Dàn siêu xe đám cưới ở tỉnh nghèo: Chuyện về nước sơn và gỗ
(Dân trí) - “Về lý mà nói, họ có tiền thì họ có quyền làm gì thì làm, miễn không vi phạm pháp luật là được. Nhưng còn về góc độ đạo đức, xã hội thì cần xem lại khi mà còn có biết bao người dân nơi đây đang sống nghèo khổ….”
Bạn đọc Nguyễn Minh Đức kimke2000@gmail.com bày tỏ ý kiến như trên trước những thông tin và hình ảnh dàn siêu xe trong một đám cưới ở Hà Tĩnh, mà nghề nghiệp của chú rể cho thấy đây không phải là “đại gia, trung gia” nào cả. Minh Đức đồng thời cũng gợi ý: “Nếu dùng số tiền mua siêu xe đầu tư vào sản xuất kinh doanh, có thể sẽ giúp được rất nhiều người khác. Nhưng có lẽ đó cũng là sự khác nhau trong suy nghĩ giữa những người giàu thực sự với những…ai chỉ là giàu xổi”.
Ba mẹ tôi cũng quê gốc Hà Tĩnh, bao năm qua đất nước đã phát triển nhiều, song trong lòng ông bà cùng những người họ hàng quê tôi dù thoát ly đã lâu vẫn khôn nguôi nỗi niềm đau đáu hướng về quê hương nghèo khó, quanh năm phải gánh chịu thiên tai. Là lớp con cháu, chúng tôi cũng chung niềm vui với cha mẹ mỗi khi nghe được những thông tin sốt dẻo về từng bước phát triển dù là của Nghệ An hay Hà Tĩnh.
Đôi lần có dịp công tác về miền Trung, tôi cũng mừng khi thấy cảnh nam thanh nữ tú dập dìu tới những nơi sinh hoạt công cộng rực rỡ đèn màu mỗi tối cuối tuần. Đêm ngủ ở tầng dưới khách sạn mà vẫn cảm nhận được nền đất rung lên vì tầng trên cùng dàn nhạc cùng các bạn trẻ say mê nhảy nhót thâu đêm… Ra đường thì đụng chan chát những người trẻ rất thời trang, vàng đeo nặng trĩu, xe cộ phần lớn xài hàng xịn đắt tiền…
Dân quê mình giờ cũng nhiều người giàu, chịu chơi thật! Tôi đã tự nghĩ vậy song vẫn cảm nhận đôi chút lo lắng khi thấy các bạn trẻ hình như quá dễ dàng để một bước đổi đời, khi mà vốn kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống chắc chắn còn hạn hẹp.
Lẽ nào thực tế lại đau lòng như bạn đọc có nick A b@gmail.com viết: “Dân thì nghèo nhưng mấy người giàu thì vẫn vậy, se sua quảng cáo mà. Theo thống kê vỉa hè thì đa số những đại gia khoái quảng cáo lại có tỷ lệ bóc lịch cao hơn, và thường thì mỗi chiếc xe sang có khi qua tới mấy chục đời chủ. Chẳng qua là tay nào đang có tiền, còn tiền và chưa… vào trại thì mua thôi”?
Và nên chăng cũng cần lưu ý tới ý kiến của Nguyễn Quang Anh bonchan@gmail.com: “Chỉ thấy càng làm nổi làng quê nghèo của vùng quê quanh năm bão lụt. Không phải cứ mất tiền nhiều mà người ta khen đâu, mà có khi hiệu quả ngược lại đó…”
Tất nhiên những minh chứng về các đám cưới sang trọng ở nước nào cũng có, thậm chí còn “khủng” hơn rất nhiều ngay cả tại một số nước có tỉ lệ người dân sống trong cảnh nghèo khổ cao hơn nước ta như Ấn Độ. Nhưng cũng có những minh chứng ngược lại về các tỉ phú “chân đất” hoặc dành nhiều công sức làm từ thiện. Không ít minh tinh màn bạc ở các nước phát triển tổ chức đính hôn, kết hôn trong vòng bí mật với chỉ một số rất hạn chế khách mời. Tất nhiên lý do chính nhiều khi là họ muốn tránh sự dòm ngó của các paparazi cùng dư luận, nhưng cũng có những người thực sự không muốn phô trương.
Thực tế cuộc sống cũng đã cho thấy: giàu về vật chất nhiều khi không bằng sự phong phú về mặt tinh thần. Hơn nữa, của cải phải do chính mình làm ra mới thực sự có ý nghĩa, mới có được bề sâu thay vì bề nổi. Như ông cha ta đã nói: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!
Kiều Anh