểu hiện tha hóa đạo đức của con người, trái với truyền thống đạo lí của dân tộc.

Nói về sự nghiêm minh, luật của nhà nước ta ngày nay cũng tỏ rõ thái độ dứt khoát đối với loại tội phạm này.

Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định về tội Trộm cắp tài sản như sau: 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Qui định như thế rõ ràng là nghiêm minh.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lí tội trộm cắp tài sản còn nhiều bất cập, khiến dư luận bức xúc.

Dường như theo thói quen, người ta đang hiểu cụm từ trộm cắp chỉ dành cho đối tượng "đạo chích" sống bằng nghề "đào tường, khoét ngạch, bẻ khóa" mà quên mất rằng, trộm cắp thời nay cao siêu và hiện đại lắm. Trộm cắp bây giờ không chỉ là vật chất mà còn cả tri thức và những giá trị tinh thần khác.

Bởi thế, người ta không tin quan chức lại đi ăn trộm, cán bộ lại "cầm nhầm" đồ của người khác. Thế cho nên khi sự việc xảy ra, không ai cho là phạm tội trộm cắp, dẫn đến việc xử lí theo kiểu bao che, dung túng, hòa cả làng. Thậm chí kẻ phạm tội còn được thăng quan tiến chức.

Một số vụ việc thời gian qua đã chứng minh cho điều đó, chỉ xin nêu một vài ví dụ gần đây nhất.

Dư luận hẳn chưa quên chuyện ông Dương Phước Huệ, huyện ủy viên, trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), đã chôm 14 trứng vịt “khủng” tại hội chợ triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội của huyện nhân dịp mừng Xuân 2017 mà ông là thành viên Ban Tổ chức.

Về mặt xã hội, hành vi của ông Huệ gây tác động xấu không chỉ đối với uy tín cá nhân của ông mà nghiêm trọng hơn, khiến dân mất hết niềm tin vào những cán bộ quản lý như ông.

Vậy mà rốt cuộc ông Huệ cũng chỉ bị "yêu cầu rút kinh nghiệm vì những hành vi không chuẩn mực này".

Vụ thứ hai là xử lí kỉ luật đối với ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, nguyên đội trưởng Đội An ninh soi chiếu, về hành vi lấy tài sản của hành khách bị phát hiện hồi năm 2016.

Hành vi của ông Thắng là nghiêm trọng nếu đặt trong bối cảnh liên tiếp xảy ra chuyện hành khách bị mất cắp tài sản sau khi gửi hành lí tại sân bay. Ngay trong năm 2016 tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng có một nhân viên nữ lấy tài sản của hành khách. Tính nghiêm trọng của hành vi còn ở tư cách của ông Thắng - đội trưởng Đội An ninh soi chiếu.

Tuy nhiên, ông Thắng chỉ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng, khiển trách về mặt chính quyền. Thậm chí, ông Thắng còn được đề bạt từ đội trưởng an ninh soi chiếu lên làm phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và suýt nữa trở thành đại biểu đại diện tiêu biểu cho Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đi dự một cuộc họp quan trọng của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Mặc dù lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã giải trình nhưng dư luận vẫn không khỏi nghi ngờ phẩm chất, năng lực của ông phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện đào tạo, nguyên đội trưởng an ninh soi chiếu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như tính "nghiêm minh" của cơ quan này khi xử lí những hành vi xấu của cán bộ nhân viên của mình.

Cách hành xử của các cơ quan chức năng nói trên, có thể đạt được mục đích nhất thời là giữ cho nội bộ "êm ấm" nhưng hậu quả sẽ khôn lường. Vô hình trung họ dung túng cho cái xấu, làm hỏng cán bộ, đánh mất niềm tin của dân đối với cơ quan nhà nước.

Nguyễn Duy Xuân