Đỗ tốt nghiệp: Không thể chỉ nhìn vào những con số

(Dân trí) - Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 100% hoặc “hao hụt” chút đỉnh cho đúng "chuẩn vàng SJC" chỉ càng khiến thêm nhiều người cùng vào cuộc tiếp tục bàn luận xoay quanh đề tài thi cử, về những gì còn ẩn chứa phía sau những con số "đẹp" như…vàng ròng.

Thừa Thiên - Huế: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất từ trước đến nay (ảnh: Đại Dương)
Thừa Thiên - Huế: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất từ trước đến nay (ảnh: Đại Dương)
 

Dãy số đẹp hư ảo...

 

Người thì thêm một lần nữa băn khoăn không biết nên biểu lộ xúc cảm ra sao, trước dãy số 9 được đưa ra cứ như kiểu bán hàng thời thượng hiện nay, với bí quyết đơn giản không bao giờ làm tròn số để người  mua tưởng đâu vẫn ở ngưỡng dưới chứ chưa tới ngưỡng trên.

 

“Với kết quả này không biết nên vui hay buồn. Chỉ có người thầy đứng lớp mới biết được thực lực của học sinh. Và chỉ có công ty tuyển dụng nhân viên mới biết thực lực của các học sinh đó sau này” – nick Quang Xuong - Thanh Hoa: nguyennam@yahoo.com tâm sự khi biết thông tin kết quả thi đỗ tròn trịa 100% của một số trường ở Thanh Hóa, mà từ đó có thể nhìn rộng ra với hầu khắp các trường trên cả nước.

 

“Chuyện "thi" và "cử" đã trở thành đề tài chuyện phiếm trong các "góc vui vẻ" từ lâu rồi...” - Minh433:  minh433@yahoo.com.vn thêm một lần tìm thấy khía cạnh hài hước qua dãy số 9 có thể biến ảo rất nhanh (tỉ dụ như nếu xoay lộn ngược thì sao nhỉ)…

 

“Thật nực cười với con số tuyệt đối 100%... Cay đắng quá khi thật giả cứ bị lẫn lộn...” - TAT:  tatden@yahoo.com ngược hẳn lại, chẳng thấy có gì đáng để cười vui từ kết quả mà chính các thầy cô, các trò cũng chẳng biết có được mấy người tin tưởng và tự hào này.

 

“Sau 1 vài năm tuyên truyền mạnh về các cố gắng chống căn bệnh thành tích trong giáo dục, thì giờ đây ai cũng thấy nó không chỉ lại quay về mà còn "lợi hại" hơn xưa :) Thật thất vọng quá!!!” – Huy Nguyen: ditimthoigiandamat1987@yahoo.com nhấn mạnh nỗi thất vọng trước sự “lợi hại” của căn bệnh thành tích đã “lớn mạnh” hơn dưới những cái vỏ bọc khác đẹp đẽ hơn.

 

“Tôi không nghĩ ý kiến mình được đăng vì chắc tòa soạn cũng... sợ không dám đưa bình luận của tôi lên? Nhưng những gì tôi viết đều là sự thật, đó là: thật buồn cho nền giáo dục VN vì không dám nhìn vào sự thật, mà "sự thật bao giờ cũng phũ phàng"” – Huang Yuan:  huangyuan99@yahoo.com.vn dù đã mất niềm tin, song vẫn nêu rõ một thực tế. Đó là sự thật dù có phũ phàng đến đâu thì đất nước và nhân dân vẫn cần nó hơn là cứ phải xem một bức tranh đẹp mà… quá “ảo”.

 

“Những con số "ấn tượng" về kết quả thi đạt được của các trường ở Bắc Giang và kể cả trên toàn quốc. Nhưng xin thưa với các vị giới chức của Bộ  GDĐT, thử hỏi các độc giả đọc báo mạng và cả những ông xe ôm đứng ngoài vỉa hè xem có ai còn tin vào những con số … báo cáo đó không?” - Dũng:  dung_psvn@yahoo.com láy lại “độ tin cậy” của những con số trong báo cáo.

 

“… Chán nền giáo dục VN quá! Tôi nói thật nhé, nếu để coi thi chặt thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của nước ta chắc chỉ khoảng 50%. Tôi nhớ thời tôi đi thi cũng vậy. Mình không phải là người giỏi giang cho lắm, nhưng giáo viên coi thi phòng mình còn mang cả bài thi của mình đi cho cả lớp xem. Mình thì thật sự… xấu hổ vô cùng” - Nam Bon:  tqdhbk_nguyen@yahoo.com.vn nhớ lại trải nghiệm cay đắng.

 

“Điều này có ý nghĩa gì sao? Thật là vô ích!” - Doithavotu:  doithatvotu_2006@yahoo.com nêu câu hỏi về ý nghĩa cùng hiệu quả phía sau con số tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn ở mức cao ngất ngưởng đến khó tin những năm qua…

 
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 30 trường đỗ tốt nghiệp 100% (ảnh: Hồng Long) 
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 30 trường đỗ tốt nghiệp 100% (ảnh: Hồng Long) 
 

Vẫn viễn cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”

 

Dẫu tin hay không, dẫu thất vọng hay cay đắng… thì giờ chắc cũng chẳng ai có thể làm thay đổi được những con số rất đáng ngờ đó nữa rồi. Bởi như nhận xét của nhiều độc giả đã nhấn mạnh, rằng đổi mới thực sự nền giáo dục phải làm từ lâu, từ cấp học thấp nhất trở lên chứ bây giờ khi bệnh hình thức, bệnh thành tích… đã ngấm sâu như vậy rồi thì cách khôn ngoan nhất có lẽ chỉ là: đành chấp nhận hoặc coi như không biết mà thôi (Vì bằng chứng đâu? Có vài cái bằng chứng mà thầy hoặc trò nào đó “dại dột” thu thập và tung lên mạng thì đều… tự vi phạm quy chế trước cả đối tượng bị “ghi hình” vi phạm rồi còn gì nữa).

 

Thế nên, có tâm huyết thì cũng chỉ đành lo lắng cho những “hồi sau” mà nhiều người đã có thể dự đoán ra sẽ còn “gay cấn” hơn đến đâu.

 

“Trước tiên tôi xin chúc mừng ngành giáo dục nước nhà đã có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao. Nhưng tỉ lệ này đã cao hơn rất nhiều so với năng lực thực sự của học sinh. Nếu năm nay đỗ cao và thi dễ như thế này, giáo viên ôn tốt nghiệp sẽ rất vất vả cho năm sau đấy. Chán quá!” - Nguyễn Ngọc Hà:  haiphong_sp2@yahoo.com

 

“Xem lại kỳ thi mà thấy... buồn cười, không biết giới chức ngành giáo dục tỉnh Thanh nghĩ gì nữa? Giáo dục Thanh Hóa nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung, bao nhiêu người dân đều đang thấy là quá xuống cấp, chỉ toàn là bệnh thành tích thôi.... Rồi còn chuẩn bị kỳ thi đại học nữa... rồi lại vẫn cảnh "thừa thầy, thiếu thợ" thôi... Giờ này nhiều trường đại học quá, không biết tên nhiều trường luôn... Thi 3 môn 9 điểm mà cũng cao đẳng đấy -> Ôi Giáo dục!!!” – nick Văn hóa 12/12:  loibh42a@yahoo.com

 

“Theo tôi, vẫn nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp  lớp 12 đi, vì chỉ là hình thức mà chẳng đạt kết quả gì thật sự? Nếu ngành giáo dục cần thành tích như vậy thì  cần gì phải thi nhỉ? Tôi là 1 giáo viên, nhưng thật sự thấy rất buồn vì ngành giáo dục. Tôi đang nghĩ phải từ bỏ nghề vì thật sự rất chán nản, và thực tế như vậy đã giết chết hết niềm đam mê của những giáo viên như chúng tôi. Thật đau lòng quá!” - Tran Dai Nghia:  nghia1980.nghean@gmail.com

 

“Bỏ thi tốt nghiệp PTTH cho đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian, cũng bớt được bệnh thành thích. Chúng ta nên nhắc nhở con cháu rằng: học hết PTTH chưa là tất cả, mà tương lai phía trước phụ thuộc vào kỳ thi ĐH, để chúng cố gắng học hành thì hơn. Mong các nhà làm giáo dục sớm tìm ra giải pháp sao cho có chất lượng, chứ tốt nghiệp kiểu này thì theo tôi là có tới 1/3 không xứng đáng. Tôi tin, ngay những em không xứng đáng tốt nghiệp mà vẫn nhận được bằng tốt nghiệp cũng không trọng nể gì cách làm của người lớn chúng ta cả đâu” – nick Phụ huynh:  ctangthecong@yahoo.com

 

“Đừng trách giáo viên hay Bộ Giáo dục... Các bạn hãy nhìn lại mình xem, học sinh trong đời chắc ai cũng từng gian lận chép bài... Các phụ huynh cũng hãy hỏi con em mình xem, tôi chắc đa số là chép được bài, như có nhiều phụ huynh đã nói... Từ những năm 1984 đã có tình trạng gian lận rùi, còn bây giờ.... nó là phổ biến... Biết gian lận là sai nhưng nếu coi chặt, con em không đỗ thì phụ huynh buồn,  gia đình buồn, con em cũng chán học.... Vậy mong các phụ huynh và bạn đọc hãy cùng thông cảm cho giáo viên và giám thị trường Đồi Ngô, Bắc Giang. Hãy cố gắng cùng đồng cảm với họ.... Tuy gian lận bây giờ phổ biến, nhưng tôi tin cùng với đà phát triển của xã hội, nó sẽ dần dần bị bài trừ..... Các bạn đọc hãy cùng góp ý thật nhiều để cùng chia sẻ với mọi người nhé” – nick Học sinh cấp 3 Tâm Sự:  hoa_hong_yeu_5@yahoo.com

 

“Tôi xin hỏi các vị trên diễn đàn: liệu con cháu hoặc bạn bè của quý vị có mắc phải các hiện tượng như trên không? Tôi thấy những chuyện như thế này chẳng có gì bất ngờ. Nó cũng là hiện tượng theo trào lưu của xã hội thôi. Liệu không thi tốt nghiệp 12 có phải là giải pháp để nâng cao chất lượng? Nói đi cũng phải nói lại: với cương vị là giáo viên, mọi người hãy thử nghĩ xem nguyên nhân là do đâu. Tại sao khi chưa thực hiện trường học thân thiện, thì học sinh chúng ta ngày xưa lại học nghiêm túc đến thế. Còn bây giờ thực hiện thì sao?” - Phạm Trọng Dần:  phamdanby3@gmail.com
 
Thanh Hóa: 110 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% (ảnh: Duy Tuyên)
Thanh Hóa: 110 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% (ảnh: Duy Tuyên)

 

Những lời nhắn gửi thầy Luận

 

Sự thật bao giờ cũng chỉ có một mà thôi, và trong trường hợp này thì phản hồi của bạn đọc gần như tới 99,99% đều chung câu hỏi với Phan Long boysinhvien_vip@yaho.com:

 

“Có lẽ tất cả các tỉnh đều là tỷ lệ tốt nghiệp “ảo” hết, cứ chạy theo thành tích như thế thì không biết bao giờ ngành Giáo dục Việt Nam mới dám đối mặt với sự thật?”

 

Và cũng như  Mr. Hieu pvhieu91@gmail.com, ai cũng lo ngại trước thực trạng này, trong khi chính ngành giáo dục lại có vẻ như cứ muốn trị bệnh từ… ngọn:

 

“Biết trước thế này thì nên để công bố kết quả rồi đã tung clip ra, lúc đó chắc  mấy bác trên Bộ mới “té ngửa” được. Chứ giờ mọi chuyện như thế này thì sẽ đâu lại vào đấy thôi, chắc gì trên toàn lãnh thổ VN mình không có vụ nào như Đồi Ngô nữa… Chuyện này thì “khổ lắm, nói mãi…” nhưng mà vẫn chẳng có ai nghe,  nên năm sau chắc cũng như vậy thôi. Và đến 10 năm, 20 năm nữa thì có lẽ cũng sẽ vẫn như vậy thôi nếu Bộ GDĐT vẫn tiếp tục cuộc chạy đua theo thành tích và không có cách giải quyết tận gốc tiêu cực trong dạy, học và thi cử. Mong các bác trên Bộ hãy sáng suốt xem lại NGÀNH GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM hiện nay!”

 

Thực thế vậy, ai lo cho các thế hệ tương lai có thể vẫn ung dung tự tại được? Thế nên những hồi chuông S.O.S vẫn được tiếp tục rung lên:

 

“Cuộc sống này công bằng lắm, luật nhân - quả không bao giờ sai. Cho dù ngay hôm nay anh lừa dối để đạt kết quả cao, ngày mai anh sẽ bị kết quả đó dối lừa lại mà hậu quả lúc này anh sẽ lãnh đủ!” – Huyen Nhung:  Huyennhung_h2n@yahoo.com

 

“Với tỉ lệ 78,39% (ở hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,01%). Với tỉ lệ này chúng ta suy ra điều gì? "Ước gì và giá như" nơi đây không phát sinh ra các đoạn clip ghi lại căn bệnh thành tích và hình thức của ngành giáo dục. Chúng ta cũng có thể suy ra: nếu các trường khác cũng chấm thi “chặt chẽ” như trường THPT Đồi Ngô, thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu?

 

Cảnh báo mãi không hiệu quả, nhiều bạn đọc cũng đành “hạ vũ khí đầu hàng” cho…yên thân:

 

Theo tôi, đây có lẽ  là gáo nước lạnh dội vào những ai có ý định chống  tiêu cực và căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Chắc cả nước không có nơi nào có tỉ lệ tốt nghiệp thấp như vậy. Một vài người chống tiêu cực mà làm khổ cả trường. Học sinh rớt tốt nghiệp của trường Đồi Ngô chắc rồi sẽ… căm ghét người chống tiêu cực? Riêng tôi thì… chịu thua cách xử lý của các vị ngành giáo dục rồi!” - Thu Hiền:  thuhientn2006@yahoo.com

 

Song thỏa hiệp rõ ràng đâu phải là giải pháp tất cả đều buộc phải lựa chọn, vì nếu thế đã không có tiếp sự việc Đồi Ngô sau một vụ việc tương tự đã xảy ra ở Hà Tây trước đây. Trong cuộc sống, dẫu ở hoàn cảnh nào cũng vẫn cần có niềm tin và hy vọng chứ...

 

“Tất cả do thầy Khoa!!!! Sang năm thầy cứ “đánh” tất các trường, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ thầy cả về vật chất lẫn tinh thần. Chưa chắc THPT Đồi Ngô đã tiêu cực như chỗ khác đâu, quan trọng xong vụ này các giới chức lãnh đạo ngành xử lý thế nào hay lại… coi như “đánh bùn sang ao”? Thế thì thật buồn! Chúng tôi cũng trong ngành giáo dục, song bây giờ biết nói sao?? 100% đỗ tốt nghiệp mới càng buồn. "Hai không" bây giờ đã là dĩ vãng, không giống thời thầy Nhân là Bộ trưởng nữa rồi. Xin gởi những lời này của phụ huynh đến thầy Luận (BT GDĐT Phạm Vũ Luận) vậy” - Xuân Sinh:  xuansinht124@gmail.com

 

Khánh Tùng