Điệp khúc “nước đến chân mới nhảy”
Chuyện “nước đến chân mới nhảy” công luận nói đã nhiều, nhưng chỉ 2 tin rất thời sự là, chuyện nước thối ở bãi biển Sầm Sơn và việc truy trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 10 tỉ đồng bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén cho thấy rõ điệp khúc nêu trên.
Hai câu chuyện này là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng cùng một điểm: sự thờ ơ, lề mề đến khó hiểu của các cơ quan chức năng.
Mừng là mấy năm gần đây Sầm Sơn được dư luận đánh giá có nhiều tiến bộ về nhiều mặt, trong đó đã điều trị cơ bản nạn chặt chém nói riêng. Đó là một trong những nguyên nhân du khách bắt đầu nườm nượp quay lại Sầm Sơn.
Nhưng, rất tiếc trên bãi biển mịn trải dài cát trắng lại có những mương nước vẫn chảy thẳng từ khu nghỉ dưỡng ra thẳng bãi biển nồng nặc mùi hôi thối như vết loang đen đúa hằn trên bộ cánh đẹp đẽ của cô thiếu nữ. Tại sao mọi chuyện lớn còn làm được, việc này lại không? Đó là câu hỏi cho các vị có trách nhiệm ở thành phố du lịch này.
Chỉ khi báo chí lên tiếng, chiều 3.5 lãnh đạo thành phố này mới cho chữa cháy bằng cách “bịt” các rãnh này. Theo bài viết trên Dân Trí, những cống nước thải đen ngòm, hôi thối, nằm lộ thiên ở bãi tắm A, bãi tắm C đã được Công ty môi trường đô thị thành phố Sầm Sơn tiến hành san lấp, đắp bờ ngăn và dùng máy bơm hút nước vào trong để khắc phục sự cố tràn ra biển. Nhìn những hình ảnh của Dân Trí đăng tải và cách giải quyết này của chính quyền thì thấy, đây đúng là kiểu chữa cháy, rất không bền vững, dù rằng họ đã tuyên bố giải quyết dứt điểm vào ngày 15.5 này.
Đáng quan ngại là, dọc bờ biển Sầm Sơn đang có 5 cống xả nước thải ra biển, tuy nhiên có tới 3 cống có nguồn nước đen thải ra, hai cống còn lại không đen vì … không có khu dân cư.
Tại sao lãnh đạo ở đây có thể vô tư đổ lỗi do các ngày lễ 30.4 và 1.5 du khách về đông nên quá tải, nước thải không kịp xử lý? Thực tế, hệ thống trạm bơm ở phường Trung Sơn chưa đóng điện thì làm sao có thể hút nước thải về để xử lý? Hiện cả Sầm Sơn mới chỉ có một máy bơm hoạt động làm sao có thể xử lý hết được nguồn nước thải?
Trong 5 năm gần đây, Thanh Hóa đã huy động hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch Sầm Sơn, vậy mà riêng trạm bơm vẫn chưa sẵn sàng. Thật khó hình dung. Mục tiêu năm 2017 phấn đấu đạt 4,2 triệu lượt du khác có thể đạt được, nhưng hãy nhớ, Sầm Sơn từng bị du khách tẩy chay vì một số tệ nạn, nay xin đừng vì một việc tưởng chừng đơn giản này khiến du khách … hãi hùng bỏ chạy.
Còn chuyện án oan với ông Huỳnh Văn Nén vốn đã nóng bỏng dư luận mấy năm nay. Nhưng riêng việc đền bù cho ông lại tiếp tục làm nóng công luận. Nếu như một số án oan khác con số tiền đền bù chưa thỏa thuận được giữa đôi bên, thì với ông Nén, mức đền bù hơn 10 tỉ đồng cho hai bản án oan mà ông phải chịu trong 17 năm đã được khẳng định.
Tuy nhiên, theo VnExpress, thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - Phó chánh Tòa Hành chính - TAND tỉnh Bình Thuận cho biết, “đơn vị chưa nhận được tiền đền bù nên chưa thực hiện việc bồi thường cho ông Nén, chưa xem xét việc truy trách nhiệm bồi hoàn.” Cần nhấn mạnh, Bộ Tài chính một mặt chấp nhận rút ngân khố quốc gia cấp kinh phí hơn 10 tỉ đồng để đền cho ông Nén, mặt khác cũng đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận (nơi xét xử ông Nén) "xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền" đối với người thi hành công vụ gây oan sai.
Ô hay, tại sao phải có tiền trả ông Nén mới xem xét việc truy trách nhiệm bồi hoàn của những cán bộ gây ra án oan? Chắc chắn một điều, nếu thỏa thuận mức đền bù đã khó, thì việc truy trách nhiệm yêu cầu bồi hoàn còn khó gấp bội. Bởi lẽ, mức độ trách nhiệm với từng đơn vị (đâu phải chỉ hội đồng xét xử gây oan sai, đây còn có trách nhiệm không nhỏ của công an, viện kiểm sát) và trách nhiệm của từng cá nhân trong mỗi cơ quan là cực kỳ khó khăn. Mấy ai dễ chấp nhận mức độ sai phạm nào đó (khi đánh giá mức sai phạm giữa các cơ quan và nội bộ mỗi cơ quan) thuộc về mình?
Nếu không sớm làm việc này, tôi e rằng việc truy trách nhiệm bồi hoàn này sẽ khó có hồi kết, trong khi nhiều cán bộ trong vụ này đã về hưu, lần lượt sẽ về hưu. Tiền trả cho ông Nén sẽ sớm trả trong nay mai, nhưng việc truy trách nhiệm bồi hoàn vẫn còn thật xa vời. Đó là điều dư luận khó chấp nhận. Nên chăng, các cơ quan chức năng sớm lo việc này ngày nào hay ngày ấy. Không thể để dư luận thêm một lần nữa bức xúc.
Vương Hà