Đông đảo bạn đọc chia sẻ nỗi niềm bất an

(Dân trí) - “Bài viết rất hay! Cảm ơn TS. Đinh Thế Hưng! Đúng là quá lo sợ bất an! Nghĩ mà thấy lạnh cả người. Nói thật bây giờ trong đầu tôi thấy rất quý trọng từng giây phút mình hiện tại được sống vì chẳng biết lúc sau sẽ thế nào?”

 
 Đông đảo bạn đọc chia sẻ nỗi niềm bất an - 1

Ổi được "phù phép" thành đào tiên nhờ hóa chất độc hại
(Ảnh minh họa: internet)

 

Bạn đọc Nguyễn Quân chia sẻ: "Mỗi lần tôi đi chợ là lại lo mua phải thực phẩm ướp chất hóa học, suốt ngày lên mạng tìm cách phân biệt thực phẩm, nhưng mà mình có nhìn thấy lúc họ nuôi, họ giết mổ ra sao đâu, mắt nhìn thì cũng chỉ biết nhìn xem màu nó có bất thường không thôi, nhưng mà nó ướp mấy cái chất hóa học rồi thì màu nó lại bình thường, thậm chí còn rất tươi ngon, vậy nên mình cũng chịu, chỉ biết hy vọng rằng thịt thiu thối đã bị các cơ quan chức năng thu hủy hết rồi. Nghĩ mà thấy lạnh cả người.

 Mỗi sáng dắt xe ra chẳng biết mình đề xe lên có nổ không nhỉ? Không biết xăng mình đổ có phải là xăng rởm không? Cũng chỉ biết cây xăng nào có ghi "công ty xăng dầu khu vực III" thì đổ còn các cây xăng khác nhất định không đổ, hy vọng công ty xăng dầu khu vực III không có xăng rởm! Hôm vừa rồi hết ga đi đổi ga thì bảo chú bán ga là chú ơi chọn cho cháu cái bình không nổ nhé! Trêu chú ấy thế thôi chứ mình chịu không có kiến thức chuyên môn chỉ biết nhìn nó còn mới hay cũ chứ an toàn không thì lại phải nhờ các cơ quan chức năng xem giúp! Thôi thì hy vọng cửa hàng ga mình đổi có chú cửa hàng tốt bụng không chế ga rởm vào!

Buổi sáng cách đây mấy ngày bắt đầu đi làm trên con đường quen thuộc, đang đi tự nhiên phanh gấp may mà mình có độ cảnh giác cao. Các chú nhà bên đêm qua  đào hố thoát nước ngang qua đường, tuy đã lấp lại nhưng vẫn còn để lởm chởm những gạch với đất, may có sẵn tính cẩn thận nên đi không nhanh nếu không thì... Và còn rất nhiều những hoàn cảnh éo le mà báo Dân trí cũng như nhiều báo nữa đưa tin khiến mỗi chúng ta đọc xong không ai không day dứt! Ôi nghĩ mà thấy buồn! Mình biết xã hội nào cũng có những mặt ưu và mặt nhược, có những bất công và con sâu bỏ rầu nồi canh. Nhưng chỉ sợ rau thì ít mà sâu thì nhiều! Tôi cũng như tất cả những người "dân đen" mong sao đất nước mình có được những người lãnh đạo biết vì dân! Biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân! Nói học theo tấm gương của Bác Hồ thì rất rất khó; nói các vị có chức có quyền đừng tham nhũng nữa quả là điều không tưởng với cơ chế như bây giờ! Ai thì cũng thế thôi làm nhà nước lương thì ít nếu như không có các khoản thu nhập khác thì làm sao sống? Lòng tham con người cộng với lương không đủ sống và …cộng với cơ chế quản lý lỏng lẻo sao tránh khỏi tham ô! Có lẽ để đẩy lùi nạn tham ô thì cách duy nhất là lương phải đúng với năng lực, và tài sản phải được công khai, không tiêu tiền mặt mà phải chi tiêu bằng chuyển khoản, nhưng chẳng biết đến bao giờ Việt Nam mới làm được điều đó đây? Cuối cùng thì: Chỉ "dân đen" là khổ, chỉ người người nghèo là thiệt! Thôi thì chúng ta cùng trông chờ vào tương lai!

