(Dân trí) - Thật không thể tin nổi. Cái giá phải trả để biết chữ đắt quá! Các em học sinh đang phải “đánh bạc” với số phận của chính mình hàng ngày. Đồng bào ơi, chúng ta hãy làm gì đi chứ? - Duy Mạnh: godfather.k13@gmail.com khẩn khoản kêu gọi.
Vai trò chính quyền địa phương
Khi những hình ảnh đầu tiên về cảnh vượt sông của học sinh ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình được đăng tải, rất nhiều câu hỏi được đặt ra và trước hết dư luận muốn được nghe câu trả lời từ phía chính quyền địa phương. Đành rằng có thể xã nghèo không có kinh phí để xây dựng một cây cầu cho bà con, nhưng là những cán bộ đứng đầu địa phương, sao họ có thể để tình trạng đó diễn ra đã cả chục năm nay mà vẫn không có tiếng nói hoặc chứng tỏ sự quan tâm theo đúng chức trách của mình?
Lebinhle_binh256@yahoo.com nhấn mạnh: “Tôi còn nhớ đã có cô giáo, học sinh bị nước cuốn trôi... Mong sao trước mắt, các ngành chức năng hãy dành những khoản tiền hiện có vào những việc cần làm thiết thực hơn. Các em đã và đang đối mặt với hiểm nguy rình rập khi phải bơi vượt sông đi học hàng ngày. Chúng ta hình như vẫn đang thiếu sự đồng cảm, sự quan tâm tới những gì hết sức cấp thiết của xã hội... Mà ở đây cụ thể nhất hình ảnh các cháu học sinh, nam nữ bơi vượt sông ngày hai lần để tới trường...”
Manhtuanvanthu6868@yahoo.com.vn chất vấn: “Một cây cầu qua sông cho người dân ở nơi đây có mất nhiều kinh phí quá không mà địa phương không đầu tư được, để người dân khổ cực như thế? Các vị giới chức có ai có con em đi học theo kiểu này không? Quá xót xa, tính mạng của các em sao mong manh thế. Hãy quan tâm nhiều hơn và kịp thời hơn đến cuộc sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn như thế này”
Học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc, bản Hưng, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, bơi qua dòng sông chảy xiết đến trường
“Không thể tin được là tình trạng này đã xảy ra cả chục năm nay. Khâm phục các em bao nhiêu thì lại bực mình trước sự dửng dưng thiếu trách nhiệm của các cơ quan từ xã, đến huyện, đến tỉnh bấy nhiêu. Họ quan tâm đến người dân như thế này sao? Thật đau lòng!” -Hoàng Minh Tuấncowboyls80@yahoo.com phản ứng.
“Nhìn cảnh này tôi không thể ghìm được nước mắt. Nơi thì bao nhiêu công trình vui chơi thi nhau mọc lên, chỗ thì nghèo đến mức cả tính mạng con người cũng chẳng dám chắc chỉ vì thiếu kinh phí. Các ban ngành liên quan không nên chần chừ nữa, mà phải hành động ngay để khắc phục khó khăn này cho người dân địa phương” - linh tuyên quanglinhkiendai@gmail.com chạnh lòng.
“Người dân ở đây khổ cực quá, tại sao chính sách phát triển nông thôn mà lại không quan tâm đến vấn đề này mấy vậy? Các công trình có dự án hàng trăm tỷ đồng cứ lần lượt được phê duyệt, mà tại sao con cầu bắc qua sông để giúp người dân và các em đi học lại để đó. Nếu các bác, các chú giới chức nào xem được clip này thì xin hãy có đề xuất để cây cầu sớm đến được với các em, các thầy cô và dân làng” - thanh thiênlethanhlytb@yahoo.com
“Quảng Bình không đủ tiền để xây một cây cầu cho con em người dân nơi nay đến trường sao?... Thật không thể nào hiểu nổi!” - Ngô Thị Duyên ngoduyenc3k32@gmail.com day dứt.
