Bạn đọc viết

Đừng để đại biểu và cử tri đứng ngoài cửa ngó vào

Những thành quả của công khai, minh bạch mà pháp lệnh 34 dân chủ mang lại thời kỳ đầu khi các cấp cơ sở còn “ngây thơ”, thì đến nay các cấp cơ sở và cấp trên cơ sở có nơi đã “rút kinh nghiệm” và có “biện pháp” đối phó

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Kính gửi các quý đại biểu quốc hội kính mến!

Theo dõi  chương trình làm việc kỳ họp này, tôi được biết Quốc hội ta sẽ thông qua luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đồng thời sẽ cho ý kiến vào dự thảo luật tiếp cận thông tin.

Hôm nay ngày 11/11/2015, đúng vào cái ngày mà quý vị đại biểu thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật tiếp cận thông tin thì tôi nhận được một văn bản của UBND quận Bắc Từ Liêm đề ngày 2/11 nhưng hôm nay sau 9 ngày mới tới người nhận là tôi (những vấn đề chất vấn đều đến với đại biểu chậm như vậy dù địa chỉ nhận và gửi thuộc một quận nội thành). Văn bản này trả lời thẳng thừng rằng các bản vẽ thi công các công trình đang thi công tại địa bàn phường không phải niêm yết cho dân và đại biểu HĐND biết. Không biết nên vui hay nên buồn chỉ biết rằng từ khi pháp lệnh 34 dân chủ của thường vụ Quốc hội ra đời năm 2007 thì cánh cửa công khai minh bạch được mở rộng rồi dần bị khép hờ và đến hôm nay thì thực sự đã bị đóng sập trên thực tế.

Ngày 18/4/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=16021 ) tạo nền tảng cho tiến trình công khai minh bạch các dự án đầu tư. Ngày 20/4/2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội có pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH11 (ttp://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=55805 ) mở ra việc công khai minh bạch không chỉ trong lĩnh vực các dự án đầu tư mà còn nhiều lĩnh vực khác nhằm để dân biết, dân bàn và quyết định, dân bàn rồi biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định, dân giám sát. Để triển khai quyết định 80 và pháp lệnh 34,  các bộ ngành, địa phương và UB MTTQ các cấp cũng có một loạt các văn bản hướng dẫn và triển khai như: Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/KH&ĐT-UBTƯ MTTQVN-TC ngày 04/12/2006 của Bộ kế hoạch đầu tư, UB Trung ương MTTQ VN và Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (http://mattran.org.vn/home/thongtinCTMT/so107/vbhd.htm ); Hướng dẫn số 488/HD-MTHN ngày 11/8/2007 của MTTQ Hà Nội hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện quy chế giám sát đầu tư cộng đồng (http://mttqhanoi.org.vn/huong-dan/huong-dan-mttq-cac-cap-thuc-hien-quy-che-giam-sat-dau-tu-cong-dong-810.htm ); Hướng dẫn số 162/HD/UBND-UBMTTQ ngày 18/10/2013 của UBND Tp Hà Nội và UB MTTQ Tp Hà Nội  hướng dẫn thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội (http://www.hapi.gov.vn/huong-dan-thuc-hien-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-tren-doa-ban-thanh-pho-ha-noi_a548t122.aspx ). Mới đây nhất, ngày 30/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về giám sát và đánh giá đầu tư ( http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-dinh-84-2015-ND-CP-giam-sat-danh-gia-dau-tu-292148.aspx ).

