Điều ước giản dị đầu Xuân: Không bị "cục tức" Cấm, Phạt, Phí...
(Dân trí) - Qua lượng phản hồi bạn đọc gửi tới sau khi đọc các thông tin đăng tải ở tất cả các chuyên mục, có một điều được nhiều người bày tỏ là: Ước có một ngày đọc báo nghe đài không còn phải thấy những cụm từ: CẤM, PHẠT hoặc những... ý tưởng “trên mây” nữa.
Dù đã quen với những “cục tức đầy mình” về những mặt trái vẫn tồn tại như điều tất yếu trong bất kỳ xã hội nào, song ngay khi bầu không khí lễ hội Xuân vẫn còn tràn ngập nơi nơi mà những bực bội, ấm ức cùng lời ca thán lẽ ra còn phải kiêng kỵ, lại đã phải liệt kê ra bởi... cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng.
Chẳng phải thế sao khi mà với cái xe đã bao lâu nay dân nêu rõ chỉ là phương tiện giảm nhẹ nỗi vất vả đường trường cho những... bàn chân Việt đáng được nâng niu thôi, mà hết đe thu phí doạ phạt tiền triệu lại tới đưa vào tầm ngắm cả cái mũ (nón) bảo hiểm, trong khi ranh giới giữa thật với giả ở đây còn khá là mong manh.
Hoàng Tiến Nam namhoangthu@hotmail.com không nén nổi, lại phải bật ra câu hỏi:
“Tại sao không tìm phạt các nhà sản xuất mũ bảo hiểm giả ? Và tại sao cơ quan quản lý nhà nước lại để cho mũ bảo hiểm bán tràn lan trên thị trường ? Vội vã phạt người tiêu dùng là bất khả thi ! đã bao nhiêu lần các cơ quan chủ quản phải rút lại những quyết định bất hợp lý, mà đa số là chỉ là sự vội vã nhắm vào (túi tiền của) người dân (người tiêu dùng) rồi?. Xin thưa với các vị cán bộ nhân viên quản lý chuyên môn, người dân chúng tôi chỉ biết những sản phẩm bày bán trên thị trường đã được quí vị kiểm soát, vì vậy chúng tôi chỉ biết mua và dùng mà thôi. Không ai muốn mua mũ bảo hiểm giả cả. “Đè” người dân ra phạt vì tội mua hàng giả là ĐÚNG hay SAI? Và nếu đã phạt dùng mũ bảo hiểm giả thì còn rất nhiều sản phẩm giả khác nữa vẫn được bày bán trên thị trường thì sao? Có lẽ người dân sẽ chẳng dám mua gì trên thị trường nữa cả, vì sẽ bị phạt tới... NGHÈO luôn... Còn các cơ quan chức năng thì dân ta ai cũng thấy rõ là vẫn THIẾU TRÁCH NHIỆM, rồi lại lấy lý do là tại lực lượng MỎNG không thể quản lý nổi, và cuối cùng thì trăm tội đổ lên đầu người dân chúng tôi!!!”
Quá ngán ngẩm, đầu Xuân năm mới mà Tuấn Anh tuananh@ghv.com...vẫn lại phải thở hắt ra:
“Cuộc sống giờ chán thật! Đi đâu làm gì cũng chỉ thấy phạt và phí thôi, rõ là đồng tiền giờ chi phối nhiều quá! Nhưng các vị không nghĩ được giải pháp nào để cho dân chú tâm vào công việc hay sao, mà toàn lấy dân ra để giơ đầu chịu tội? Còn khi có những quyết định không khả thi thì lại không thấy ai nhận trách nhiệm về mình? Chắc họ cứ nghĩ: không làm được cũng không sao nên ta cứ làm thử, tốn tiền tốn của thì nhà nước chịu (của nhân dân đóng thuế mà). Nhưng cuộc sống mà phụ thuộc vào tiền nhiều quá chỉ làm cho con người ta thoái hóa về đạo đức mà thôi”.
Cũng liên quan tới giao thông, nhưng dù đã có quy định luật đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ, vẫn lại thấy có thêm quy định phạt người dám “doạ” CSGT, thế nên dù là người nghĩ theo cách lạc quan hơn thì cũng nêu rõ sự cần thiết nhìn từ cả 2 phía:
“Đây cũng là chiều hướng tốt. nhưng cái gì cũng có hai mặt xấu/tốt. Không nên vì thế mà các anh giao thông bắt người tham gia giao thông luôn phải "im" khi bị các anh bắt dừng để kiểm tra hành chính (nếu không đúng quy định). Vì nhiều trường hợp người điều khiển giao thông mới mở miệng ra trình bày, chưa biết đúng sai đã bị các anh giao thông khoanh vào tội "chống lại người thi hành công vụ". Từ đó cho thấy sức ép của người tham gia giao thông cũng không kém gì các anh đâu, mệt lắm!” - Hong Nhung: nhung1709@yahoo.com
Sự bất hợp lý luôn tồn tại trong những quy định, chế tài chỉ nhằm vào một phía này tiếp tục được nhấn mạnh:
Còn với cái phí ATM vừa đi vào cuộc sống từ ngày 1/3, bất chấp bao lời giải thích rất “quy lát” của phía ngân hàng, của các vị chức sắc liên quan...người tiêu dùng vẫn thấy quá khó nuốt quả đắng phải nhận theo kiểu nắm dao đằng chuôi của các “Thượng Đế”:
“Doanh nghiệp tư nhân muốn bán hàng thì phải chứng minh dịch vụ tốt khách hàng mới mua, doanh nghiệp nhà nước thì ép buộc khách hàng mua dịch vụ tồi + hứa hẹn sẽ tốt lên?” - Huy: nguyenhuuhuy_tg@yahoo.com
“Dân được vài đồng lương còi thì cứ bắt lĩnh qua... mấy cửa của ngân hàng dựng sẵn để tìm cách trừ tiền, thật là... hết chỗ nói. Rồi vật giá tăng chóng mặt, suy cho cùng cũng chỉ chết người dân mà thôi, càng phát triển càng thấy... túi tiền của mình bị rút 1 cách tinh vi hơn... Đúng là những biện pháp tiên tiến đó chỉ tốt cho 1 số ngành nếu có phát triển, nhưng có những ngành càng phát triển càng khổ dân. Dễ thấy nhất như là ngân hàng chẳng hạn, quy định thay đổi luôn xoành xoạch có phải là chỉ để tìm cách ‘quay’ đồng tiền của người gửi chăng? Chẳng thể tin vào ngân hàng được nữa, cứ mang tiền về nhà là an toàn nhất. Nhìn thấy tiền của người ta mà cứ sốt ruột rồi tìm cách thay đổi quy định đến mức độ... Thượng Đế nghe xong chỉ biết cười... Không còn từ để diễn tả mức độ... hết chỗ nói của người mấy ông lớn ngân hàng!” - NTT: akiko26@cablenet.ne.jp
“Quá sợ với các loại phí của ngân hàng. Đợt tết vừa rồi mình đi cây ATM nào cũng hết tiền hoặc quá đông người đợi rút, nên mang chứng minh vào ngân hàng xin rút mà cũng phải đợi hơn nửa tiếng mới lấy được tiền, còn bị trừ mười mấy ngàn tiền phí. Đúng là có lẽ rồi cũng phải... quay lưng lại với cái kiểu ATM phục vụ lợi bất cập hại thế này!” - Hoa: Bonghoada1976@yahoo.com
“Để giảm lỗ cho ngân hàng, chúng ta không dùng thẻ ATM nữc. Tôi có muốn dùng thẻ đâu, bị "bắt phải dùng" đấy chứ.... Các giới chức nên xem lại có nên bắt buộc người nhận lương qua thẻ ATM hay không? Nếu là tự nguyện thì việc thu phí không có vấn đề gì, nhưng bắt buộc thì nên xem lại việc thu phí ép buộc này” - Minh Trần Trọng: Mr.minh.62@gmail.com
Không Cấm, Phí, Phạt... là điều ước giản dị nhưng cháy bỏng đầu Xuân năm mới của bao người dân. Nhưng có lẽ điều dân cần thì người ta chẳng vội, điều dân ước thì... hãy cứ mơ đi, có bị ai đánh thuế, tính phí đâu!
Khánh Tùng