Bạn đọc viết:
Đôi điều suy ngẫm về nghề giáo xưa và nay !
(Dân trí) - "Một người thầy tồi chỉ biết truyền chân lí cho học trò, còn người thầy giỏi sẽ biết truyền cho học trò cách tìm ra chân lí" - (Lời của một nhà giáo dục lỗi lạc người Nga).
(ảnh minh họa)
Vì thế, thực tế ngày nay nói truyền chữ, dạy người thực ra là một cách nói cho vần, ta vẫn phải đặt việc “dạy lễ” lên hàng đầu trong các trường học. Và để việc dạy Lễ có thể “thẩm thấu” tới học sinh, thầy cô giáo trước hết, phải là một tấm gương sáng về Lễ. Đạo đức phải chuẩn mực, ngôn phong phải sư phạm, tư cách phải minh bạch. Không thể chấp nhận cho người Thầy yêu cầu học sinh lễ phép với mình, khi mình cứ tùy tiện xưng hô “mày-tao, tao-chúng mày”…. với các em, với những đại từ nhân xưng khó nghe và không thể chấp nhận trong môi trường giáo dục như thế. Càng không thể có những người thầy yêu cầu các em giữ vệ sinh chung, hoà nhã, thương yêu với bạn bè bằng cách đưa đến cho các em một hình ảnh trái ngược từ chính những hành vi của bản thân mình. Thầy phải ra thầy, thì trò mới có thể ra trò. Đạo lý này tưởng đơn giản, nhưng bao năm qua, do thiếu hụt giáo viên, và do những lý do khách quan và chủ quan khác, trong khâu tuyển chọn đầu vào ở những trường sư phạm có khi cũng đã bỏ qua điều này.
“Tiên trách kỷ”, để xảy ra những sự cố đau lòng trong ngành giáo dục, để số đông thầy cô giáo phải đối mặt với những sự việc đau lòng, dù chỉ là …rất cá biệt từ đồng nghiệp mình. Vì thế, nên chăng đã đến lúc phải sàng lọc lại và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những ai mà về đạo đức có vấn đề, về chuyên môn không đạt những phẩm chất nhất định của yêu cầu đứng lớp? Thực tế qua 12 năm đứng lớp trên giảng đường đại học, tôi đã chứng kiến bao nhiêu trường hợp trò phản thầy hay trò chơi xấu thầy ngay khi họ được may mắn bước vào nghề giáo, mặc dù họ “được may mắn” do có “những mối quan hệ qua lại của những người có chức có quyền” hay vì nhờ một điều gì đó……và họ chỉ cần lấy một chứng chỉ sư phạm trong vòng 2-3 tháng cũng hiển nhiên trở thành những “giảng viên đại học”.
Hôm nay, họ là những người đồng nghiệp của thầy cô đã từng dạy mình năm xưa và họ tự cho mình cái quyền được thể hiện mà không nhận ra nhân cách đạo đức của mình bị che mờ bởi những cái lợi vô lý của bản thân và sự ích kỷ, nhỏ nhen của mình để có thể dễ dàng tiến thân, đạp đổ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để lấy lòng các lãnh đạo nhằm nắm được một vị trí cho mình để đánh bóng bản thân. Nhân cách bị hoen ố và có tài nhưng không có đức thì sao, lỗi này tại ai? nguyên nhân từ đâu? Biết bao câu hỏi đặt ra trước một số trường hợp đặc biệt này.
Dĩ nhiên, thực tế không ít những em học sinh, sinh viên có được nền giáo dục gia đình chuẩn mực vẫn một lòng tôn kính những người đã dạy dỗ mình. Các em hiểu và thấm nhuần câu nói người xưa “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Chúng ta vẫn được sưởi ấm bởi những tình cảm chân thành mà các em dành tặng khi các em ngộ ra một điều: “không có tiền có thể kiếm được, không có trình độ có thể học hỏi, không có quan hệ có thể tạo lập nhưng không có thầy cô đưa đường dẫn lối, truyền thụ kiến thức thì sẽ không thể làm được gì cả.
Thầy cô sẽ mãi mãi là bóng mát che chở suốt đời của các em vì Thầy cô giáo đã gieo vào tâm hồn các em những hạt mầm, những điều hay lẽ phải và tất cả những điều đẹp đẽ đó sẽ nuôi cho đời những cây trái xanh tươi là những học trò hạnh phúc, những thế hệ được tôi luyện trong cái Đức và cái Tài của đất nước như Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.
Hôm nay, làm người đưa đường dẫn lối, tôi đã nếm đủ cay đắng, ngọt bùi của nghề giáo. Mặc dù, đôi khi chạnh lòng vì cách đối xử thiếu lễ độ của một số em làm nghề giáo như mình nhưng trong thâm tâm của tôi cũng chỉ mong sao các em lớn lên, trưởng thành cả về đạo đức, nhân cách, bản lĩnh và có năng lực thật sự để đạt được những gì mà các em mong muốn cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Qua bài viết này, tôi muốn gởi đến các Thầy cô giáo cũ của tôi, những người đã cho tôi thấy được “Chân Thiện Mỹ” của nghề giáo, bài thơ sau đây với những lời chúc sức khỏe và kính mong Quý Thầy Cô hạnh phúc và mãi mãi là tấm gương sáng, soi đường dẫn lối cho chúng tôi – thế hệ sắp về hưu.
GV Khoa Du lịch, ĐH Huế