Bạn đọc viết
Dễ tin, cả tin nên dễ bị lừa
Người dân ngoài mất tiền của, mất tài sản, cuộc sống đã khổ nay còn khổ hơn vì nợ lần chống chất. Nhưng vấn đề sẽ nguy hiểm hơn nếu không có giải pháp, đó chính là người dân đang phải nghiến răng, nhắm mắt để “học” cách bỏ đi niềm tin trong cuộc sống, bỏ đi niềm tin giữa con người với con người.
Bằng các thủ đoạn khác nhau, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng lòng tin và sự hạn chế hiểu biết đã thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân và điều đang đề cập là tại sao chúng ta vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng này?
Lòng tin và sự hạn chế về hiểu biết vô tình trở thành một “thị trường tiềm năng”
Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện và triệt phá nhiều phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân dưới nhiều chiêu trò, hình thức khác nhau, điển hình là vụ Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới được phát hiện vào cuối năm 2015, với hình thức vận động người dân tham gia đóng góp tiền rồi sau đó sẽ nhận lại số tiền hơn gấp nhiều lần số tiền mà người dân đã phải bỏ ra đóng góp cho trung tâm nhưng cuối cùng thứ mà người dân nhận được chỉ là lời hứa để ngụy biện, che chắn cho hành vi lừa đảo. Với hình thức này, trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới đã nhận tiền bất hợp phát hàng tỉ đồng, khi sự việc được làm sáng tỏ thì cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh “đã nghèo khổ giờ còn nghèo khổ hơn”.
Nỗi đau của người dân chưa được nguôi ngoai và dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng, bức xúc trong vụ việc trên thì mới đây nhất cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, triệt phá vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam, (gọi tắt là Liên kết Việt) với những chiêu trò, hình thức như tương đương nhau, chỉ khác ở chỗ số nạn nhân và số tiền bất chính mà Công ty này thu về đã trở thành con số “kỷ lục” với 45.000 người và trên 1.900 tỉ đồng. Chỉ chưa đầy 02 tháng đã phát hiện ra hai phi vụ lừa đảo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đó là chưa kể đến những vụ lừa đảo đã từng xảy ra và không có gì đảm bảo được rằng những vụ lừa đảo như thế này đã kết thúc.
Được đánh giá là một đất nước đang trên đà phát triển mạnh với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam đang là thị trường kinh doanh tiềm năm lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đây cũng chính là cơ hội để các cá nhân, doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, làm giầu với hàng loạt cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi, nhưng thực tế cho thấy chúng ta đang tồm tại rất nhiều hạn chế chưa được giải quyết, nổi cộm nhất là số dân sống ngoài các thành phố, khu kinh tế chiếm tỉ lệ rất lớn trong khi số dân sống trong các thành phố lai chiếm tỉ lệ quá thấp và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân chia tầng lớp dẫn đến mức độ tiếp cận với công nghệ, thông tin có sự chênh lệch rất cao. Trong khi người dân sống tại các thành phố có trình độ dân trí cao, sự hiểu biết rộng thì ngược lại, trình độ dân trí và sự hiểu biết của phần lớn người dân sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa lại rất thấp.
Có nhiều ý kiến cho rằng người dân vì muốn làm giầu nhanh, vì quá tin người nên mới mắc bẫy những kẻ lừa đảo, nhưng chúng ta hãy một lần đến với cuộc sống đời thường của người dân, hãy nhìn họ sinh hoạt và ở bên họ hàng ngày thì chúng ta sẽ biết được họ rất chính đáng trong việc làm giầu, vậy họ có thứ gì để làm giầu? trong khi trình độ không có, sự hiểu biết không có và tiền đầu tư làm ăn họ cũng không có, thứ mà họ có không gì khác ngoài ước nguyện, sự bền bỉ, chịu khó và niềm tin. Cuộc sống sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có niềm tin, mất đi sự tin tưởng và nếu chúng ta không có hoài bão, không có mong muốn, không có sự quyết tâm và lòng khát khao thì cuộc sống giầu có, khá giả sẽ không bao giờ đến. Phải chăng đây là điểm yếu, là cơ hội để các cá nhân, tổ chức thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo với nhiều chiêu trò, hình thức khác nhau, khoét sâu vào bản tính thật thà, chất phát của người dân sống tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trong thời gian qua?
Yếu kém trong việc vận động, tuyên truyền hay đã làm tốt nhưng người dân không nghe?
Công tác vận động, tuyên truyền góp phần lớn trong việc thực hiện thành công, thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, đẩy lùi và xóa sổ các mặt tiêu cực, mặt xấu trong xã hội đồng thời làm tăng sự hiểu biết, phân biệt đúng sai, tốt xấu cho người dân và đây cũng chính là chủ trương đường lối của Đảng, nhưng thực tế cho thấy hầu như các cơ quan chức năng và các tổ chức ở địa phương chưa làm tốt công tác này.
Tổ chức họp phổ biến thường xuyên – kênh tuyên truyền rất hiệu quả
Những vụ lừa đảo xảy ra vừa qua, phần lớn được các đối tượng áp dụng hình thức tạo dựng chân rết (dạng như bán hàng đa cấp) cấp số nhân, nghĩa là một người sẽ mời chào, lôi kéo hàng chục người, hàng chục người sẽ đi mời chào, lôi kéo hàng trăm người và hình thức này đã thực sự “phát huy” hiệu quả khi chỉ trong thời gian gắn số lượng người được họ mời chào, lôi kéo đã lên tới con số hàng nghìn và số tiền bất chính họ thu về lên tới tiền tỉ, vậy tại sao khi chúng ta có đầy đủ lực lượng như (lực lượng an ninh, hội phụ nữ, hội thanh niên, hội nông dân…với hàng nghìn hội viên và phương tiện máy móc như hệ thống loa phát thanh được lắp đặt phủ kín các thôn xã mà vẫn không thể ngăn chặn được? người dân vẫn nghe theo kẻ xấu?
Đến tận nơi vận động – giúp ngăn chặn, không những đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật mà còn nâng cao nhận thức cho người dân
Một trong những bản tính rất quý của người dân là sự tin tưởng và tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau trước những hành động làm mất quyền lợi chính đáng của người dân và người dân rất tin tưởng chính quyền, tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và chỉ cần một người dân được tiếp nhận thông tin thì cả khu làng, thôn xóm đó sẽ biết vậy câu hỏi đặt ra là nếu chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm mang tính thường xuyên trong tổ chức tuyên truyền về các vấn đề trên hệ thống loa phát thanh tới người dân kết hợp với công tác thường xuyên nắm bắt địa bàn, phổ biến rộng rãi tới từng hộ dân thông qua mạng lưới các hội viên của hội phụ nữ, hội thanh niên… thì chắc chắn rằng sẽ ngăn chặn được mọi hành vi, âm mưu lừa đảo, phá hoại của kẻ xấu vì người dân luôn tin vào lẽ phải và chắc chắn rằng sẽ không xảy ra những vụ việc đau lòng như thời gian vừa qua.
Được và mất gì?
Nhìn vào các vụ việc lợi dụng lòng tin và khao khát làm giầu của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được phát hiện và triệt phá trong thời gian qua thì “cái được” ở trong mỗi vụ việc không có gì khác ngoài nhận được một bài học đắt giá và một trái đắng. Còn “cái mất” thì sao? Người dân ngoài mất tiền của, mất tài sản, cuộc sống đã khổ nay còn khổ hơn vì nợ lần chống chất. Nhưng vấn đề sẽ nguy hiểm hơn nếu không có giải pháp, đó chính là người dân đang phải nghiến răng, nhắm mắt để “học” cách bỏ đi niềm tin trong cuộc sống, bỏ đi niềm tin giữa con người với con người.
Nguyễn Hiển