Thời kỳ đầu sau quyết định 80 và đặc biệt là sau khi pháp lệnh 34 ra đời, việc thực hiện công khai, minh bạch và niêm yết diễn ra khá tốt. Đại biểu và cử tri được tiếp cận với tài liệu đầy đủ của dự án trong đó có bản vẽ thi công các công trình dự án nhóm C và kể cả nhóm B triển khai nằm gọn trên địa bàn một xã/phường. Chính nhờ sự công khai minh bạch “lúc ban đầu còn bỡ ngỡ đó” mà mỗi cử tri tích cực và am hiểu pháp luật, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng đều có điều kiện trở thành một giám sát viên, một thanh tra viên giám sát dự án mà nhà nước, cộng đồng không phải trả bất kỳ một đồng lương nào từ ngân sách. Người dân không cản trở thi công mà chỉ bằng quan sát tự nhiên, bằng chiếc máy điện thoại, chiếc máy ảnh du lịch họ chụp lại những vấn đề mà họ thấy thi công sai so với bản vẽ niêm yết trên đoạn đường đang thi công đi ngang qua cổng nhà họ, những viên gạch không đúng tiêu chuẩn bên dãy lớp đang cải tạo khi họ đến trường đón con, thậm chí cao cấp hơn là sự vô tình ghi lại của những camera quan sát trước cổng nhà dân lại vô tình lọt vào những hình ảnh những chuyến xe chở của công trình đang thi công luôn phải đi qua với hình ảnh của những thùng xe rỗng không nhưng khi quyết toán lại được vống lên về hàng trăm mét khối đất phải vận chuyển chở đi để tính tiền… Tất cả những sự tự nhiên và vô tình đó đã được chuyển tới đại biểu để chất vấn làm rõ. Nhờ vậy năm 2009, tôi đã phát hiện ra việc thi công và quyết toán sai trên con đường liên thôn: Đông Sen – Đình – Hồng Ngự thuộc xã Thụy Phương này là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Tp Hà Nội. Và phải truy vấn liên tục đến năm 2011 thì thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 98 triệu đồng do quyết toán sai, khống (trong khi cấp có thẩm quyền bao biện là “thanh toán thừa” trong khi công trình đã quyết toán xong từ năm 2009 bảo hành hết trong năm 2010).

Năm 2012, cử tri Nguyễn Quyết Thắng – phó bí thư chi bộ cư trú tại thôn Tân Phong nay thuộc TDP Tân Phong, phường Thụy Phương, Tp Hà Nội, nhờ tài liệu xin được từ “một người tốt bụng” thuộc Ban giám sát cộng đồng thôn nên đã phát hiện ra nhiều sai sót trong thi công tại Nhà văn hóa thôn Tân Phong. Sau nhiều lần phản ánh không được tiếp thu, cử tri đã phải làm đơn tố cáo. Khi giải quyết tố cáo lần một tại cấp xã, Chủ đầu tư là UBND xã chỉ thừa nhận sai sót là “bản lề inox” bị thay bằng “bản lề mạ kẽm” còn việc thay bậc đá bằng bậc ganito được Chủ tịch UBND xã – Chủ đầu tư – người giải quyết tố cáo lần 1 giải thích là vì nhận thấy bậc đá không an toàn và đã được lập biên bản hiện trường để thay đổi. Khi cử tri hỏi việc lập biên bản hiện trường mà chưa có phê duyệt của cấp trên có đúng không và không an toàn là với đá đi chân lên thôi chứ tại sao đá ốp trụ cổng cũng bị ăn bớt là thế nào, có ai đi bộ trên trụ cổng thẳng đứng không ? “Tôi đã hỏi như vậy thì họ im chẳng nói gì”- cử tri Thắng cho biết. Với hồ sơ có trong tay, cử tri Nguyễn Quyết Thắng đã tiếp phản ánh lần 2 lên huyện. Với trách nhiệm của một đảng viên tâm huyết và năng lực của một kỹ sư lâu năm về hưu vạch ra những sai phạm trên bản vẽ thi công, Chủ tịch UBND huyện khi giải quyết tố cáo lần 2 chỉ ra một loạt sai phạm tại công trình bị tố cáo và thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn…. 38 triệu đồng do quyết toán sai.

Hành trình trên của cử tri Nguyễn Quyết Thắng còn chưa là gì so với những gì mà cử tri Nguyễn Văn Gần phải trải qua. Người nông dân, xã viên HTX Đại Cát chân chất Nguyễn Văn Gần vào năm 2013 bằng niềm tin vào lẽ phải, ghét sự gian dối như nhà nông ghét cỏ, đã phải “bí mật sưu tầm” từ nhiều nguồn, nhiều người để giám sát con đường liên thôn và nhiều công trình khác đang thi công trên địa bàn thôn Đại Cát cũng như xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm nay là quận Bắc Từ Liêm, Tp Hà Nội. Có tài liệu “bí mật xin được” mà đáng ra phải được công khai này, người nông dân thôn Đại Cát liên tục phát biểu tại các cuộc tiếp xúc để chỉ ra các sai phạm ở các công trình đang thi công trên địa bàn. Chính vì sự chân chất, ghét gian dối như nhà nông ghét cỏ mà cử tri Nguyễn Văn Gần đã phải ngậm ngùi nhìn gần 600 quả bưởi non trong vườn bưởi Diễn nhà mình bị vặt vứt đầy gốc khi Tết đang đến gần, một lần bị bom xăng ném vào nhà và gần đây nhất là ngôi nhà tạm tại vườn bưởi bị đốt cháy trong đêm. Cả ba sự việc này đều chưa tìm ra thủ phạm. Tuy thế, mọi thứ khó khăn không khuất phục được con người yêu lẽ phải đến quyết liệt và còn tin vào sự công bình.