 

Bạn đọc Vũ Như Cần:

           "Bài viết thật hay. Đúng vậy, xã hội đang có nhiều bức bối. Nếu không may một chiếc xe máy phát cháy trong hầm chứa giữ xe, hay bãi trông giữ nhiều xe thì hậu họa khôn lường, các bình xăng nóng cháy nổ thành bom. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở nước ta hầu như không tổ chức cơ quan hoặc cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về những vụ việc đáng tiếc xảy ra gây kinh hoàng và thiệt hại cho người dân, cho nên chẳng ai lo cho dân. Đâu đó chỉ thấy mừng thắng lợi, tuyên dương thành tích hay nhận huân chương này nọ mà thôi. Thật buồn cười ngành GTVT bê bối như vậy mà vẫn đầy huân chương trong kỳ tổng kết vừa qua!"

 

Bạn đọc Trần Văn Huy:

"Kêu than làm gì nhiều, xã hội con người là vậy mà. Cuộc sống càng hiện đại, thì chữ “con” càng lớn lên và chữ “người” càng bé đi cho nên mới dẫn đến nông nỗi này! Thôi thì thân ai người ấy lo, cán bộ thì tham ô tham nhũng, đâu đâu cũng thấy “văn hóa ăn chia”, làm việc gì cũng phải có hoa hồng. Còn dân buôn bán, chỉ vì cái lợi nhỏ sẵn sàng bất chấp tất cả, bởi vì xưa nay có câu "Buôn gian, bán lận", thế nên cứ có lợi là làm. Còn người nông dân, tưởng là chân chất, nhưng vì cái lợi nhỏ cũng ném cái chân chất đi để chạy theo thị trường. Lúa trồng sâu bệnh nhiều, phun thật nhiều thuốc sâu, rau vừa trồng phun thật nhiều thuốc kích thích để nhanh có thu hoạch. Tất cả đạo lý làm ăn bùng nhùng trong mớ bòng bong. Rốt cục mọi thứ tệ hại chỉ vì chạy theo đồng "Tiền". Vì tiền người ta có thể làm tất cả. Chữ "Tình" bị đi vào quên lãng, không biết đến bao giờ mới thức tỉnh trong mỗi con người. Chắc phải đến khi, bênh tật bao trùm, tuổi thọ của con người tính theo ngày may ra mới ngộ ra, lúc đó thì quá muộn rồi. Gieo nhân nào, hái quả nấy....."

 

Bạn đọc Ngô Thị Thu Thủy:

"Không còn biết kêu ai, dựa vào ai. Tôi rất đồng ý với tác giả bài viết " Không để người dân sống trong tình trạng bất an". Bản thân tôi cũng cảm thấy bất an, sống trong xã hội hiện đại văn minh hơn, vật chất sung túc hơn vậy mà chất lượng cuộc sống thì tỷ lệ nghịch. Ra đường thì bui bặm đông đúc, mất an toàn giao thông. Ăn uống thì ngộ độc gây ảnh hưởng lâu dài. Xã hội thì loạn, cướp bóc, chém giết vì những lý do lãng xẹt tưởng chừng như không thể xảy ra, Càng ngày càng nhiều vụ chống lại người thi hành công vụ (công an). Đến công an còn không tự bảo vệ được mình thì còn bảo vê được ai. Đạo đức xuống cấp, tham nhũng, bồ bịch......ở tầng lớp “đầy tớ của dân” trở nên phổ biến. Đáng sợ là tất cả những điều đó, những điều tưởng như không bình thường giờ đây lại đang trở thành những điều hết sức bình thường. Biết trông đợi và kỳ vọng vào ai đây ?"

 

Bạn đọc Nguyễn Minh Hải:

"Cám ơn bài viết đã đăng trên Diễn đàn Dân trí. Tôi còn thấy nhiều bất an hơn: - Xài điện+nước+ô tô+ xe máy....đều sợ tăng giá. Sợ đồng tiền ngày càng mất giá vì lạm phát, sợ thị trường bong bóng bất động sản sẽ nổ tung gây nên nhiều hậu họa. Sợ mất tiền nếu gửi vào ngân hàng, đang có  những bất trắc tiềm ẩn.  Đầu tư chứng khoán sợ tiền mất tật mang giống như đánh bạc . Sợ học đại học ra không tìm được việc làm. Sợ mắc bệnh và lờn kháng sinh vì bị BS kê thuốc theo yêu cầu của trình dược viên. Sợ ra đường bị tai nạn bất thường vì đường xá cũng như lưu thông bát nháo (nạn mua bằng lái+ đường xá mới xây chưa xài nhiều đã hư). Sợ đi xe máy, ô tô không biết bùng cháy lúc nào. Sợ kinh doanh vì cạnh tranh không công bằng. Sợ bệnh do môi trường bị nhiều loại chất thải vào nguồn nước và không khí ... Mong các nhà lãnh đạo quản lý nâng cao ý thức trách nhiệm và làm trọn phận sự đối với người dân, cố gắng  hạn chế tham nhũng và lãng phí, chọn đúng người có tài có đức ra gánh vác việc nước việc dân để dân chúng được nhờ."