"HÃY CỨU LẤY CÁC EM KHI CÒN CHƯA MUỘN! Là một giáo viên vùng cao, tôi thực sự thấy choáng. Tại sao địa phương và các cấp lại để chuyện này xảy ra trong suốt 10 năm trời? Đau xót quá. Mong các cấp, các nhà hảo tâm hãy ra tay giúp sức để mùa lũ sau các em không còn phải bơi như vậy để đến trường nữa..." - Phạm Thế Cường phamthecuong1978@gmail.com bày tỏ...
Cây cầu hoặc giải pháp tình thế
Trong khi chờ đợi để có được một cây cầu, bạn đọc cũng đã đề xuất một số phương án "tình thế" với chính quyền địa phương cùng các ban ngành liên quan. Theo phân tích của Phươngjohnnybravo1129@yahoo.com thì:
“1/ Nên di dời bản này đến một khu vực khác gần trường học và khu dân cư, hơn là xây cầu cho người dân. Huyện Minh Hóa từ lâu đã được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Bình, vào mùa lũ nước lên nhanh và rút nhanh thông qua các hệ thống hang động ngầm ở đây nên tạo dòng chảy mạnh, xiết. Nếu xây dựng cầu ở đây thì chỉ đáp ứng yếu tố nhân văn, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội vì người dân vẫn sống chủ yếu bám vào rừng, không trao đổi kinh tế nhiều với bên ngoài. Đồng thời nguy cơ mất cầu do dòng chảy mạnh cũng phải tính đến.
Cây cầu nhân ái bắc qua sông Pô Kô đã trở thành hiện thực hôm 15/11/2010
2/ Qua clip tôi thấy các em nhỏ ở đây bơi lội rất giỏi, ngay cả trong dòng nước xiết. Đây là một điểm rất đáng quý, vì vậy có lẽ sau này các ngành như hải quân nên tuyển các em vào lực lượng. Làm vậy cũng là để có thể giúp các em thay đổi cuộc sống của chính các em và làng bản quê hương”.
Nick Người đưa tin James451@live.com đề xuất: "Thấy thương quá. Nhìn những thân hình bé nhỏ trôi nổi lao theo dòng nước cuốn xiết mà thấy đau lòng. Cuộc sống của nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn quá khó khăn... Nếu chưa đủ kinh phí làm cầu thì UBND huyện có thể lên kế hoạch lắp một tuyến dây thừng vững chắc nối từ điểm phía bên này qua bên kia sông. Khi các em vượt sông có thể bám vào đấy men từ từ. Như thế còn an toàn hơn rất nhiều là lao ùm xuống nước rồi mặc cho dòng nước xoáy đưa đẩy... Mong sao các cấp, các ngành sớm có biện pháp hỗ trợ nhân dân những vùng khó khăn như vậy..."
Trần Hải luckystar.co@fpt.vn: Xem xong cảnh các em vượt sông đến trường, tôi đề nghị UB Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội có ý kiến. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Bình cũng nên sát sao với những dự án "không đủ kinh phí" trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là những dự án dành cho những đối tượng là người nghèo được hưởng lợi....
Chu Thơ chuthosd@gmail.com: "Xem xong phóng sự mà rớt nước mắt thương các em nhỏ. Lãnh đạo địa phương cần nhanh chóng có phương án giải quyết để không có cảnh các em bị đuối nước thương tâm, trước khi có biện pháp lâu dài là có một chiếc cầu dành cho các em".
Đỗ Đình Hôn Hondd_dl@mic.vn: "Tôi thật sự thương cho các em khi phải đến trường như vậy. Tôi đề nghị mỗi người chúng ta sau khi xem phóng sự này, hãy đóng góp một ngày lương để chính quyền địa phương có kinh phí xây cầu cho các em và mọi cư dân trong vùng không còn phải bơi lội qua sông nữa. Nên có tài khoản để nhân dân chuyển tiền về..."
Liên hệ với hình ảnh hân hoan của người dân trong ngày khánh thành những cây cầu như ở Poko trước đó chưa lâu, Chí Công chicong888@yahoo.com cùng nhiều bạn đọc có chung mong muốn các cơ quan báo chí như Dân trí nên lập quỹ kêu gọi người dân cùng chung tay giúp bà con xã Minh Hóa khắc phục khó khăn này:
“Nhìn các em vượt con sông nước cuồn cuộn chảy như những chiếc lá trôi sao mà đắng miệng, xót lòng quá. Còn nhớ cây cầu Dân trí Poko chỉ hơn 1,4 tỉ đã giúp người dân và các em hoc sinh rất phấn khởi, ghi lòng tạc dạ mọi người dân cả nước góp sức... Hi vọng một ngày không xa chúng ta tiếp tục lại được chứng kiến những cảnh hạnh phúc này”.
Nguyễn Việt Hưng viethung2601@gmail.com nhất trí: "Dân trí mở tài khoản để mọi người ủng hộ xây cầu đi!"
Trinh Ngoc Ha trinhngocha304@gmail.com: "Xem qua phóng sự này mà thấy thật xót xa. Thương cho các em thơ quá, con đường tìm đến cái chữ của các em quá gian nan, vất vả và hiểm nguy... Tôi tin rằng qua những hình ảnh này không chỉ tôi mà rất nhiều người dân trên mọi miền tổ quốc, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp sẵn sàng quyên góp, ủng hộ để người dân nơi đây có được cây cầu, các em có được con đường tới trường tìm cái chữ bớt gian nan hơn. Tôi mong rằng Dân trí sẽ sớm lập quỹ ủng hộ để xây cây cầu này. Gia đình tôi chắc chắn sẽ đóng góp, tôi cũng sẽ vận động thêm đồng nghiệp ở công ty cùng quyên góp. Mong cho người dân và các em sớm có được cây cầu!"
Phạm ngọc Châu Phamngocchau@yahoo.com.vn: "Tôi xem băng ghi hình các cháu vượt sông đi học, thấy nguy hiểm quá, giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc mà các cháu vẫn tìm đến cái chữ. Năm nào tôi cũng thấy báo chí và các phương tiện truyền thông đưa tin các cháu đi học qua sông và có cả những vụ học sinh đuối nước... Nhưng xem băng các cháu bơi qua sông trong dòng nước chảy xiết thế này có lẽ ai cũng lo ngại...Mong sao các cơ quan chức năng cùng với quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo cùng với sự đóng góp của người dân xây cho các cháu cây cầu để các cháu đi học. Hoặc tìm cách khác đưa các cháu qua sông đi học cho an toàn, đừng cho các chau bơi như thế nữa, nguy hiểm lắm".
Pơlang quoccuong074@yahoo.com: "Đây là một chuyện rất được quan tâm. Nếu như tỉnh, huyện không làm được cho các cháu một cây cầu thì đề nghị báo Dân trí đứng ra quyên góp làm cho các cháu vậy. Không biết bao nhiêu tiền chính phủ hỗ trợ cho các xã 135, 30a huyện chi vào những việc gì?
Dhungnguyendanhhung2712@yahoo.com: "Xem xong mà sao nước mắt mình cứ tự nhiên như muốn trào ra. Mình nghĩ đến bố mình cách đây 50 năm đi học có mỗi bộ quần áo, đi bộ 15 km, bị ngã bẩn bị ướt mưa phải bỏ về mà thương xót cho các em ngày nào cũng phải "bơi" trong nguy hiểm. Nhìn các em ham học đứng bên sông, các thầy bên kia sông ngăn không cho các em qua sông mà càng đau lòng hơn. Mong sao sẽ sớm có 1 chiếc cầu Dân trí cho các em qua sông. Mình và các các bạn bè sẽ ủng hộ chiếc cầu này".
Dinhlygiangnam2000@yahoo.com: “Quỹ nhân ái của báo Dân trí có thể đứng ra kêu gọi toàn dân đóng góp xây cầu như chúng ta đã từng làm khi xây cầu Poko ở Kon Tum không? Tôi tin chắc rằng toàn dân sẽ ủng hộ việc làm này”.