Đỗ xe bị xịt sơn, dán giấy: Từ văn hóa tiện đến sự bất cập trong quy hoạch

(Dân trí) - Liên tục các thông tin về việc xe ô tô bị xịt sơn, dán băng dính, quây gạch... đến những tranh cãi ai đúng, ai sai cho thấy việc quy hoạch bãi đỗ xe tại các thành phố lớn luôn là vấn đề nóng hổi.

Hình ảnh những chiếc ô tô bị xịt sơn, dán băng keo, bị rạch xước, thậm chí là xếp gạch quây kín… do đỗ chắn cửa ra vào nhà dân, chắn lối đi lại của khu dân cư hay là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông… trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi thời gian gần đây trên các tờ báo lớn cũng như tại các trang thông tin mạng.

Việc “xử lí” chiếc xe dường như là một cách trút giận và cũng là cách cảnh cáo chủ xe vì hành vi vô ý thức.

 Từ “văn hóa tiện”, vấn đề ý thức…

 Dù không thể ủng hộ hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác, nhưng cũng thật dễ hiểu khi phần đông mọi người lại đồng cảm với cơn giận dữ của những người bỗng dưng bị “nhốt” vì không thể cho xe ra khỏi nhà, hay phải “chôn chân” trong dòng người tắc nghẽn vì kiểu đỗ xe “ngang trái”, “bất cần”.

Không đếm xuể mỗi ngày có bao nhiêu người đỗ xe ngay trước biển cấm trong con đường hẹp để đi ăn sáng, mặc kệ cảnh ùn tắc kéo dài, hàng trăm người đứng chôn chân tại chỗ trong giờ mà ai cũng vội đi làm. Ở các khu chung cư, những người này nghênh ngang đỗ xe chắn hết lối đi của cư dân, đỗ chình ình gần lối lên xuống các tầng hầm khiến xe khác đi qua cực kỳ vất vả, hoặc đỗ lấn sang ô bên cạnh khiến xe khác hết chỗ...

Đỗ xe bị xịt sơn, dán giấy: Từ văn hóa tiện đến sự bất cập trong quy hoạch - 1
Đỗ xe bị xịt sơn, dán giấy: Từ văn hóa tiện đến sự bất cập trong quy hoạch - 2

Những chiếc xe bị trút giận do đỗ chắn cửa nhà.

Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng nguyên nhân chính của các vụ tai nạn là do phần đông người Việt lái xe thiếu ý thức, không có văn hóa đi xe, và thực sự cả văn hóa đỗ xe cũng không có. Bản thân những người này có thể cũng từng tức giận mắng chửi, bức xúc khi trở thành nạn nhân của kiểu đỗ xe vô thức của người khác, nhưng đến lượt mình vẫn làm y như vậy.

“Không ủng hộ những người đỗ xe sai quy định của luật giao thông hay đỗ trước cửa nhà riêng. Tuy nhiên sai sẽ bị xử theo luật giao thông cùng việc nhắc nhở. Lòng đường, vỉa hè là của chung chứ không của riêng ai, xịt sơn hay hủy hoại xe ô tô là vi phạm pháp luật tội hủy hoại tài sản cần được xử lý nghiêm”, là quan điểm của bạn đọc Khanghan.

Với cách nhìn khác, bạn đọc Trần Anh Tú cho rằng: “Người xịt sơn lên xe là vi phạm pháp luật rồi! Còn người đỗ xe không biết có đỗ sai gì không, ngoài vấn đề ý thức mà ý thức thì chưa có luật phạt nếu họ đỗ nơi không có biển cấm đỗ?”.

Bạn đọc Minh Sơn bức xúc: “Ở khu chung cư nhà chúng tôi (Pháp Vân, Hà Nội), bình thường, những người có ô tô đậu xe kín 2 bên đường, thậm chí bịt luôn lối đi, chỉ cốt đậu được xe. Sau đó, dù quãng đường ngắn được phép là đoạn đường tự quản, khu dân cư đã cắm biển cấm đỗ, mục đích có chỗ đi lại cho bà con, thậm chí khu dân cư đã kê ghế đá ra hai bên đường, họ còn cố tình xô đổ ghế đá, làm tất cả những gì có thể làm được để đạt mục đích duy nhất là đậu xe. Đây là vấn đề văn hóa, ý thức chứ quá kém chứ không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì được, có tiền mua xe sao không có tiền gửi xe?”.

Bạn đọc Trịnh Hùng: “Một ngày nọ họ đỗ xe ở cửa nhà bạn và bạn không có đường ra bấy giờ sẽ thấy mình cũng hẹp hòi cho mà xem. Trong luật nói rõ: Không đỗ xe nơi có biển cấm đỗ, nơi đường cong, trên cầu, dưới gầm cầu, nơi dành cho người đi bộ có vạch kẻ đường… và trước cửa nhà khác (tránh làm cản trở đi lại). Hành vi đỗ bừa, đỗ ẩu là thiếu ý thức nghiêm trọng cần phải có cách xử lý thích đáng”.

“Không phải là "phần đông" mà là "đa số". Bạn hãy thử đến trước cổng trường mầm non, tiểu học vào những thời điểm ngay trước buổi học và tan học mà xem... dừng xe ô tô, xe máy rất lộn xộn, lấn luôn cả phần đường lưu thông, cản trở khách qua đường, đây là vấn đề ý thức kém, lộn xộn”, bạn đọc Nguyễn Công Trường gay gắt.

… đến những bất cập về quy hoạch, quản lý

Nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc quy hoạch chỗ đỗ xe cũng như về phí gửi xe tại thành phố lớn được bạn đọc đưa ra “mổ xẻ”:

Bạn đọc Tranthang: “Nếu chủ xe có để lại số điện thoại ghi là XIN HÃY GỌI CHO TÔI thì phải thông cảm vì đỗ xe bây giờ quá khó khăn, chứ cứ đỗ nhờ 1 khoảng thời gian ngắn mà bị xịt sơn hay phá hoại là không chấp nhận được. Xảy ra các vụ việc là do qui hoạch nên dân mới khổ thế. Sang Nhật Bản xem, bình quân 1 gia đình có 2 xe trở lên nhưng họ cứ xây dựng bất kể công trình nào là họ tính đến bãi đậu xe...”

Đồng quan điểm, bạn đọc Bùi Huy Thach: “Xã hội muốn phát triển thì cần phải song hành với bãi đậu xe, nóng không có đầu bài thì muôn thủa vẫn vậy thôi, chứ cứ cấm mà không có chỗ đậu thì họ bất chấp thôi trong khi luật thì chưa rõ ràng cụ thể, chưa nghiêm minh”.

Đỗ xe bị xịt sơn, dán giấy: Từ văn hóa tiện đến sự bất cập trong quy hoạch - 3
Nhiều chủ xe lâm vào cảnh dở khóc, dở cười

 “Ở những đô thị lớn, hiện tại mật độ phương tiện rất đông, nên việc tìm giải pháp chỗ đậu xe là cần thiết. Nếu có thể hãy đầu tư các hầm giữ xe công cộng trong nội thành thành phố hoặc kêu gọi các nhà đầu tư xây hầm gửi xe dưới các công viên, phố đi bộ thì vừa hợp mỹ quan lại không chiếm mặt bằng phía trên lại không ảnh hưởng giao thông”, bạn đọc Tuyen Nguyen đề xuất.

Bạn đọc Lê Hoàng: “Đỗ xe ngay khúc cua, đỗ xe trước cửa nhà người khác, giờ cao điểm dừng xe giữa đường thò tay mua bánh mì, xôi ăn sáng gây ùn ứ tắc nghẽn cả đoạn đường... Hiện tượng này tràn lan đâu cũng có; hậu quả 1 số xe bị bôi sơn, cào xước... tất nhiên cũng không ủng hộ hành động như vậy nhưng chủ xe cần lấy đó làm điều cảnh tỉnh.

Nếu mọi người cùng có ý thức (mà phải được rèn dũa từ nhỏ) và nếu pháp luật nghiêm minh thì sẽ hạn chế các hiện tượng trên./.”

Cho rằng nguyên nhân một phần do phí gửi xe quá cao, bạn đọc Pham Hong Phong: “Vấn đề phí gửi xe thì phải công nhận chả đâu gửi xe đắt như ở các thành phố lớn của mình. Đi từ Nghệ An ra đánh xe vào Bệnh viện Đại học Y khám bệnh đến 9h sáng lấy xe mất 150k. Lên quán xôi ăn bát xôi 46k ra trả tiền đỗ xe 50k. Có lẽ chắc vì thế mà nhiều người xót tiền nên cũng đỗ xe bừa bãi”.

“Câu chuyện nói lên lòng tốt, lòng xấu. Phải xử sự cho đúng đạo lý làm người. Việc đậu đỗ xe là cái cớ để nói lên con người xử sự với nhau sao cho phải đạo làm người trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp trong đời sống xã hội hiện nay. Mỗi người hãy cố nén giận, lòng vị tha, bao dung, thương yêu nhau... thì cả xã hội sẽ đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho mọi người”, bạn đọc Bùi Phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm