Bạn đọc viết:

Dũng cảm từ bỏ... đề án gây "sốc"

(Dân trí) - Mấy ngày nay cái đề án “Thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3” của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP HCM, nói theo ngôn ngữ ngành Y là đang gây “sốc phản vệ” đối với dư luận!?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Điểm qua các báo từ bài viết đến bình luận của độc giả, tìm không ra một ý kiến tán thành. Hầu hết đều phản đối, phản đối một cách kịch liệt trước một đề án mà những người đang cố bảo vệ nó để thực hiện cho bằng được xem ra vẫn bất chấp… nhiều thứ?

 

Giữa thời đại thông tin số, quyền giám sát của người dân được mở rộng. Người dân cần được biết và bày tỏ ý kiến phản biện của mình về những vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng, quốc gia. Không ai có quyền và tự cho mình quyền đứng trên dư luận để muốn làm gì thì làm. Chính vì thế mà trong thời gian qua, dư luận và báo chí đã đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp chính quyền có những quyết sách đúng đắn trước những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

 

Với cái đề án của Sở GDĐT TPHCM, dư luận lại nghi ngờ vì thấy có… “mùi tiền”? Một đề án lập ra mà bị cái “mùi tiền” chi phối thì làm sao có thể đảm bảo tính khoa học? Cứ tưởng tượng cảnh những cô cậu học trò đang ở lứa tuổi lên sáu lên bảy, suốt ngày chúi mắt chúi mũi vào thế giới ảo trên cái máy tính bảng thì liệu còn không cái nguyên lí mà Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã đề ra: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”?

 

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào giáo dục là điều cần thiết để phát triển, nhưng không phải làm theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Máy tính bảng nếu được đưa vào trường học thì cũng chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ dạy học mà thôi, quyết không thể thay thế tất cả. Huống chi việc sử dụng nó thường xuyên sẽ tác động xấu tới sức khỏe và sự phát triển trí não của trẻ ở độ tuổi tiểu học.

 

Về kinh tế, gánh nặng đề án, nếu được triển khai sẽ đè lên vai hàng vạn vạn người dân là những phụ huynh có con em đang theo học lớp 1,2,3 từ năm học này về sau. Bởi máy tính bảng không đơn giản để thay thế như một cuốn sách hay một cây bút bị hỏng hóc,  mất mát.

 

Ai mà lường hết được những hệ lụy xã hội từ cái đề án này đối với các thế hệ học trò và người dân thành phố?

 

Sở GDĐT TP HCM hãy dũng cảm từ bỏ một đề án có nguy cơ gây lãng phí tiền dân mà hiệu quả chưa tính được. Tôi tin là dư luận sẽ đồng tình và hoan nghênh các vị lắm lắm!

 

Nguyễn Duy Xuân