Đi xe bus để thấy chỗ còn tử tế của xã hội ta

Sáng 10/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trực tiếp làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội để chấn chỉnh công tác quản lý xe bus mà báo chí cho rằng “đang là hung thần đường phố” trong thời gian vừa qua.

Đi xe bus để thấy chỗ còn tử tế của xã hội ta
Xe bus trên đường phố Hà Nội (Ảnh: TL)

 

Quả thực là có bao nhiêu chuyện đau đầu với xe bus ở Hà Nội, từ chuyện lái xe, phụ xe hành hung khách giữa phố, nhân viên xe bus rút dép đánh bà bầu, xe bus lấn tuyến vượt ẩu gây tai nạn, đến nạn móc túi và chen lấn… Đúng như thế, cần phải cải thiện rất nhiều trong hoạt động xe bus ở thủ đô.

 

Thế mà lại bảo “đi xe bus để thấy chỗ còn tử tế trong xã hội ta” thì có phải dở hơi hay không? Không. Đấy là nhận xét của Gs. Nguyễn Lãm, một cây đại thụ của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, khi ông vừa bước xuống xe bus và phát hiện ra tôi cũng xuống sau ông từ chiếc xe đó, để đi dự cuộc gặp gỡ đầu xuân của giới công nghệ thông tin vài tháng trước. Ông bảo tôi, xe bus là chỗ còn tử tế hơn rất nhiều nơi khác. Đấy có thể là một lời trách móc nặng nề của vị giáo sư khả kính mà tôi hoàn toàn chia sẻ. Nhưng tôi chỉ, hay cố tình chỉ nói về khía cạnh tích cực của lời nhận xét ấy.

 

Thấy cái dở, cái không hay, phê phán chúng, góp ý để sửa cho tốt hơn là việc phải thường xuyên làm. Nhưng cũng cần trân trọng những việc người khác làm được, dù to dù nhỏ, để động viên họ làm tốt hơn.

 

Với tư cách một người thường xuyên đi xe bus đã nhiều năm, tôi thấy bên cạnh những vấn đề nhức nhối như dư luận đã nêu thì hệ thống xe bus ở Hà Nội đã có tiến bộ đáng kể trong mấy năm vừa qua, ứng xử của nhân viên và hành khách trên xe bus cũng có nhiều nét đáng khen và cần động viên để trở thành thói quen thường ngày, hay để xây dựng “văn hóa” giao thông công cộng văn minh, nếu muốn dùng lời lẽ to tát.

 

Đã là phương tiện giao thông công cộng thì gần như ở đâu cũng chật vào giờ cao điểm, và chuyện chen lấn là khó tránh khỏi. Số phương tiện có hạn, lưu lượng tối đa mà các phương tiện có thể đáp ứng trong một lúc là hữu hạn, và bao giờ cũng được dự tính cho lưu lượng trung bình hoặc hơn một chút, bởi vì dự trù cho lưu lượng cực đại là một sự lãng phí quá lớn và cũng không nhà cung cấp dịch vụ nào lại làm hay có thể làm như vậy. Vào lúc cao điểm số lượng người tham gia giao thông có thể cao gấp nhiều lần mức trung bình và đó là một nguyên nhân chính của nạn ùn tắc giao thông hay nạn chen lấn ở các phương tiện công cộng.

 

Khi đông người thì chuyện kẻ cắp hoạt động không khó hiểu.

 

Những người tham gia giao thông công cộng nên biết những chuyện như vậy và có chuẩn bị trước, thì sẽ không bị bất ngờ và thậm chí giúp giải quyết vấn đề một cách tích cực. Thí dụ, nếu không bắt buộc thì nên bố trí giờ đi giờ về cách xa giờ cao điểm, vì làm như vậy vừa thoải mái cho mình do xe thoáng và cũng giúp phân bố tải cho toàn hệ thống. Hay để ý hơn đến tài sản của mình trên xe bus để tránh bị mất cắp. Các nhà chức trách biết điều đó và có những biện pháp giảm nhẹ hay phòng ngừa hoặc trừng trị (trộm cắp) là việc phải làm thường xuyên.

 

Bên cạnh một số ít con sâu làm rầu nồi canh, thì cũng có rất nhiều lái xe và người phục vụ trên xe rất tử tế. Họ hướng dẫn, chỉ bảo cho khách hàng một cách ôn tồn lịch sự. Tôi cũng đã gặp những trường hợp họ hành xử thô lỗ nhưng chỉ là số ít, không phổ biến.

 

Người ta thường chê đạo đức của giới trẻ Việt Nam sa sút, trên xe bus tôi thấy đa số những người trẻ có ứng xử khá văn minh, từ việc giúp các hành khách khác đến chuyện nhường chỗ cho người già, trẻ em, người khuyết tật hay phụ nữ có thai. Tôi đã đi xe bus ở nhiều nơi trên thế giới và có thể so sánh với xe bus ở Hà Nội. Cách ứng xử của giới trẻ Hà Nội chẳng kém các nước văn minh khác. Ở nơi khác cũng có cảnh người trẻ không nhường chỗ, ở ta cũng vậy và tỷ lệ, theo cảm nhận của tôi, ở Hà Nội cũng chẳng cao hơn. Chúng không nhường chỗ chưa chắc đã phải là chúng không biết nên làm thế nào mà có thể có cả trăm lý do mà người quan sát không thể biết, rất có thể chúng quá mệt sau một đêm dài chuẩn bị bài, hay xem bóng đá, hoặc phải đi quá xa mà đứng thì rất mỏi.

 

Rất có thể Gs. Nguyễn Lãm đã nói với ý trách cứ, nhưng khi trao đổi thêm ông cũng đồng ý với tôi về những điểm tích cực như nêu ở trên.

 

Những điểm hay, các nét tích cực, dẫu nhỏ đến đâu cũng cần được nuôi dưỡng, động viên, khuyến khích để chúng ngày càng lớn hơn, phổ biến hơn và trở thành chuyện bình thường, dĩ nhiên. Với cái xấu, cái dở cũng thế, phải phê phán và tìm cách hạn chế để chúng ngày càng ít đi nhưng chắc không bao giờ hết sạch. Hai việc đó không loại trừ lẫn nhau và phải là công việc của tất cả mọi người, kể cả báo giới.

 

Theo Nguyễn Quang A

Lao Động