Bạn đọc viết

Đồ chơi Trung thu truyền thống mang bản sắc dân tộc Việt

Ngay từ xa xưa, các cụ ta đã quan niệm những món đồ chơi và trò chơi chính là công cụ hữu ích để giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Và dường như, bất kì món đồ chơi truyền thống nào cũng đều có linh hồn của riêng nó. Đằng sau chiếc đèn ông sao, ông Tiến sĩ giấy, tò he, mặt nạ… là bao câu chuyện và tâm huyết của ông cha gìn giữ từ ngàn đời nay.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Ông Tiến sĩ:

Trong số tất cả những thứ đồ chơi của trẻ em ngày Trung Thu, đáng kể nhất vẫn là ông Tiến sĩ giấy được đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả và đèn trang trí. Không chỉ được sử dụng trong dịp lễ Trung Thu, ngày xưa người lớn cũng thường mua ông Tiến sĩ giấy để tặng cho con trẻ vào đầu năm học với hy vọng món quà ý nghĩa này sẽ khuyến khích các em chăm chỉ học hành hơn. Hình ảnh ông tiến sĩ giấy không chỉ đơn thuần là trò chơi dân gian mà qua đó, cha mẹ muốn gửi gắm vào con cái một niềm hy vọng con mình sẽ chăm chỉ học hành, lớn lên đỗ đạt. Điều này thể hiện rõ tinh thần hiếu học, khuyến học khuyến tài và của dân tộc ta. Sau khi phá cỗ, các em thường đặt ông tiến sĩ giấy ở một góc trang trọng trên bàn học, để mỗi khi học bài, các em thường tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn.

Đèn ông sao:

Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở một khu rừng nọ, nơi vô cùng xa xôi và nghèo đói, trẻ con chẳng có thứ gì để chơi cả. Vào những đêm trăng sáng, các em thường tụ tập lại, nhặt những cành cây ở bìa rừng làm đồ chơi và nhảy múa ca hát. Cùng lúc đó, trên bầu trời, các vì sao cũng rất buồn vì mặt trăng sáng quá, chúng cảm thấy mình bị mờ nhạt bởi ánh sáng lung linh huyền ảo của mặt trăng. Nhìn bọn trẻ nô đùa vui chơi một cách hồn nhiên, các vì sao thèm quá bèn xin phép ông trời được cho xuống trần gian vui chơi một lần cùng lũ trẻ. Thế là mỗi ngôi sao sà xuống, đậu nhấp nháy trên một cành cây của lũ trẻ. Quá vui sướng, lũ trẻ mỗi đứa cầm một cành cây mà trên đầu có gắn vì sao nhấp nháy, nhảy múa suốt đêm. Nhưng đó chỉ là lần duy nhất chúng được chơi đùa với các vì sao. Từ đó, mỗi khi trăng sáng, lũ trẻ lại kiếm những cành cây có hình giống các vì sao để nhắc lại kỷ niệm đó. Theo thời gian, từ những cành cây ấy, người ta nghĩ ra chế những cái đèn ông sao như ngày nay.

Để làm ra được một chiếc đèn ông sao, các nghệ nhân phải vất vả trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng: từ chọn nứa cho đến cắt dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn khung đèn. Khi chọn nứa xong, phải chặt nứa thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt nên có thể để được nhiều năm không hỏng. Sau khi ngâm xong thì đem phơi nắng rồi mới chẻ thành nan. Chẻ ra rồi lại phải phân loại xem những phần nào để làm nan, phần nào dùng để làm cờ... Sau đó mới đến công đoạn ghép và dán giấy màu cho chiếc đèn.

Mặt nạ - Đầu sư tử

Mỗi chiếc mặt nạ có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hàm chứa cái đẹp sâu sắc trong mỹ học dân tộc. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, khắc họa các nhân vật yêu thích như Ông Địa, Thằng Bờm… rồi đến đầu sư tử - thường được sử dụng trong các màn múa lân truyền thống.

Ngày Tết Trung Thu, trẻ em và cả người lớn không thể nào quên tiếng trống rộn ràng trong điệu múa lân hòa cùng dòng người đi trên phố.

Đèn lồng:

Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Từ xưa đến nay, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Đèn lồng có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ, có thể dùng vải bọc đèn thay giấy làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.

Mấy năm gần đây, ở thị trường Việt Nam, ngành công nghệ sản xuất đồ chơi cho trẻ em dịp trung thu giúp tạo việc làm cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, do nguyên liệu thông dụng và công nghệ đơn giản, vốn ít. Sau một thời gian để đồ chơi của Trung quốc thống lĩnh thị trường, đến nay, đồ chơi Trung thu Việt Nam đã hồi phục và chiếm lĩnh lại thị trường nội địa. Đèn ông sao, Tiến sĩ giấy, tò he, mặt nạ... và nhiều câu chuyện thú vị xung quanh ngày tết Trung thu mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho những tối rước đèn, những lúc phá cỗ trông trăng của tuổi thơ. Mỗi trung thu sẽ thực sự hấp dẫn con trẻ, ngoài những câu chuyện cổ tích Chú Cuội cung trăng, Chị Hằng … thì các trò chơi trung thu vẫn luôn mãi thu hút mọi lứa tuổi thơ bao đời. Và để giữ gìn bản sắc văn hoá ấy, để các em mãi có những đêm trăng rằm đẹp sáng - những vầng trăng cổ tích - rất cần sự quan tâm của người lớn chúng ta.

Diễm Nguyệt (ST)