Chính vì nhờ điều đó, nhờ những tài liệu bí mật sưu tầm được mà thực chất là những bản vẽ thi công và những bức hình, đoạn phim ghi được nhờ chiếc điện thoại hàng lướt mà con biếu bố đã khiến Chủ đầu tư buộc đơn vị thi công phải cậy bong toàn bộ đoạn đường vừa đổ bê tông dài hơn 200m và rộng hơn 3m lên để đổ lại vì chất lượng bê tông không đảm bảo.

Chính “do” những thành quả của công khai, minh bạch mà pháp lệnh 34 dân chủ mang lại thời kỳ đầu khi các cấp cơ sở còn “ngây thơ” mà đến nay các cấp cơ sở và cấp trên cơ sở có nơi đã “rút kinh nghiệm” và có “biện pháp” đối phó như: chỉ phô-tô một vài trang có tính khái quát,tổng thể, toàn cảnh trong bản vẽ đưa ra niêm yết còn dấu nhẹm các phần chi tiết khác với lý luận pháp luật không quy định cụ thể như thế, cấp trên không hướng dẫn vv và vv… trong khi thực tế đặt ra yêu cầu công khai minh bạch ngày một đòi hỏi cao hơn và quy định hướng dẫn ngày một nhiều hơn như đã nêu ở trên. Ngoài ra còn xảy ra tình trạng lạm dụng thông báo qua loa trên đài truyền thanh trong khi đó có những nội dung, vấn đề đến cầm tài liệu trong tay phải lật giở, nghiên cứu chán mới nắm được thì nghe gió thoảng qua phát thanh thì đố ai hiểu được là gì. Công khai đấy, muốn giám sát à ? Có giỏi thì thu âm câu được câu mất về mà giám sát ? Đúng là có nhiều cách để thử thách lòng kiên nhẫn thật. Nhà văn hóa ở các tổ dân phố có đấy nhưng cứ niêm yết ở phường thôi, gần dân lúc khác lúc niêm yết, lúc muốn giám sát thì cứ xin mời đi xa một chút lên phường mà xem. Xa một chút, bảo vệ trụ sở phường nghiêm và xét nét một chút là ối chú sợ. Còn muốn tìm tài liệu từ mấy ông trong Ban giám sát cộng đồng tốt bụng một tý hả ? Khi đưa tài liệu, hồ sơ giám sát thì mời đủ các thành viên lên, tiếp long trọng và nghiêm trang rồi thả một câu “Đề nghị quý vị không được cung cấp tài liệu này cho bất kỳ ai nếu không đúng quy định của pháp luật”. Thế là lòng tốt chưa thò ra một cái đã rụt hết cả vào. Tài chưa. Phải nói là tài thật. Vì chính tôi vừa được chứng kiến sự tốt bụng biến mất ở một con người mà tôi nhìn nhận là hiểu biết và tốt bụng trước đây. Nhưng khi vừa được bầu là giám sát cộng đồng, con người đó đã thay đổi. Đầu tháng 10/2015, tôi phát hiện ra việc đơn vị đang thi công trường tiểu học tại địa bàn tôi cư trú đã dùng đất lộn tận dụng đổ vào nền nhà, tôi yêu cầu người giám sát cộng đồng của tổ dân phố mang bản vẽ và ra hiện trường cùng lập biên bản với tôi trước sự chứng kiến của cảnh sát khu vực, đại diện UBND nhưng người kỹ sư giám sát vừa về hưu ấy – nay là ông thành viên giám sát cộng đồng tổ dân phố đã không đi cũng không đưa bản vẽ ra và nói rằng: “Ông tổ trưởng Ban giám sát cộng đồng nói là không được cung cấp tài liệu bản vẽ cho ai vì Chủ tịch phường đã dặn thế” rồi khóa cổng lủi vào nhà. Đó là nguồn cơn tôi phải có văn bản chất vấn lên Chủ tịch quận và sau 1 tháng thì nhận được trả lời bằng công văn trong đó có 9 ngày để văn bản đi bộ từ quận tới tôi – hai địa điểm nằm trong nội bộ một quận nội thành ở Hà Nội. Như vậy cánh cửa công khai minh bạch đã đóng sập sau văn bản trả lời.