 

Bạn đọc Phạm Linh:

"Tôi tự nhẩm tính: 5 nghìn VND mua được 1 đôi tất, 12 nghìn VND mua được 1 chiếc mũ len, 28 nghìn VND mua được 1 đôi ủng, 95 nghìn VND mua được 1 chiếc áo 3 lớp ấm áp cho 1 trẻ em miền núi để các em khỏi phải chân đất tới trường, cho khỏi phong phanh 1-2 lớp áo vừa rách vừa ẩm ướt đụp lên nhau trong cái giá lạnh 1-3 độ C.

 Trong khi đang có nhiều nhà hảo tâm tình nguyện đóng góp ít nhiều dù bản thân cuộc sống của họ chẳng thể gọi là khấm khá; trong khi biết bao người chả phải họ hàng thân thích cũng đi kì kèo xin giảm giá từng đồng để mua đồ từ thiện giúp các con; trong khi chỉ cần 1kg thịt đã là 1 bữa ăn tươi xa xỉ cho các học sinh của cả 1 trường tiểu học vùng cao thì việc chi tốn kém cho 29 điểm bắn pháo hoa của Hà Nội trong dịp Tết này quả là sự lãng phí lớn!

 Giá mà số tiền đó được ủng hộ cho chương trình "Cơm có thịt" hoặc phủ áo ấm cho trẻ em vùng núi thì tốt biết bao. Được như vậy, nước mắt của các nhà hảo tâm sẽ bớt tuôn sau mỗi chuyến đi thị sát tìm điểm hỗ trợ."

 

Bạn đọc Nguyễn Minh:

"Bài viết thật hay,nó phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện tại và sự bất lực của không ít quan chức nhà nước. Xin cảm ơn tác giả đã nói hộ người dân những điều muốn nói tới những người có trách nhiệm. Biết đến bao giờ thì dân Việt Nam mới được sống yên bình, có các vị lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như nước Nhật. Tôi cũng cảm thấy quá chán với cách làm việc cửa quyền của các vị '' vua'' này lắm rồi,tình trạng này còn kéo

dài thì VN không biết sẽ đi tới đâu nữa. "

 

Bạn đọc Nguyễn Vu:

"Bài viết rất hay và sâu sắc.Tết này xin các vị lãnh đạo khỏi cần tốn tiền  bắn pháo bông làm gì, lấy số tiền đó lo cho dân có một cái tết ấm no, sum vầy bên gia đình. Không ngắm pháo bông cũng không chết ai, mà những chuyện như cháy xe máy, ô tô, thực phẩm rởm, ngộ độc thức ăn.... mới làm cho người dân chết đó các nhà lãnh đạo ah. Sắp đến tết rồi, mong các bác lãnh đạo nghĩ đến dân và thương người dân nghèo với!"

 

 

Bạn đọc Nguyễn Thụy:

"Cảm ơn TS. Đinh Thế Hưng ! Chú đã nói ra những bức xúc bấy lâu của nhân dân, hơn thế cháu cũng cảm nhận được sự bê bối,thiếu trách nhiệm cũng như khả năng giải quyết vấn đề xã hội chung của các cấp quản lý có liên quan.Thiết nghĩ Việt Nam mình cần phải mạnh tay hơn nữa trước tình trạng làm ăn gian trá,bất hợp pháp,trục lợi coi thường tính mạng cũng như sức khỏe người tiêu dùng của các cơ sở sản xuất hàng hóa.Mặc dù nó chỉ là phần nhỏ trong xã hội nhưng điều này đặc biệt quan trọng trong dịp Tết đến xuân về này.Qua đây cháu cũng mong sau bài viết này các cơ quan chức năng cũng có những hành động cụ thể , mang tính thiết thực hơn nữa, đê cho nhân dân tin tưởng vào Đảng vào Chính Quyền, cho tầng lớp sinh viên chúng cháu có thêm động lực học tập để xây dựng Việt Nam GIÀU và MẠNH hơn."

 

Bạn đọc Hoàng Văn Hoành:

"Bài viết rất hay , cảm ơn tác giả đã nói nên nhưng suy nghĩ mà những người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi không biết nói với ai ? Các chủ chương , chính sách của nhà nước người dân chúng tôi đều thực hiện đây đủ nhưng   người dân hàng ngày phải đối mặt với những mối đe dọa thì không thấy ông "đầy tớ của nhân dân " nào đứng ra bảo vệ quyền lợi mà chỉ thấy các ông kêu phải là “người tiêu dùng thông thái” hay hãy tự bảo vệ mình .Như vậy thử hỏi các ông sống bằng tiền đóng thuế của nhân dân có xứng đáng không ? Những việc gì không giải quyết được thì lại đổ đầu người dân; nào là ách tắc giao thông nảy sinh thu thêm phí lưu thong bảo là làm theo các nước phát triển Mỹ , Singgapo , Úc ... vv nhưng thử hỏi các ông có ngồi coi lại xem mình đã làm được gì hay cũng chỉ ngồi đó vẽ ra những chủ chương rồi lại bắt dân nai lưng ra đóng góp mà không ai để ý tới quyền lợi của người dân. "

 

 Đông đảo bạn đọc chia sẻ nỗi niềm bất an - 2

                            Lớp học vùng cao (nguồn ảnh: internet)      

 

Bạn đọc Văn Thành:

 

"Tôi ủng hộ ý kiến không bắn phao hoa trong dịp tết này, trong khi xã hội bất an, bà con lao động nghèo kiếm từng đồng lo cho cuộc sống. thiết nghĩ với hàng chục tỉ đồng đem đốt ở nhiều thành phố lớn vào đêm giao thừa có thể lo cho nhiều xã nghèo có cuộc sống tốt hơn và lâu bền hơn mươi phút bắn pháo hoa . Ý kiến này cần được gửi đến các vị lãnh đạo " khả kính"! Mọi ngươi hãy biểu quyết kiến nghị này nhé: CHÚNG TÔI KHÔNG CẦN XEM PHÁO HOA KHI BÀ CON NGHÈO, HỌC SINH MIỀN NÚI ĐANG RÉT!!!"

 

Bạn đọc Tâm Hiếu:

"Tối qua xem thời sự về lớp học trẻ em miền núi trong mùa lạnh thật xót thương. Tôi thiết nghĩ và kêu gọi nhà nước trong Tết này ngưng bắn pháo hoa thì sẽ xây dựng biết bao nhiêu lớp học cho các em. Thật chênh lệch quá cao giữa thành phố và miền núi. Xã hội ta thường nêu câu: Công Bằng, Dân Chủ và Văn Minh mà. Xin quý đài, báo cùng lên tiếng để sưởi ấm trẻ em miền núi và vùng cao."

 

Bạn đọc Tiến Dũng:

"Ra đường hít khói bụi, chịu tắc đường, có thể bị xe tông chết bất cứ lúc nào; có thể bị đánh đập, bị cướp giật bất cứ lúc nào. Vào bệnh viện bị vòi vĩnh, bị hắt hủi, khinh rẻ nếu nghèo, có thể chết oan vì cảm cúm nhức đầu. Đến cửa quan bị hạch sách, nhũng nhiễu. Ra chợ bị lừa mua thức ăn thiu thối, độc hại, bị cân thiếu, cân điêu, bị chửi rủa nếu mặc cả. Rời con cái ra nửa bước là sợ chúng bị xâm hại, sa vào ma túy, hút hít. Đêm ngủ lo ngay ngáy trộm rình ngoài cửa hay đột nhập vào nhà. Con cái đi học phải đóng đủ các loại phí, học quần quật mà chả biết học để làm gì, học xong cũng chả biết làm gì để sống. Lương chả đủ nuôi thân, nuôi con, giá cả tăng vèo vèo hoa mắt. Đồng tiền xương máu làm ra đã ít ỏi thì chớ, lại mua phải toàn mặt hàng dịch vụ chất lượng thấp, giá cắt cổ. Còn nhiều nỗi niềm lắm, làm kiếp người dân bình thường sao khó quá."

 

Bạn đọc Lê Thanh:

"Cảm ơn tác giả, bài viết nói đúng tâm tư tình cảm của phần lớn người dân, tôi cũng chẳng hiểu sao : Người dân đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan công quyền với người dân thì sao ? Để làm một thủ tục gì đấy cứ như là đi xin, bị gây đủ khó dễ  nếu không có phong bì . Tất cả các lính vực đều " xã hội hóa" hay " nhà nước và nhân dân cùng làm" thật nực cười, dân nghèo bị thu đủ các loại phí và quỹ: phí an ninh. phí môi trường, phí giao thông ... nhưng mất trộm thì chẳng thể kêu ai , mắc bênh vì môi trường ô nhiễm thì đành chịu có ai đền bù cho đâu . Mà chẳng nước nào " đầy tớ" sướng như ở nước ta : dân thì nghèo nhưng " “Đầy tớ" thì nhà cao , xe đẹp, tài sản bề nổi đã hàng chục tỷ , mà họ có thu nhập từ đâu nhỉ ? trong khi lương của chủ tịch huyện mới có từ 5 - 7 triệu , chủ tịch tỉnh mới có khoảng 8 - 11 triệu , nếu không phải tham ô bòn rút từ những đồng tiền xương máu của dân hoặc nhận hối lộ . Thật là buồn cho sự bất công và không minh bạch."

 

Bạn đọc Thăng Nguyên:

"Cám ơn TS. Đinh Thế Hưng về bài viết  đã thay mặt người dân nói lên những vấn đề mà thực sự là BẤT AN ảnh hướng đến đời sống của người dân hiện nay. Là một độc giả thường xuyên của Báo Dân Trí tôi không cần phải bình luận gì thêm vì đã có quá nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến bài viết này, tôi chỉ muốn góp tiếng nói ủng hộ về ý kiến liên quan đến tiết kiệm. Đề nghị các vị lãnh đạo có quyền quyết định hãy nghĩ đến những người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn mà hàng ngày đang vật lộn với cuộc sống. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy năm nay người dân các nơi trên thế giới cũng như ỏ Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề như việc làm, đói nghèo, bệnh tật và an ninh như bài viết trên. Vậy các vị có thấy yên tâm không khi những đứa trẻ ở vùng sâu, xa đang đói rét biết được ở Hà Nội và các thành phố lớn đang đốt hàng tỷ tỷ đồng để có được sự hò reo và tung hô nơi đô thị phồn hoa. HÃY LÀM NHỮNG ĐIỀU THIẾT THỰC VÌ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM HƠN LÀ SỰ HÀO NHOÁNG TRỐNG RỖNG!"

 

LTS Dân trí - Trước thềm năm mới (năm âm lịch cổ truyền), đọc những dòng ý kiến trên đây của nhiều bạn đọc, càng thấy xót xa hơn trước những nỗi niềm trăn trở của người dân về nhiều sự bất an mà hầu như bộ máy công quyền chưa có động thái can thiệp kịp thời và có hiệu quả.

     Nhiều người dân thấy buồn vì những người “Đầy tớ” của dân mà không biết lo những điều dân lo, không biết làm những điều dân cần, lại thích khoa trương lãng phí. Trong lúc dân nghèo còn chưa lo nổi cái tết, trẻ em vùng cao trong những ngày rét hại, còn chưa có nổi tấm áo ấm che thân,  phải lội bộ chân đất đến lớp học tuềnh toàng, không ngăn nổi gió lùa; trong lúc người dân còn lo ngay ngáy về nạn cháy xe máy và nhiều thứ bất an khác… thì lại được nghe chủ trương cấp trên phát ra Hà Nội sẽ bắn pháo hoa đến…29 điểm! Và còn nhiều thành phố khác cũng bắn pháo hoa, tiêu tốn nhiều tỷ đồng trong mươi phút!

   Thử hỏi vị lãnh đạo nào có lương tri và tâm huyết đối với dân với nước, mà không xót xa trước nỗi niềm bất an của người dân và không đồng tình với kiến nghị: Hãy dừng bắn pháo hoa để lo Tết cho dân nghèo, lo cho trẻ em vùng cao có được tấm áo ấm, có được đôi dép để đi đến lớp học được che chắn kín đáo, không còn bị gió lùa trong những ngày đông rét buốt!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm