Bạn đọc viết:

Dân lại phá rừng để thu hoạch trái Ươi!

(Dân trí) - Những ngày qua trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhất là ở 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây, lại xuất hiện cảnh từng đoàn người dân địa phương mang cưa cầm tay, kéo nhau đi hái trái Ươi!!!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

Theo như các tài liệu nghiên cứu thì cây Ươi là loại cây to, cao 20-25cm. Hoa nhỏ, quả nặng, mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc. Hạt to bằng ngón tay, hình bầu dục hay thuôn, dính ở gốc qủa. Ươi ra hoa từ tháng 1đến tháng 3, có quả từ tháng 6 đến tháng 8. Quả  Ươi được dùng làm nước giải khát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa ho khan và nhuận tràng.

 

Những người thu mua quả Ươi cho biết: quả Ươi chủ yếu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì cây Ươi là loại cây có thân cao to nên người dân địa phương khó có thể trèo lên để hái mà phải dùng cưa máy cầm tay để đốn hạ cây, sau đó mới hái quả.

 

Hỏi một người đi khai thác trái Ươi, tôi được biết một ngày đi như vậy có thể có thu nhập từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng tùy theo chất lượng trái Ươi. Chính vì thu nhập cao hơn nhiều so với công việc làm nương rẫy của bà con địa phương, nên họ không ngần ngại đốn hạ những cây Ươi hàng chục năm tuổi để thu hoạch trái.

 

Thương lái từng tốp khoảng 7, 8 người mang theo cân, bao tải “chốt chặn” trên những đoạn đường dân hái Ươi đi qua để mua tại chỗ với giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/1kg. Trong khi theo tôi được biết, trên thị trường hiện nay trái Ươi có giá bán buôn khoảng 300.000 đồng/1kg.

 

Được biết Chi cục Kiểm lâm và Công an các huyện cũng đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô đi khai thác trái Ươi, như tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính... Nhưng vì... lực lượng quá mỏng nên không thể ngăn chặn hết được!?

 

Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã và vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi mùa mưa lũ đang tới gần. Nếu để tình trạng này tiếp diễn và  kéo dài, chắc chắn sẽ gây những hệ lụy không hề nhỏ.

 

Vì trình độ cũng như ý thức của người dân còn hạn chế, theo tôi nghĩ, chúng ta cần có những biện pháp thiết thực hơn để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về công tác bảo vệ rừng. Hơn nữa, ngẫm lại những năm gần đây tại Việt Nam ta luôn diễn ra những đợt thu mua lạ kỳ nông sản, lâm sản mà chủ yếu bắt nguồn từ thương lái Trung Quốc, khiến bao người dân Việt Nam lâm vào cảnh điêu đứng sau khi thương lái bỏ đi không thu mua nữa!? 

 

Mong bà con ta cần cảnh giác hơn với những âm mưu lừa đảo để tránh lặp lại những thiệt hại mà trước đó nhiều người đã mắc phải!!!

 

Ngọc Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm