Bạn đọc viết

Dân muốn có sự minh bạch

Nghĩ về một số chuyện khuất tất trong cuộc sống đã được báo chí phản ánh

>> Cưỡng chế nhà dân để xây cầu "né" nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tiền đó là của ai?

Trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2009, người dân ấp Phú Ngọc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai) nhiều lần góp tiền bạc, nhân công để xây dựng con đường Đá Trắng vào ấp bằng bê tông dài khoảng 1.200m.

Nhưng thành quả lao động bằng mồ hôi và tiền bạc của họ bỗng dưng bị chính quyền xã Phú Trung “nẫng” tay trên bằng cách lập hồ sơ thi công để được thanh toán tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói là bao nhiêu năm dân Phú Ngọc phải chịu cảnh khổ sở đi lại trên con đường mà nắng thì bụi mưa thì lầy nhưng chính quyền chẳng mấy quan tâm. Khi dân bỏ tiền, bỏ công sức ra làm cũng chẳng thấy bóng các quan xã đâu. Vậy mà chỉ mấy tháng sau khi con đường “của dân, do dân, vì dân” hoàn thành, UBND xã lại ra quyết định thành lập Ban quản lý công trình đường Đá Trắng, do ông Bùi Ngọc Sơn - Chủ tịch xã làm Trưởng ban. Cái “Ban quản lí công trình” trên giấy ấy đã “hoàn thành xuất sắc” nhiệm vụ từ “Tổ chức theo dõi thi công đảm bảo đúng thiết kế, tiến độ và dự toán được duyệt” đến “Quản lý vật tư, tài sản, tiền vốn đầu tư cho công trình, đôn đốc giải phóng mặt bằng”… rồi hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán với đầy đủ các thủ tục rất chi là “đúng qui trình” để “móc” 300 triệu từ nguồn ngân sách xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Phú và tỉnh Đồng Nai.

Khi vụ việc vỡ lở, ông Bùi Ngọc Sơn, giờ là Bí thư xã Phú Trung đã thừa nhận việc lập hồ sơ khống quyết toán công trình để rút tiền ngân sách nhưng lại khẳng định chỉ làm “sai quy trình” chứ không hề có sự “chia chác” gì ở đây. Lần đầu tiên, có một vị quan xã thừa nhận làm “sai qui trình” nhưng vẫn… trong sạch (!).

Lại thêm một “đường cong mềm mại”?

Tết sắp đến nhưng 4 hộ dân ngụ tại khu vực cầu Rạch Chùa, khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, Cà Mau bị buộc phải lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Số là chính quyền huyện U Minh đã cho cưỡng chế giải tỏa nơi ở của 4 hộ dân này vào ngày ngày 7/1/2016, để tiến hành xây dựng cầu nối liền tuyến lộ từ thị trấn U Minh đến rạch Cây Khô. Dự án mới xong giai đoạn đóng trụ, nghĩa là còn lâu mới hoàn thành nhưng chính quyền vẫn quyết giải tỏa “khẩn” trước tết âm lịch chưa đầy một tháng.

Điều đáng nói ở đây là công trình bị “bẻ cong” để “né” nhà máy xay xát lúa của bà Sáu Cảnh, chị ruột của ông Nguyễn Minh Cà - đương kim Chủ tịch UBND thị trấn U Minh. Chuyện con đường “cong mềm mại” đoạn đi qua nhà máy xay xát của bà Sáu Cảnh dân ai cũng biết nhưng ông Chủ tịch UBND huyện U Minh vẫn khẳng định không có việc “né” nhà chị của chủ tịch thị trấn thế cho nên việc cưỡng chế theo ông là hoàn toàn “đúng quy định pháp luật”(!)

Nhưng thưa ông chủ tịch huyện, cứ cho là việc cưỡng chế của các ông “đúng quy định pháp luật” đi thì còn một thứ “luật” khác sao các ông không nghĩ đến? Ấy là “luật” của tình người đối với đồng bào – con dân ở địa hạt mà ông được trao trọng trách “chăn dắt”.Tết trong tâm thức của người Việt chúng ta là thời khắc thiêng liêng, là niềm khát khao hạnh phúc sum vầy. Các ông sao nỡ đang tay biến những người dân đang an cư yên lành bỗng trở thành người vô gia cư vào lúc năm cùng tháng tận?

Nguyễn Duy Xuân