Đây không phải là trường hợp cá biệt vì trước đó một đại biểu hội đồng nhân dân cấp phường ở Tây Tựu đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch phường này cung cấp bản vẽ thi công nhà khách đình Đăm vì cử tri có phản ánh có sai phạm trong thi công và quyết toán. Nhưng sau khi viện dẫn Luật tổ chức HĐND và UBND thì vị Chủ tịch UBND phường Tây Tựu lại quên điều 43 mà lại viện dẫn những điều không liên quan khác và cho rằng không có cơ sở để cung cấp tài liệu cho đại biểu. Đại biểu phải chờ đến kỳ họp, chờ chất vấn. Và sau đó cử tri buộc phải tố cáo, phải đợi 90 ngày làm việc rồi gia hạn tiếp 30 ngày làm việc thì mới có được kết luận là: có sai phạm trong quyết toán công trình nhà khách đình Đăm vì chưa thi công xong đã quyết toán xong. Vì không có công khai, minh bạch mà đại biểu và cử tri rồi chính quyền đã phải mất 120 ngày làm việc.Nhưng theo đại biểu HĐND phường này thì đây mới chỉ là 1 phần của sự thật bởi sau khi giải quyết tố cáo thì đại biểu cuối cùng cũng được cung cấp bản vẽ thi công “có dấu hiệu bất thường” của công trình nhà khách đình Đăm. Bất thường của bản vẽ ở chỗ bản vẽ  phô tô gửi cho đại biểu không có dấu thẩm định của phòng chuyên môn cơ quan quản lý  cấp trên cũng như dấu của chủ đầu tư mà chỉ có dấu thẩm định của đơn vị thiết kế thi công công trình. Trong khi đó, mọi bản vẽ đúng tiêu chuẩn từ trước tới nay đều có dấu của UBND xã (chủ đầu tư) và phòng quản lý đô thị huyện. Tuy nhiên sự việc tách huyện Từ Liêm làm hai quận đã làm biến mất 2 con dấu trên nên mới có bản vẽ độc nhất vô nhị như vậy chăng ?

Kính thưa quý đại biểu quốc hội,

Một góc thực tế đang là như trên. Rất nhiều trở lực đang làm công khai, minh bạch trở thành công khai nhưng không minh bạch, công khai tồn tại dưới dạng hình thức... Họ không muốn đưa công khai, minh bạch tới gần dân nhất có thể. Không tận dụng công nghệ để công khai, minh

bạch. Hãy nhìn và các tab thông tin (mời đầu thầu, mua sắm công; Thông tin dự án đang triển khai, sắp triển khai, đã hoàn thành; Thông tin quy hoạch…) là những tập rỗng trên nhiều cổng thông tin sẽ thấy điều đó. Tôi không hiểu tại sao họ - nhiều chủ đầu tư các công trình công không thích có những người giám sát giúp mình trong khi họ không mất thêm lương, tốn ngân sách cho các giám sát viên, thanh tra viên tự nhiên là cử tri, là đại biểu thế nhỉ? Thậm chí họ lại còn tìm các “technique” để che, đỡ cho những cái sai mà cử tri, đại biểu phát hiện ra. Không thể đi ngược xu thế như vậy được. Vì vậy xin hãy cụ thể hơn được chút nào hay chút đó. Xin quý quý vị đại biểu quốc hội hãy đóng góp, xem xét để nói không bớt với luật khung, luật ống. Nếu không cụ thể thì có thể dẫn đến nguy cơ sau khi có luật rồi thì đại biểu và cử tri  vẫn cứ phải  chạy lòng vòng và đứng ngoài cửa ngó vào rồi phải “vật nhau” với thực tế để bẻ câu, bẻ chữ với nhau để “tìm ra cách tiếp cận” với cái cần công khai và minh bạch, như vậy  thì gay go lắm.

Cuối cùng, vẫn xin có một chút riêng tư là mong các vị đại biểu am hiểu về pháp luật chỉ giùm tôi biết với những cơ sở pháp luật hiện hành thì đại biểu HĐND khi yêu cầu có được cung cấp bản vẽ thiết kế thi công hoặc đến trụ sở UBND xem ké bản vẽ thi công các công trình nhóm C, B đang thi công hoặc đã được thi công tại địa bàn của mình không ?

Kính mong nhận được sự hồi đáp sớm của quý đại biểu qua diễn đàn này của báo điện tử Dân Trí.

Thụy Phương, 01 giờ 25 phút sáng ngày 12 tháng 11 năm 2015

Kính thư,

Nguyễn Hữu Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm