Bạn đọc viết
Đâu chỉ có "xe của tôi"!
Chủ trương khoán xe công là bước đi đầu tiên nhằm xóa đi cái tư tưởng lỗi thời đó, hạn chế bớt đặc quyền đặc lợi.
Bàn về chuyện xe công, tác giả Vũ Lân viết: "Xe ô tô của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương là lấy từ tiền đóng thuế của người dân, của doanh nghiệp... Như vậy, có thể nói thẳng một câu là: xe của dân.
Nhưng tế nhị là khi xe ô tô được mua về các cơ quan, đơn vị lại mang “sở hữu” của cơ quan A, tổ chức B, bộ, ngành C, địa phương Đ. Nếu chiếc xe ô tô đó được phân công phục vụ đồng chí chủ tịch K, bí thư L, chủ tịch M... thì nhiều khi nó gần như nghiễm nhiên được người ta gọi là xe của những chức danh nói trên.".[*]
Đó là một thực tế mà từ lâu ai cũng biết. Xe công hô "biến" thành xe riêng, "xe của tôi" và cả lái xe cũng… của tôi.
Nhưng không chỉ có chuyện "xe của tôi". Còn nhiều thứ khác nữa cũng biến hóa "vô tình" từ công sang tư như thế. Ngay cả căn phòng làm việc tại cơ quan cũng được xem là "phòng của tôi". Chả thế mà đã có những vị lãnh đạo tự tin đến mức để cả tiền tỉ của gia đình tại ngăn bàn, hộc tủ phòng làm việc, chỉ đến khi bị trộm nó khoắng thì thiên hạ mới ngã ngửa người ra.
Trong nhiều thứ "chuyển hóa" từ công sang tư thì quyền lực là thứ "chuyển hóa" đáng kể nhất.
Chức, quyền hay cái ghế là của nhà nước, suy cho cùng là của nhân dân. Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, điều ấy thì ai cũng biết. Khi phát biểu nhận chức, ai cũng nói câu đó.
Nhưng mà, mọi chuyện không đơn giản như lời nói.
Một khi đã nắm quyền trong tay, nhất là giữa thời buổi mà mọi thứ có thể… mua được bằng tiền thì chức nọ chức kia cũng giống như cái xe vậy - nó là của tôi.
Vấn nạn chạy chức, chạy quyền chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho người ta ngộ nhận chức quyền đã chạy được kia thuộc sở hữu của mình mà không nghĩ đó là trách nhiệm nhân dân giao phó. Người ta nghĩ một cách đơn giản, phàm cái gì đã bỏ công sức, tiền bạc ra mua thì nghiễm nhiên là của mình. Chức quyền tất nhiên cũng thế.
Cho nên, từ chức là chuyện trong mơ. Tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà là chuyện của sếp, rất "đúng qui trình" và "tập thể nhất trí".
"Chức của tôi" cho nên mọi việc trong cơ quan cũng phải vì tôi. Luật bất thành văn, khi một sếp mới lên thay sếp cũ, bộ mặt cơ quan cũng thay đổi. Công sở khoác áo mới, nội ngoại thất, nhất là phòng sếp, phòng họp, hội trường, xe cộ… như lột xác theo "gu" của sếp.
Năm năm một nhiệm kì "của tôi". Thời gian là vàng ngọc, thế cho nên một khi đã nắm trong tay chức quyền, mấy ai chuyên chú lo chu toàn trách nhiệm được giao mà trái lại tìm mọi cách tận dụng hết cơ hội để thu hồi… vốn.
Tư tưởng "của tôi" nơi công quyền đã ngấm sâu vào máu thịt của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức không dễ gì một sớm một chiều gột rửa được.
Chủ trương khoán xe công là bước đi đầu tiên nhằm xóa đi cái tư tưởng lỗi thời đó, hạn chế bớt đặc quyền đặc lợi.
Chỉ khi nào mỗi cán bộ công chức hết lòng, hết sức với trách nhiệm được giao theo tinh thần vì dân vì nước thì cái tư tưởng "của tôi" mới hết đất sống trong môi trường hành chính công.
Nguyễn Duy Xuân