Dịch COVID-19 - biến thách thức thành cơ hội: Quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp
Dịch COVID-19 cũng chính là “phép thử” để khẳng định bản lĩnh lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc Việt Nam.
Cuộc chiến” với dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn mới, khó khăn và thách thức hơn khi nó ở cấp độ toàn cầu. Kinh tế bị ảnh hưởng, mọi mặt của đời sống - xã hội bị tác động. Nhưng dịch COVID-19 cũng chính là “phép thử” để khẳng định bản lĩnh lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và tinh thần kiên cường, vượt khó của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong thách thức luôn có cơ hội để thay đổi và phát triển. Gần 2 tháng đồng lòng chiến đấu với dịch bệnh, phía trước dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng đất nước đã có những chuyển đổi mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. Công nghệ 4.0 được ứng dụng triệt để trong điều hành, quản lý; thủ tục hành chính rườm rà được bãi bỏ; năng lực y tế của Việt Nam được thế giới đánh giá cao; giáo dục có những bước “chuyển mình”, đổi mới...
Bắt đầu từ số báo này, Lao Động thực hiện chuyên đề “Dịch COVID-19 - biến thách thức thành cơ hội” để nhìn lại tổng thể bước đi của đất nước ở tất cả các lĩnh vực. Để thấy trong khó khăn, Đảng, Chính phủ luôn nhận được niềm tin và sự đồng hành, tiếp sức của nhân dân. Với những “liều vaccine” ấy, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh.
2020 là một năm rất đặc biệt với nhiệm kỳ Chính phủ khóa 14, một năm để thử thách bản lĩnh và trí tuệ qua công tác phòng chống dịch COVID-19. Chống dịch có nhiều cách, Chính phủ đã và đang tiếp tục quyết liệt, kiên trì mục tiêu xây dựng “Chính phủ điện tử”, bỏ các rào cản nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
“Kích hoạt” chế độ họp online
8 giờ sáng, thay vì phải đến cơ quan như thường lệ, chị Trần Thị Như Quỳnh (26 tuổi, quê Phú Thọ), chuyên viên của một công ty truyền thông trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) được làm việc tại nhà. Chị Quỳnh cho biết, thời gian này, công ty cho khoảng 70% nhân viên được làm việc từ xa. Các cuộc họp được “kích hoạt” chế độ online. “Họp online”, làm việc trực tuyến cũng là lựa chọn của nhiều cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Một trong những cơ quan tiên phong trong thực hiện họp, xử lý công việc trực tuyến là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để các cuộc họp trực tuyến được thông suốt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã quán triệt tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành phải được “thấm” đến từng cán bộ, nhân viên. Các cuộc họp tháo gỡ vướng mắc với địa phương cũng được chuyển sang hình thức làm việc mới này, đem lại hiệu quả cao trong công tác phối hợp, quản lý, điều hành trong công việc.
Tại Bộ Y tế, trong ngày mồng 4 và mồng 5 Tết Canh Tý, hàng trăm kỹ sư của Viettel đã phối hợp lắp đặt 21 cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước để đảm bảo công tác giao ban điều hành dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Với hệ thống này, Bộ Y tế đã trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quá trình điều trị, góp phần chữa khỏi cho 16 ca bệnh đầu tiên, kể cả ở tuyến cơ sở. Từ đó đến nay, hệ thống này vẫn phát huy tác dụng, kịp thời truyền đi những chỉ đạo quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ LĐTBXH những ngày qua cũng chuyển các cuộc họp tập trung sang họp trực tuyến. Công việc này không hề gặp khó khăn, ngược lại, đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian làm việc.
Kể từ khi cách ly tại nhà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vẫn điều hành mọi công việc thông qua email, phần mềm quản trị nội bộ theo chương trình Chính phủ điện tử. Các cuộc họp hầu hết đều chuyển qua hình thức online, nhờ đó công việc quản lý, điều hành không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với các bộ ngành khác, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng triệt để.
4 năm trước, khi bắt đầu nhiệm kỳ, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành. Những năm qua, các bộ ngành, địa phương đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính. Và trong những ngày cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, Chính phủ điện tử đã phát huy tác dụng hơn bao giờ hết.
Không còn cảnh người dân xếp hàng dài ở cơ quan công quyền chờ giải quyết thủ tục hành chính. Các cuộc họp chỉ đạo đều được thực hiện online, kết nối trực tiếp với các địa phương. Trong khó khăn, thách thức mà dịch bệnh gây ra, càng cho thấy tính ưu việt của việc xây dựng Chính phủ điện tử trong việc kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến
Năm 2019 được coi là dấu mốc quan trọng cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ khi Trục liên thông văn bản quốc gia được đưa vào vận hành. Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng được khai trương góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhưng năm 2020 sẽ là một mốc đặc biệt với nhiệm kỳ Chính phủ khóa 14, một năm để thử thách bản lĩnh và trí tuệ.
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Chỉ đạo này đã nhận được sự ủng hộ của người dân cả nước. Để ổn định tình hình kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân, Chính phủ đã xác định mục tiêu kép là vừa tích cực, chủ động, quyết liệt trong việc phòng chống dịch, đồng thời cũng phải tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh để ổn định và phát triển kinh tế. Giải pháp được đưa ra để kịp thời ứng phó là cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, xốc lại quản lý điều hành của bộ máy công quyền và huy động mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, phát triển đất nước.
Và để kịp thích ứng phó với tình hình mới, ngày 13.3.2020, Văn phòng Chính phủ đã công bố tích hợp thêm 15 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó có các dịch vụ như thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính...
