Cứu doanh nghiệp bằng cách nào?

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đang “chết mòn”, muốn cứu không chỉ giảm lãi suất mà phải giảm thuế, phí. Nếu không, sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ nay tới cuối năm.

Những tín hiệu xấu

Theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, tình hình kinh tế quý 1 cho thấy nền kinh tế đang đình đốn, với những bất ổn tiềm ẩn. Tuy nhiên, để giải quyết mối nguy này, kinh tế Việt Nam đang đứng trước hai mâu thuẫn lớn: Để kiểm soát lạm phát thì tăng trưởng tín dụng và cung tiền cần phải giữ ở mức thấp, nghĩa là tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh, nền kinh tế bị đình trệ, thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) sụt giảm, nợ xấu tăng cao do đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2012 tình trạng khó khăn đặc biệt của nền kinh tế thể hiện rõ so với các năm trước. Hiện “sức khỏe” doanh nghiệp bị suy yếu nghiêm trọng và còn khá lâu mới phục hồi được, trong khi đây là lực lượng chủ lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cho nên sự khó khăn của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Tình trạng khó khăn mà khu vực doanh nghiệp đang phải đương đầu được bộc lộ khá rõ nét. Hiện nay, nhiều ý kiến cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất cho vay nếu có giảm xuống 13-14%/năm (hiện tại là 17-18%/năm, thậm chí 19-20%) vẫn là quá cao, không thể giúp đa số doanh nghiệp đang gay go có thể tiếp tục “sống”, chưa nói cải thiện tình hình. Trong khi đó, ở khía cạnh tăng trưởng, dường như tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Cũng ông Thiên cho biết, một khía cạnh đáng quan ngại nữa là sự gia tăng mạnh của lượng hàng tồn kho. Chỉ số tồn kho tại thời điểm này của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu cũng suy giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu quý I dù tăng 11,2% nhưng so cùng kỳ năm 2011 lại, giảm mạnh tới 23,8%.

Điều đó cũng có nghĩa là xu hướng đình trệ của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Cũng theo ông Thiên, việc doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay quá cao là vấn đề phải giải quyết rốt ráo từ nay đến cuối năm.

So với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tại một số nước trong khu vực (Ấn Độ khoảng 10%, Philippines 7,3%, Thái Lan 6,9%, Trung Quốc 6,6%, Singapore 5,4%), mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam là quá cao (20%), tức là cao hơn các đối thủ cạnh tranh từ 2 đến 4 lần. Sự chênh lệch lãi suất đó làm cho giá thành các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore.
 
Cứu doanh nghiệp bằng cách nào?
Cần giảm thuế để cứu doanh nghiệp (Ảnh: Hồng Vĩnh)
 
Giảm thuế để cứu doanh nghiệp

Theo ông Thiên, tình huống cấp bách thì phải có liệu pháp đặc biệt, với nguyên lý “lấy độc trị độc” với việc chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô vững chắc, khôi phục lòng tin và phục hồi các cơ sở tăng trưởng. Năm 2012, phải phấn đấu giảm lạm phát xuống chắc chắn 6-7%, giảm thu ngân sách xuống 22-23% GDP. Trên cơ sở đó, kiên quyết giảm chi ngân sách, đầu tư công, kéo mức thâm hụt ngân sách xuống 4% GDP và thực hiện tái cơ cấu.

Ngoài ra, cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để cứu doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh.

Phần trách nhiệm chính trong công cuộc này phải trao cho chính sách tài khóa với các nội dung cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì “hoãn nộp thuế”; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất, chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được doanh nghiệp, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu doanh nghiệp trên nền tảng kiềm chế lạm phát”- ông Thiên kiến nghị.

Còn theo TS. Ân, việc cơ cấu lại nền kinh tế là giải pháp tốt trong tình hình hiện nay, bao gồm cả việc thu hẹp phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, cổ phần hoá một phần hay toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, chấp nhận cho giải thể và phá sản doanh nghiệp không hiệu quả và không cần thiết phải duy trì.

                                                         Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong

LTS Dân trí-Qua sự phân tích những chỉ số kinh tế đạt được ở quý I,  nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định chắc chắn năm nay chỉ số lạm phát sẽ trở về một con số, nhưng điều đáng lo là đã xuất hiện những dấu hiệu đình đốn trong khu vực sản xuất kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn lớn vì khó vay vốn và phải vay với lãi suất cao gấp hai, ba lần các nước trong khu vực; gần đây giá xăng dầu lại tăng mạnh…Điều đó làm cho doanh nghiệp không thể nào cạnh tranh nổi với những doanh nghiệp nước ngoài cùng sản xuất những mặt hàng tương tự.

Cũng vì vậy, hàng tồn kho nhiều và mặt khác, sức mua của người dân giảm làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, nhưng đấy không hẳn là dấu hiệu đáng mừng mà ngược lại. Đấy cũng là lời cảnh báo từ thực tiễn để các nhà quản lý ở tầm vĩ mô cần tỉnh táo đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm cứu nguy các doanh nghiệp, trên cơ sở xác lập đúng đắn mối quan hệ giữa kiềm chế lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải.