Phiếm đàm

Đâu là điểm dừng cho sự tưởng tượng?

(Dân trí) - Tôi thực sự choáng khi được biết cuốn sách về chuyện“Thạch Sanh”trong cuốn“Truyện Cổ tích Việt Nam có chi tiết trước khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng.

Tôi thực sự choáng khi được biết cuốn sách về chuyện Thạch Sanh trong cuốn“Truyện Cổ tích Việt Nam - tập 1”do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản có  chi tiết trước khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng.

Không phải tôi choáng mà nhiều người choáng. Trước xôn xao dư luận, một giáo sư văn học dân gian đã giải thích: Mỗi câu chuyện thường có nhiều dị bản khác nhau. Các dị bản này luôn song hành và không loại trừ lẫn nhau. Vị giáo sư nói rõ thêm: những người không chuyên về văn học dân gian vẫn chưa hiểu hết bản chất của nó là tính biến đổi, không ổn định. Họ quan niệm rằng dân gian đã sáng tạo ra thì không ai có quyền được thay đổi. Nhưng tác phẩm dân gian luôn được sáng tạo, viết tiếp điều đó góp phần tạo nên sức sống của văn học dân gian. Vì không hiểu nguyên lý ấy nên người dân, dư luận mới phản ứng như vậy.

Tôi nghĩ Giáo sư đã rất đúng khi nói: trong văn học dân gian “mỗi câu chuyện thường có nhiều dị bản khác nhau” Vì vậy, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyên Đổng Chi khi công bố công trình nghiên cứu chuyện cổ tích của ông, bên dưới mỗi chuyện được nhân dân thời xa xưa truyền miệng nhiều nhất, trở nên quen thuộc nhất, cũng đều đăng những dị bản xuất hiện ở vùng này địa phương kia để bạn đọc tham khảo. Năm 1944 trong một bài thuyết trình "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...” có lẽ là Nguyễn Đình Thi đã căn cứ vào một dị bản của chuyện Thánh Gióng được lưu lại tại Sóc Thiên vương thực lục trong Thần tích xã Xuân Tảo, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm), có ghi: “Đứa bé nghiêm giọng nói: Ta là thiên tướng. Rồi cưỡi lên ngựa sắt, rong ruổi chạy như bay. Nháy mắt đã đi trăm dặm.tắm ở bến nước Hồ Tây”.

Đâu là điểm dừng cho sự tưởng tượng?
Nguyên văn Thần tích xã Xuân Tảo, tổng Xuân Tảo, tỉnh Hà Đông có chép về chuyện “Thánh Gióng tắm ở hồ Tây”. Tranh minh họa do Nguyễn Ngân Giang vẽ.

Nhưng chi tiết trước khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng như trong nội dung  chuyệnThạch Sanh trong cuốn“Truyện Cổ tích Việt Nam - tập 1”do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản thì tôi và nhiều người khác chưa được đọc trong một dị bản nào của xa xưa, mà nếu không có trong dị bản nào thì phải chăng là do người thời nay làm sách tưởng tượng ra.

Vậy một câu hỏi đặt ra là để tác phẩm dân gian luôn được sáng tạo, viết tiếp điều đó góp phần tạo nên sức sống của văn học dân gian” như giáo sư nói, thì người soạn sách trên - là người đang sống thời nay chứ không phải người thời xưa, có quyền hay không được thay cốt chuyện, thêm vào chi tiết trước khi mẹ Thạch Sanh qua đời, bà đã cởi quần nhường cho con để con không phải sống trong tình trạng ở truồng?

Và nếu được quyền làm như thế thì dân ta ngày nay trong bối cảnh cả nước ta đang chống tham nhũng, khi kể cho trẻ nghe chuyện Thánh Gióng, có được không khi thêm vào chi tiết như sau trong chuyện Thánh Gióng, để tạo nên sức sống của văn học dân gian gắn liền với thời cuộc: Ngọc còn có vết. Ở đời không ai hoàn hảo cả. Thánh Gióng đi đánh giặc được nhà nước cấp cho ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt. Khi đánh xong giặc, Thánh Gióng đáng lẽ phải trả lại những quân trang quân dụng đó cho Nhà nước, nhưng lại chiếm công vi tư, lấy luôn bay lên trời.

Nghĩ lan man như vậy, bỗng thấy lo cho văn học dân gian...

Nguyễn Đoàn