Việc này không chỉ góp phần minh bạch hóa mà còn giúp giảm thời gian và chi phí để người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Trong bối cảnh toàn dân đang chống dịch, các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn có ý nghĩa cấp bách, quan trọng, góp phần giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, ngoài ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, chúng ta còn tận dụng khai thác mọi nguồn lực để tuyên truyền cho người dân. Từ báo đài, tin nhắn SMS, phát tờ rơi, tặng khẩu trang, nước rửa tay khô miễn phí, đến cả loa phường cũng “lội ngược dòng”, phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền. Dịch bệnh đem đến những thách thức, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định năng lực điều hành của Chính phủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - hãy biến thành phong trào
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, COVID-19 là đại dịch toàn cầu như công bố của WHO, đó là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên “hãy biến nguy thành cơ” như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thời điểm để chúng ta đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải cách các dịch vụ công trực tuyến theo hướng thực chất, góp phần quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời mang đến sự tiện lợi, minh bạch trong quá ttình cải cách thủ tục hành chính. Cường Ngô
Doanh nghiệp đã kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp nguyên liệu
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Cty Hoá dệt Hà Tây - cho hay, thời điểm đầu khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Cty của ông đứng trước nguy cơ phải huỷ đơn hàng vì thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Nếu may mắn đàm phán được với khách hàng, thì vẫn phải giao hàng bằng đường hàng không, sẽ tăng chi phí. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương và một số bộ ngành khác đồng loạt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công ty của ông có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch với đối tác.
“Bộ Công Thương đã giới thiệu, kết nối cho chúng tôi một số doanh nghiệp sản xuất ở trong nước. Nhờ đó, các thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ được giảm thiểu bớt; chi phí logistic cũng rẻ hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp nguyên liệu mà không phải qua khâu trung gian. Từ việc phải lo thiếu nguyên liệu, đến nay, nguyên liệu để sản xuất giày đã “cập bến” công ty chúng tôi, đã có đủ nguyên liệu để sản xuất”- ông Tùng nói và cho biết, hiện nay công ty của ông cũng đã khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử, hạn chế đến nơi đông người. Đó cũng là một trong những biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức với đất nước, nhưng nếu biết “biến nguy thành cơ” thì Việt Nam sẽ có một số cơ hội lớn như thúc đẩy làm việc, họp hành qua online, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí trong lao động, sản xuất. Đây cũng là cơ hội để lĩnh vực công nghệ, mua sắm online phát triển mạnh mẽ hơn. Cường Ngô
Địa phương ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống dịch COVID-19
Đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng “Chính phủ số”, những ngày qua, các địa phương trên khắp cả nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý. Nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được triển khai.
Thừa Thiên-Huế là địa phương có ý tưởng phát triển đô thị thông minh và chính quyền điện tử từ hơn 10 năm trước, với ứng dụng có tên Hue-S. Đến nay, mô hình đang được vận hành trơn tru và mang lại nhiều hiệu quả trong quản lý. Mọi phản ánh của người dân lên ứng dụng Hue-S đều được truyền đến trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, để sàng lọc, rồi chuyển chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý.
Đặc biệt những ngày qua, ứng dụng này còn phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống dịch. Người dân cài đặt Hue-S trên thiết bị chạy hệ điều hành IOS và Android, ứng dụng sẽ tự động gửi đến những phản ánh về người nghi nhiễm, yêu cầu hỗ trợ y tế, bảo vệ bản thân, hỏi đáp thông tin, tin tức chính thống, thông tin sai lệch, xác minh thông tin và thông báo, cảnh báo.
Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố cũng vừa đưa vào vận hành hệ thống giám sát dịch COVID-19 trên điện thoại thông minh. Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng Hà Nội SmartCity trên điện thoại là có thể giám sát những người đã nhiễm cũng như người đang được yêu cầu cách ly qua hệ thống GPS. Ứng dụng có 2 phần dành cho người dân và dành cho chính quyền. Hiện nay toàn bộ danh sách của những người được cách ly từ F0-F3 đã được cập nhật vào hệ thống.
Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM, mỗi ngày, Sở tiếp nhận 1.500 hồ sơ và không hề có cảnh chen chúc, áp lực, Có được điều này là nhờ áp dụng mô hình liên thông một cửa điện tử với thủ tục đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, TPHCM còn hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tại nhà, hỗ trợ trả và nhận kết quả qua bưu điện, tạo thuận lợi để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều trong mùa dịch. Bích Hà
Bộ GTVT thúc tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử
Trong văn bản mới nhất yêu cầu triển khai mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, Bộ GTVT đánh giá: Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định: Nhận thức về xây dựng Chính phủ điện tử chưa đồng đều giữa các bộ phận. Người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm, dẫn đến triển khai còn lúng túng.
Để đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện phục vụ người dân và doanh nghiệp, chuyển dần phương thức quản lý dựa trên giấy tờ sang quản lý điều hành trên dữ liệu số, Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt nhận thức về xây dựng Chính phủ điện tử đối với cán bộ đơn vị. Gương mẫu trong sử dụng chữ ký số và xử lý công việc trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời tổ chức liên thông, kết nối các phầnmềm quản lý văn bản và điều hành các cấp, hoàn thành trong tháng 5.2020.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ và các Cục quản lý chuyên ngành xây dựng quy trình nghiệp vụ, công bố các thủ tục hành chính tiếp nhận tại bộ phận một cửa, đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT trong năm nay. Các đơn vị cần rà soát, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với các cơ sở dữ liệu để nâng mức độ trực tuyến, giảm thành phần hồ sơ phải nộp và xuất trình. L.T.T
Theo Đặng Chung, Cường Ngô
Báo Lao động