"Đất công là miếng mồi ngon, bao quanh toàn vòi bạch tuộc"

Ra sức thâu tóm đất vàng sau đó chuyển đổi quyền sử dụng đất sang mục đích khác được xem là hành vi vi phạm trong quản lý đất đai.

“Phổ biến, thường xuyên và phức tạp”

Nói về những sai phạm trong quản lý đất đai trong giai đoạn 2014-2018, tại hội thảo "Kiểm toán nhà nước việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra" diễn ra sáng 12.6, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, sử dụng 3 từ “phổ biến, thường xuyên và phức tạp”.


TS Vũ Đình Ánh 

TS Vũ Đình Ánh 

Điều 12 của luật Đất đai 2013 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và cũng chính là những sai phạm lớn và phổ biến trong quản lý và sử dụng đất đai. Trong 10 nhóm sai phạm thì có 3 nhóm sai phạm nặng nề nhất, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm sai phạm thứ nhất là việc không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích: tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai dự án tình trạng để đất hoang hóa... khiến cho nhiều mảnh đất bỏ hoang hàng chục năm, thậm chí cả những mảnh đất có vị trí đẹp, giá trị lớn ở trung tâm đô thị hay những vùng đất nông nghiệp trù phú có sản lượng và năng suất cao.

Cũng theo TS Ánh, việc vi phạm trong vấn đề sử dụng đất diễn ra phổ biến, trong đó phải kể đến trường hợp của hai nhân vật nổi tiếng là ca sĩ Mỹ Linh và biệt phủ của Thành Chương.

Nhóm sai phạm thứ hai là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tính tổ chức, theo nhóm có sự dung túng bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan.

“Tôi cho rằng mỗi phi vụ đất đai, những người có liên quan “đút túi” không dưới chục ngàn tỉ, thậm chí là trăm ngàn tỉ”, TS Ánh cho biết.

Sai phạm thứ ba liên quan đến việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trước và sau khi bán tài sản Nhà nước có gắn với đất đai... gây thất thoát rất lớn cho NSNN, biến tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân hay một nhóm cá nhân, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm.

"Sốt xình xịch" vì đất vàng

Nói cụ thể hơn về trường hợp tài sản của Nhà nước có gắn với đất đai, đặc biệt là đất vàng, TS Ánh nêu ví dụ về câu chuyện cổ phần hóa của hãng phim truyện Việt Nam cách đây hơn 1 năm và gần đây nhất là vụ việc cổ phần hóa của Vinaconex.

Những ồn ào của 2 đơn vị này trong thời gian qua liên quan đến giá trị thực của doanh nghiệp khi được cổ phần hóa và những khu "đất vàng" mà họ sở hữu.

“Khi những đơn vị này nắm trong tay quỹ đất khổng lồ thì câu chuyện cổ phần hóa, bán tài sản nhà nước xảy ra tình trạng thất thoát”, TS Ánh nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng đồng tình cho rằng, "đất công là miếng mồi ngon, bao quanh toàn vòi bạch tuộc".

Việc thâu tóm đất vàng rồi chuyển đổi quyền sử dụng đất sang mục đích khác diễn ra phổ biến trong thời gian qua, trong đó có thể kể đến trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam như TS Vũ Đình Ánh nói ở trên.


 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Còn người đứng đầu cơ quan kiểm toán trung ương - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thì nhìn nhận đây là một bất cập trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

“Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị với Chính phủ để có những quy định cụ thể, theo đó, việc quản lý sử dụng đất phải theo mục đích đã định, không được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu DN không nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại cho nhà nước để tiến hành đấu giá”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Phạm Dung

Báo Lao động