Bạn đọc viết

Đầu năm đi chợ Âm Dương huyền bí

Từng nghe kể về phiên chợ chỉ họp mỗi năm 1 lần vào ngày mồng 2 Tết, nơi tương truyền âm dương giao hoà có thể gặp lại thân nhân đã khuất, vượt qua gần 100 cây số chúng tôi tìm đến để tận thấy chuyện mua may, bán rủi cứ như thực như hư

Đầu năm đi chợ Âm Dương huyền bí - 1

Huyền bí phiên chợ mỗi năm họp duy nhất 1 lần

Đó là phiên chợ Âm Dương, cái tên đầy huyền bí nhưng lại có thật. Chợ họp tại sân cỏ rộng chừng trên 1.000 m2 sau đình Cao Thượng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chỉ họp đúng vào ngày mồng 2 Tết và cũng chỉ họp từ 2 giờ sáng cho đến khi hừng đông thì tan chợ.

Với người dân nơi đây dù đi làm ăn xa phương nào nhưng nhớ về phiên chợ, đầu xuân cũng rủ nhau về dự với mong muốn gặp lại được người thân, bạn bè đã khuất. Khách thập phương nghe tiếng phiên chợ cũng không bỏ lỡ với hy vọng may mắn sẽ được gặp người thân. Chủ khách gặp nhau, cùng đắm mình trong những vật dụng mua bán cầu may để nương tựa bên nhau, xua đi nỗi buồn tiếc nhớ thương trong ngày đầu năm mới.

Hỏi chuyện không ai còn nhớ phiên chợ Âm Dương đầu tiên bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng có từ rất lâu đời được người dân lưu giữ cho đến ngày nay. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, chợ mùng 2 Tết nơi đây là tập tục sinh hoạt cổ, họp ở cửa đình và là phiên chợ Âm Dương vì họp lúc trời nhập nhoạng khi trời chưa sáng hẳn. Đồ rằng, vùng đất thờ thần Bạch hổ, để trấn an nên phải mở phiên chợ mùng 2. Cũng có cách lý giải khác rằng, ngày xưa chợ họp tại đình làng Cao Thượng, cho đến khi Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, Hoàng Hoa Thám chiếm giữ đất Cầu Vồng và Cao Thượng là một trong những vị trí trọng yếu mà giặc Pháp quyết triệt hạ. Sau đó chợ bị dời sang chợ Mọc cách đó gần một cây số. Nhưng ở nơi cũ vẫn được người dân tổ chức chợ đêm vào mồng 2 Tết hàng năm mà dần hình thành chợ đêm độc đáo và tồn tại cho đến ngày nay.

Đến bây giờ chưa biết thực hư nguồn gốc chợ Âm Dương Cao Thượng ra sao, nhưng phiên chợ vẫn được nhiều người biết đến. Chợ họp tại sân cỏ rộng chừng trên 1 nghìn mét vuông sau đình Cao Thượng.

Đến chợ Âm Dương, người dân có thể mua sắm nhiều vật dụng từ đồ chơi trẻ em, quần áo, hoa quả, bánh kẹo tới các mặt hàng thực phẩm phục vụ ngày Tết. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đúng mùng 2 và họp từ rất sớm. Xưa kia chưa có điện, người bán hàng thắp bằng dầu, bằng nến từng dãy như sao sa tại cả khoảng không gian đình chùa Cao Thượng. Giờ có điện, chợ họp càng đông hơn. Phên chợ tranh tối tranh sáng chủ yếu là bán bún, bánh cuốn, bánh đa quê, bánh gio, rau cần, cá tươi…

Trở thành nơi sinh hoạt tinh thần cộng đồng không thể thiếu

Chính cái vẻ huyền bí của chợ đã lan rộng đến cả những tỉnh xa tận trong Nam, ngoài Bắc, khách thập phương cũng kéo nhau về dự đêm chợ Âm Dương để cầu được nhiều lộc may mắn, được bày tỏ nỗi nhớ quê hương. Đi chợ, không chỉ có người già, mà còn có cả thanh niên muốn tìm nơi bán đồ của con gái làng bên mà mình thích để mua đồ. Tiếng thì thào trong đêm chợ ấy còn là tiếng làm quen, tiếng tỏ tình và khi được cô gái mời về nhà dự cỗ cùng gia đình, bạn bè mới là những thử thách ban đầu. Ngôi đình cổ vẫn linh thiêng như để chứng kiến bao đổi thay của làng.

Ông Trần Đình Dũng - Phó Trưởng Đài truyền thanh huyện Tân Yên cho biết: Chợ Âm Dương mùng 2 Tết ở Cao Thượng là tập tục sinh hoạt cổ. Xưa tại Kinh Bắc cũng có một vài phiên chợ như thế, tuy không nhiều và dân gian gọi đó là chợ Âm Phủ. Phiên chợ theo quan niệm dân gian là nơi người chết và người sống có thể gặp nhau. Vì thế ngoài ý nghĩa tưởng nhớ những người đã mất thì chợ cũng bán diêm, bán muối, bán rau cần thể hiện ý nghĩa cần gì là có. Đặc biệt một trong những món quà được nhiều người về chợ mua làm quà là những chiếc bánh đa đỏ, đặc sản của vùng đất này. Điểm khác biệt của bánh đa đỏ với bánh đa Kế (thành phố Bắc Giang) hay bánh đa Thổ Hà (huyện Việt Yên) chỉ là màu sắc của chiếc bánh. Thay vì màu trắng ngà, bột gạo ở đây đã được trộn thêm gấc để thành màu đỏ hồng, mang ý nghĩa may mắn trong năm mới. Cả một dãy dài trong chợ bày bán những món bánh quê mộc mạc này.

Ngoài ra chợ cũng bán bún để cầu mong mọi sự trôi chảy trong cả năm. Cũng vì thế mà người đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết và sẽ cảm thấy cuộc sống thanh thản hơn.

Đi chợ từ đêm khuya, tới khi mặt trời bắt đầu lên là chợ cũng vãn. Nhiều người còn nấn ná ở lại để trò chuyện, hỏi thăm những người bạn, người khách cả năm mới có dịp gặp nhau một lần. Nhiều người vẫn còn xuýt xoa bởi ánh mặt trời chưa xóa đi được cái rét buốt thì đã tan chợ về nhà. Nhưng ai nấy đều phấn chấn và vui vẻ khi được cùng họp chợ “âm dương”, bởi hơn hết, họ đã được tham gia một sinh hoạt văn hóa truyền thống của quê hương mình và cầu mong những điều may mắn cho năm mới. Cứ như thế phiên chợ trở thành một nét văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người dân nơi đây. Vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, phiên chợ Cao Thượng, lại sáng ánh đèn họp, để những người đi chợ cầu may, và cũng là thêm một lần cảm nhận sự giao tiếp giữa hai cõi Âm Dương với ước nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà hạnh phúc.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm