Dân có “đồng tình, tiếp tay” cho tiêu cực?

(Dân trí) - Phải chăng để dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan và nghiêm trọng như hiện nay một phần là do lỗi của người dân? Hay nói cách khác, chính người dân đã “đồng tình và tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng”?

Vừa qua, trên BLOG Dân trí đã đăng bài “Sao đến mức này, thưa Quốc hội?” lạm bàn về bản Báo cáo Phòng chống tham nhũng năm 2012. Trong đó tập trung vào việc bản Báo cáo cho rằng việc phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả như mong đợi là do một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp “đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng để giành được lợi thế trong kinh doanh hoặc được "ưu tiên" giải quyết công việc".
 

Phía không đồng thuận: Đừng đổ lỗi cho dân!

 

Rất nhiều ý kiến cho rằng nhận định của Thanh tra Chính phủ là không đúng với bản chất vấn đề. Thậm chí có người còn cho rằng đó là hành động đổ lỗi cho dân.

 

Trong comment gửi về BLOG Dân trí, bạn Trần Hồng viết: “Dân chúng tôi kiếm đồng tiền là cả mồ hôi, nước mắt và vì một số ông nhũng nhiễu mà phải nhắm mắt. Đưa các ông tiền triệu trong khi con chúng tôi ăn mì gói. Các ông được ăn rồi còn chửi, chỉ tội dân chúng tôi thấp cổ, bé họng kêu trời không thấu!”

 

Bạn Nguyễn Nhung tâm sự: “Chả nhẽ đi biếu quà sếp lại nói. Em biết nếu không có phong bì thì sếp không bao giờ duyệt cho em, vì vậy em… gửi sếp phong bì!?”.

 

Sâu xa hơn, bạn Nguyễn Tân nói: “Việc đổ tội cho người dân đã cho thấy sự bất lực trong việc phòng chống tham nhũng ở nước ta”.

 

Bạn Hoàng Ngọc Sơn viết: “Báo cáo của Thanh tra đã nói đúng hiện tượng, nhưng sai về bản chất... Đau lắm Quốc hội ơi, chẳng ai muốn, nhưng vì miếng cơm, vì sự nghiệp con cái mà nghiến răng đưa tiền. Khổ cho dân quá, đã mất tiền lại còn bị vu tội tiếp tay làm hỏng quan tham”.

 

Bạn Thùy Linh thì “phổ” một câu cửa miệng trong dân gian: Đúng là “vừa ăn hối lộ, vừa la làng”!
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Phía đồng thuận: Dân không hối lộ sẽ không có tham nhũng!

 

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đồng tinh với bản Báo cáo. Bạn Đặng Thị Quỳnh Lương viết: “… Có những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn bất chính, thu lợi nhuận phi pháp thì họ lại muốn đút lót thật nhiều, bởi khoản đút lót ấy chả thấm vào đâu so với những gì họ nhận lại được. Ngược lại, họ còn hằn thù, căm ghét, trả đũa những vị quan liêm chính. Cái gì cũng có hai mặt của nó thôi!”.

 

Bạn Đỗ Việt cho rằng một số người dân có tư tưởng cơ hội để đạt một nhu cầu nào đó về kinh tế, về công việc, hoặc buôn lậu: “Họ có thể chủ động "bôi trơn" cán bộ, quan chức nhà nước để đạt tiền tài, địa vị!”.

 

Bạn Hiếu Phan cho rằng cần xem xét ở khía cạnh ngược lại: “Vì khi chạy dự án, công trình, trốn thuế, các bác có biết ai là người chủ động tìm đến người có thẩm quyền phê duyệt dự án, công trình... để chạy chọt nhằm tìm cho mình lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh không? Lẽ ra mọi việc đã có sự công bằng tương đối nhưng chính vì có những người muốn giành phần hơn nên đã bất chấp thủ đoạn, tìm mọi cách để đạt được và gặp ông quan chức có tư tưởng tham nhũng thì được nhiên là có tham nhũng thôi. Do đó, theo tôi thì nhận định trên cũng có phần đúng!!!”

 

Bạn Phan viết: “Không biết “hài hước hay thật lòng”, bạn Vũ Công Trứ viết: “Lỗi ở đây là do người dân ép cán bộ tham nhũng chứ cán bộ nào đâu có muốn”.

 

Trong số các ý kiến ủng hộ nhận định của bản Báo cáo, nổi lên ý kiến của bạn Snowmon1111 suppermantoy@gmail.com gửi từ Hà Nam. Trong đó ngoài việc cho rằng cách viết của tác giả (Bài báo “Sao đến mức này, thưa Quốc hội?” - NV) chưa thật sự khách quan, “có vẻ mang tính chỉ trích”, bạn bày tỏ:

 

 “Tệ nạn tham nhũng như hiện nay nguyên nhân có một phần không nhỏ là ở người dân. Tác giả viết ở đây với phía cạnh là người dân nghèo khổ, coi đồng tiền là "khúc ruột", "xương máu". Nếu theo quan điểm này thì hoàn toàn đúng vì chẳng ai muốn dứt ruột để đưa tiền cho người khác tiêu. Nhưng nếu theo khía cạnh là người dân có điều kiện kinh tế cao thì lại khác. Người ta sẵn sàng bỏ tiền để mua nhiều thứ nhằm phục vụ cho nhu cầu và mong muốn của họ.

 

Ví dụ rất nhiều người căm ghét cảnh sát giao thông mãi lộ, nhưng thử hỏi có mấy người khi vi phạm luật giao thông bị bắt lại không muốn đưa tiền để được đi nhanh, mấy người chấp nhận giam xe 30 ngày chờ xử lý (trừ những người dân nghèo khó quá).

 

Một người giàu và một người nghèo có bệnh như nhau vào bệnh viện mà chỉ còn một giường thì sẽ thế nào? Cùng học một trường, cùng một kết quả tốt nghiệp nhưng người có điều kiện và người nghèo thì xin việc như thế nào?...

 

Rất nhiều ví dụ để nói lên rằng, khi vật chất dư thừa thì họ sẵn sàng bỏ tiền để "mua" chứ mấy ai nghĩ đến "chống tham nhũng". Giả sử người vi phạm luật giao thông không đưa tiền thì CSGT chỉ có cách xử lý như bình thường. Người bệnh không đưa tiền thì chia đôi cái giường. Người xin việc không chạy chọt thì xét tuyển theo đúng quy định... Nếu người dân cương quyết không đưa hối lộ, đút lót thì cũng hoàn toàn sẽ không có tham nhũng…. “.

 

Bạn nghĩ gì về những ý kiến trên và theo bạn, phải chăng để dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng tràn lan và nghiêm trọng như hiện nay một phần là do lỗi của người dân? Hay nói cách khác, thì chính người dân đã “đồng tình và tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng”?

 

BLOG Dân trí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm