Bạn đọc viết:

4.000 tỉ đồng "số hóa" sách giáo khoa: Coi chừng nguy cơ... đắp chiếu!

(Dân trí) - Lại tiền, lại cần dụng cụ thiết bị. Chuyên này làm một số người nghĩ tới những trường hợp các thiết bị mua về "đắp chiếu" vì thiếu người biết sử dụng, vì thiếu phương tiện để tu sửa khi cần ...

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Cải tổ giáo dục là cần thiết, nhưng phải cải tổ có hệ thống và có chương trình. Lại phải tối ưu hóa các ràng buộc – đây là một khái niệm về Toán, có thể ta còn cần phải nhờ Viện Toán học vào cuộc khi ta đã có chương trình cải tổ và các phương tiện hiện có, hay dự trù để tính chuyện tuần tự cải tổ một cách khoa học.

 

Ở đây chỉ xin nói một cách nôm na: nước ta còn nghèo, cải tổ cả hệ thống giáo dục cần rất nhiều phương tiện. Phải làm sao có hiệu quả nhất mà ít tốn tiền nhất.

 

Xin nói trước tiên: Bỉ chưa số hóa giáo dục Tiểu học và một nghiên cứu gần đây của UNICEF cho biết Bỉ đứng thứ nhì về giáo dục Tiểu học cho trẻ (*).

 

Đành rằng ta phải đi tắt đón đầu. Nhưng xin đừng vội đi tắt đến nỗi quên cái khả năng “lọt vào ngõ cụt!”

 

Nói một cách tích cực thì còn nhiều chuyện phải làm để cải tổ toàn diện giáo dục Tiểu học, như:

 

+ Làm sao cho tất cả mọi trẻ được đến trường, chẳng những từ lớp một mà hay nhất là từ nhà trẻ. Đầu tư cho mầm non là đầu tư có lợi nhất vì giáo dục càng sớm thì hiệu quả càng cao. Giáo dục mầm non còn là xã hội hóa các em, dạy chúng học cách làm công dân trong nước.

 

+ Làm sao có đủ giáo viên - những giáo viên có trình độ cập nhật nhất so với những tiến triển về sư phạm và những hiểu biết hiện tại về khoa tâm lý nhi đồng.

 

+ Xem lại hệ thống lương bổng của giáo viên. Ta cần những giáo viên tận tụy với nghề, nhưng nếu đồng lương không đủ sống thì muốn giáo viên tận tụy với nghề sẽ là một đòi hỏi quá đáng.

 

+ Khẩn trương nghiên cứu để cải tổ chương trình học và sau đó tiến tới chỉ sử dụng những sách giáo khoa thích hợp.

 

+ Nhưng để có một chương trình hoàn chỉnh, điều kiện cần trước tiên là ta phải làm gì ở trình độ Tiểu học với lứa tuổi các cháu? Tức là vấn đề triết lý giáo dục.

 

Khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn có thể cần được bổ túc - không loại bỏ, chỉ bổ túc thôi – cải tổ không có nghĩa là xóa hết quá khứ để bắt đầu từ số không – mà là làm sao để có thể giúp các cháu học để biết, để làm, để hạnh phúc và để sống với người khác.

 

Tóm lại ta sẽ không làm khác xa với tuyên ngôn của UNESCO.

 

Nhưng cho tới tận bây giờ, giáo dục ở nước ta, không chỉ giáo dục Tiểu học, có vẻ chỉ đặt nặng mục tiêu “học để biết”?

 

Với triết lý này, cần những thầy cô dạy trẻ, những nhà sư phạm toàn diện chứ không chỉ là người truyền kiến thức. Cần cho trẻ có được một số mẫu mực, giúp trẻ khai triển khả năng và sự sáng tạo của cá nhân, có tinh thần tương thân tương ái với bạn bè và sau đó dùng tri thức để sống ở đời.

 

Triết lý này cũng cần sự góp tay của toàn xã hội mà thực tiễn nhất là sự đồng hành của gia đình. Dạy trẻ cũng ngầm ý ... “dạy” cha mẹ chúng, tức là làm sao để cha mẹ nhập cuộc với trường học trong đường hướng giáo dục. Cụ thể ít nhất là nhà trường cần “làm việc” mỗi năm vài ba lần với phụ huynh của học trò (lúc đầu niên học, sau mỗi đợt tổng kết hay gửi phiếu điểm...)

 

4.000 tỉ đồng là một số tiền lớn, có thể đủ cho ta làm nhiều việc khả dĩ mang kết quả vĩ mô cho ít nhất là vài năm.

 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)

 

(*) Adamson, Peter, Child Well-being in Rich Countries: A comparative overview. 

Innocenti Report Card 11 UNICEF, 2013. 

Hay một bài bài tiếng Việt có thể đọc được ở đây: http://hocthenao.vn/2013/06/24/tre-o-dau-song-tot-nhat-nguyen-huynh-mai/