Đạp đổ cổng trường để mua đơn: Việc có thể tránh...
(Dân trí) - Có thể khẳng định thiếu thông tin, thừa tin đồn; ý thức của từng cá nhân… là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lộn xộn kinh hoàng tại cổng trường Thực nghiệm trong 2 ngày bán đơn vừa qua.
Phụ huynh: Phải đạt được mục đích bằng mọi giá
Có một lời giải thích nào dễ chịu hơn cho tình trạng kinh hoàng tại cổng trường Thực nghiệm sáng sớm 12/5?
Rõ ràng là vài chục triệu đã được chi ra để đổi lấy sự chắc chắn sẽ được nhận vào trường nhưng “lhông mua được đơn thì lấy đâu bước 3” khi có một phụ huynh tuyên bố: “Tôi có 2 cháu học ở đây rồi nên kinh nghiệm có thừa. Mua đơn mới chỉ là bước 1. Bước 2 là thi nhưng quan trọng nhất là bước 3”.
Chuyện là thế nhưng nếu như mọi năm có thể nhờ vả người A, người B mua hộ đơn thì năm nay, nhiều nguồn tin “truyền miệng” cho thấy chẳng ai dám nhận việc này vì không được phép. Chưa kể, số lượng đơn bán ra chỉ có 200 mà đến 4h sáng đã là 140 người, đến 5h sáng thì phải có 400 đơn nữa mới đủ. Chưa kể, có những người khác, bằng cách nào đó đã “phục” sẵn trong trường, chỉ chờ giờ G là xuất hiện. Vậy nên, không nhanh chân, không bất chấp mọi quy định… thì làm sao có cơ hội mua đơn.
Nhiều phụ huynh đổ lỗi cho cách làm của nhà trường chưa khoa học, cho việc Hà Nội quá thiếu những ngôi trường như thế… nhưng cái cách để để đạt được mục tiêu như vậy là không thể bao biện. Dường như đây cũng là cách hành xử của số đông. Có tiền, có quan hệ thì con sẽ vào được trường; có sức mạnh thì đến sau cũng có thể chen lên trước, cứ có kẽ hở là chen, cứ đùn đẩy, tạo áp lực cho người đứng trước… Và nếu không có cơ hội tiếp cận với bàn bán đơn sớm bằng cách xếp hàng từ tối hôm trước thì tôi sẽ nhảy qua tường, dẫm lên cổng trường, băng qua hàng rào cây… để đến gần với chiếc bàn bán đơn nhất. Nếu nhà tôi quá xa, không có lực lượng đông đảo yểm trợ thì tôi sẽ thuê thanh niên trẻ khỏe, tôi sẽ lục tung mọi mối quan hệ để có trong tay chiếc tích-kê trước mọi người…
Phần còn lại là những người tìm cơ may. Họ đều đã chọn một trường nào đó cho con mình nhưng vẫn muốn con thử sức, xem khả năng của con đến đâu, đỗ thì học, không thì cũng chẳng sao. Đã là cơ may thì cũng thường nhiều hy vọng. Và hy vọng đó chỉ có thể mở ra nếu họ có lá đơn trên tay. Vậy nên, nếu không hòa vào đám đông đang “điên loạn” kia, hy vọng có thể sẽ tuột mất….
Nhà trường: Thông tin mập mờ
Câu chuyện mua đơn ở trường thực nghiệm đã lên mạng từ năm 2005 trên 1 diễn đàn và cho thấy sự thiếu thống nhất của nhà trường khi thực hiện. Không rõ nhà trường rút kinh nghiệm đến đâu nhưng chỉ thấy năm 2009, 2010, đến hết buổi sáng của ngày bán đơn, ai có nhu cầu đều có thể mua được thì sang 2011 thì chưa đầy 15 phút, đơn đã hết sạch.
Tình hình năm trước là thế lại cộng thêm bao tin đồn kiểu: “Năm nay chỉ bán có 200 đơn. Mọi thành phần trong nhà trường đều không được phép mua hộ. Người bán đơn sẽ trực tiếp là ban giám hiệu…” nên càng làm phụ huynh sốt ruột, lo lắng, muốn có đơn bằng mọi giá. Chẳng thế mà nhiều người đã phải nhờ quen biết để xin vào trường ngủ từ tối hôm trước, vào trường sớm bằng lối cổng riêng…
Nếu thông báo của nhà trường nêu rõ lượng đơn bán ra, cách thức bán đơn kèm cùng thông báo chung về tuyển sinh thì có lẽ tình hình đã khác.
Trên thực tế, mgay cả sau sự cố đổ cổng ngày 12/5, đến tận nửa đêm cùng ngày, khi số lượng phụ huynh tụ tập để chờ mua đơn vào sáng ngày tiếp theo (13/5) ngày càng tăng lên, nhà trường mới dán thông báo: “Sẽ bán đơn theo nhu cầu phụ huynh”. Trong khi đó, cả ngày 12/5, mọi thông tin về việc bán đơn ngày mai chỉ do bảo vệ trả lời và rất ngắn gọn: “6h sáng mai đến”.
Và rồi cho đến tận sáng ngày 13/5, số lượng tích-kê phát ra lên tới con số hơn 400 nhưng nhiều phụ huynh khẳng định không có 1 tích-kê nào đầu 3 và các số trong tích-kê cũng rất lộn xộn. Và ngay sau khi phát hết số tích-kê này, cổng trường đã bị đóng chặt trong tiếng la ó của phụ huynh. Nhà trường lúc này mới vội tuyên bố sẽ thu giấy khai sinh và sẽ trả lời các phụ huynh sau. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự nghi ngờ về cách làm của nhà trường là nhằm “đánh bóng”.
Vậy nên, "đừng đổ lỗi cho GS Ngô Bảo Châu" như ai đó nhận định về tình trạng lộn xộn của trường Thực nghiệm mà tội cho GS! Và càng không nên đổ lỗi chất lượng giáo dục của trường bởi ngôi trường đã khác nhiều lắm kể từ sau khi GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của mô hình trường thực nghiệm, không còn được làm việc tại trường.