Cuộc đua mới: Phí đuổi theo Đường?

(Dân trí) - Giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội một lần nữa lại khiến các diễn đàn “dậy sóng”. Chủ yếu là do cách trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề và lập luận xem ra vẫn còn khoảng cách quá xa so với thực tế cuộc sống…

Cuộc đua mới: Phí đuổi theo Đường?
Một con đường đau khổ ở thủ đô (ảnh: Quang Phong)

 

Những điểm nhấn vẫn chưa được chú trọng

 

Có lẽ chỉ có một điểm chung giữa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phản hồi của bạn đọc và nhìn nhận của BT Thăng. Đó là thực trạng quá rõ ràng của hạ tầng giao thông nước ta:  gần như 100% công trình giao thông chất lượng không đảm bảo, chậm tiến độ…dù tiền đổ vào các công trình là rất lớn. Và chính các ví dụ cụ thể về hiện tượng rút ruột công trình, tiền chảy vào túi riêng nhiều hơn… khiến người dân càng khó có được niềm tin vào những quyết sách mới trong lĩnh vực GTVT.

 

“Tôi thấy thực trạng đúng như đại biểu Dương Trung Quốc nêu: Phí thì cao, đường thì tồi. Không biết là các loại phí đó các ông đầu tư vào đâu nhưng đường sá thì chán quá, toàn "ổ gà", "ổ voi" thôi. Tôi chưa nói đến các tỉnh lẻ, chỉ nói ngay ở thủ đô Hà Nội mà đường sá đã chẳng đâu vào đâu cả, các bạn nào đang sống ở Hà Nội thì chắc đều biết điều đó.

 

Còn ở các tỉnh lẻ thì đường sá càng tệ hơn. Ví dụ như đường QL3 đoạn qua cầu Đa Phúc (đầu đất Thái Nguyên) vừa làm chưa được nửa năm, nhưng bây giờ ai có đi qua đó mới thấy thật là quá mức khổ, toàn "hầm hố". Nói không phải chứ ai mà mới đi lần đầu qua đó thì cũng nên rất cẩn thận, không là lộn cổ xuống “hầm hố” ngay.....Đấy là tôi chỉ ví dụ một trong số rất rất nhiều các con đường "tồi tàn" của nước ta. Các ông GTVT đưa ra chính sách thì cũng cần nghĩ đến người dân, đừng để "người mua xăng dầu về bơm nước cũng phải chịu phí tham gia giao thông là được" -  ABC htd.prime@gmail.com nói thêm về chất lượng đường kèm địa chỉ làm dẫn chứng sinh động.

 

“Gần như 100% các trạm đăng kiểm đều làm sai. BT cứ bí mật đi vi hành mà xem: nếu không có tiền lót tay thì xe đạt tiêu chuẩn đi đăng kiểm cũng mất cả một ngày, nhưng nếu có lót tay dù xe không đạt chất lượng yêu cầu như quy định thì cũng chỉ mất 1h đồng hồ là xong hết. Ví dụ như tôi đi đăng kiểm, người ta bảo xe tốt, ngon, không vấn đề gì. Vậy mà vừa ra đường xe gặp lỗi, bị tai nạn, trạm đăng kiểm lại không phải chịu một chút trách nhiệm nào. Như thế chẳng khác nào bác sỹ không biết bắt bệnh để bệnh nhân chết oan sao?” - Pham Dung: vipcard68@gmail.com nhấn mạnh trách nhiệm của đăng kiểm.

 

“Ngoài tình trạng xe siêu trường siêu trọng ngày đêm phá hủy đường sá mà nguyên nhân là đã chung chi " nộp thuế" đầy đủ cho các trạm kiểm soát, thì công tác đăng kiểm cũng thường chỉ làm cho có lệ. Những ông trạm trưởng đăng kiểm không khác nào 'vua con', thường hạch sách chủ xe đủ bề và cư xử cứ như thể “cha mắng con”. Nếu BT không tin hãy đến một trạm kiểm định quân đội tại ngã tư Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TPHCM) sẽ biết, không những phải nộp tiền cao (1.000.000 đ/xe) mà họ còn vòi vĩnh bồi dưỡng khoản này khoản kia cho nhân viên, làm các nhà xe hết sức điêu đứng” – Nick  vodinh:  vodinh@yahoo.com chỉ nói về tình trạng đăng kiểm hiện nay qua 1 dẫn chứng cụ thể khác.

 

“Còn nhiều câu hỏi nữa, sao không thấy BT Đinh La Thăng trả lời? Theo tôi, dù BT có đề xuất thu thêm nhiều phí hơn nữa thì tình trạng giao thông ở nước ta cũng không khá lên được đâu, vì cái gốc của vấn đề chung không phải là ở những việc mà các vị đang làm” - Hungdeo:  vcic_vanhung@yahoo.com.vn nêu rõ lý do thiếu tin tưởng.

 

“Theo tôi thấy, tình trạng tiêu cực ở ngành GT là rất lớn. Nhưng nếu cứ phát hiện vi phạm vãn chỉ phạt tiền là xong, thì e là vẫn là cái vòng luẩn quẩn. Để xã hội phát triển, đất nước văn minh, chúng ta cần phải làm triệt để mọi vấn đề. Cán bộ nào vi phạm cho nghỉ việc. Nhà thầu nào thiếu trách nhiệm, đối tượng đua xe xử lý phạt không thì chưa thể có tính răn đe, mà phải bắt đi cải tạo, phạt tù… vì các đối tượng này đang gây ảnh hưởng rất xấu, làm tai nạn giao thông gia tăng...” - Phạm Thị Vân Khánh: khanhpham82@yahoo.com nhấn mạnh tầm quan trọng của chế tài xử phạt.

 

Còn Thành Công Thanhcong1963@gmail.com vẫn bày tỏ nghi ngờ về quyết tâm “làm quyết liệt” của BT Thăng:

 

“Tôi lấy làm lạ là người đứng đầu ngành Giao thông -  BT Thăng đã tuyên bố "Tôi đã làm là rất quyết liệt"!  Thế nhưng điểm lại những "quyết liệt" như BT đã nói trong suốt thời gian vừa qua, tôi thấy tựu trung lại cũng chỉ là: Phải thu phí vì thiếu vốn.

 

Tôi lấy ví dụ nguyên nhân khiến hạ tầng giao thông, đặc biệt là Quốc lộ 1A mau hỏng, xuống cấp thì ngoài chất lượng thi công kém, quản lý "sơ hở" dẫn đến thất thoát còn có sự góp sức không nhỏ của những chiếc xe chở quá tải ngày đêm "cày nát" đường. Mặc dù CSGT, Thanh tra giao thông, trạm thu phí, trạm cân… dày đặc nhưng hiếm khi… phát hiện được (?).

 

Đầu tư và chi phí tốn kém tới cả ngàn tỷ để lập trạm kiểm soát mà không hiệu quả, vậy  xin hỏi BT Thăng có "tin" là tiền thu phí sẽ "vá" được các "lỗ thủng" đó không? Nếu BT trả lời là "sẽ bảo trì, bảo dưỡng tốt hơn" thì tại sao không hạ tải, phạt xe quá tải mà bù vào cho dễ? Nếu BT trả lời là "khó làm được" thì chứng tỏ thực ra BT không thực sự "quyết liệt" làm, bởi vẫn e ngại đụng chạm…

 

Người dân chúng tôi muốn: dù BT trả lời cách nào thì vẫn sẽ "không thể thu tiền dân để BÙ vào cái sai, cái yếu kém" của ngành mình và các cơ quan có liên quan. Tôi hy vọng BT sẽ đọc được tâm sự này. Chúc ông sức khỏe và "quyết liệt" với vấn nạn chất lượng kém, quá tải chưa xử lý được, cũng như những thất thoát khủng khiếp trong ngành giao thông. Bằng chứng thì đầy ra đó, nên mong BT đừng lo người dân không chỉ ra được đâu…”
 
Cuộc đua mới: Phí đuổi theo Đường?
Một con đường đau khổ khác ở HN (ảnh: tin247.com)

 

Khoảng cách từ những góc nhìn

 

Về luận giải của BT Thăng với bài toàn kinh tế khi sử dụng đường cao tốc Trung Lương,  cũng như sự khó hiểu trong chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô của VN cùng lúc với thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện GT cá nhân, phản hồi của Tuấn Kiều tuankieu@gmail.com cho thấy một cách nhìn khác:

 

“…Thứ nhất BT nói là ‘vì bài toán kinh tế nên sau khi chuyển hướng đường 1, giờ chủ phương tiện lại chấp nhận đường cao tốc Trung Lương’ – Tôi nghĩ, họ không chấp nhận sao được khi mà từ lúc dân phản đối phí đường cao tốc, thì đường 1 đột ngột xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, đường càng thêm xuống cấp (chẳng rõ lý do gì). Còn về kinh tế ư? Tôi xin đưa ra ví dụ: nếu xe của tôi chạy trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiết kiệm được khoảng hơn 1 lít xăng (do cung đường ngắn hơn, xe lưu thông tốt hơn, hiệu suất động cơ cao hơn), thì tôi phải mua vé mất 30.000 đồng. Như vậy, lợi ích có được bao nhiêu thì nộp lại cho Nhà nước hết cả, chứ chủ phương tiện được gì? Vậy mà các khoản phí, thuế cao ngất ngưởng khác chúng tôi vẫn phải đóng đều đều.

 

Về việc Bộ GTVT vẫn chỉ đạo sản xuất và bán nhiều ô tô…. BT có thể chỉ đạo sản xuất được nhiều, còn bán được hay không thì do thị trường tự điều chỉnh thôi... Mà nền công nghiệp ôtô Việt Nam hiện như thế nào thì chúng ta biết cả rồi. Tôi khẳng định, nền công nghiệp non trẻ này có sống được hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ và cái Tâm của các vị giới chức quản lý thôi, BT ạ…”

 

Nhiều phản hổi khác của bạn đọc cũng xoay quanh giải trình của BT Thăng về chỉ đạo ngành công nghiệp ô tô khi tiếp tục sản xuất, bán ra trong khi vẫn đề xuất thu thêm phí giao thông. Xem ra nghịch lý vẫn còn đó...  

 

“Tôi thấy những câu trả lời của BT Thăng vẫn chưa thuyết phục: Ví dụ như Bộ vẫn yêu cầu tăng cường SX ôtô và tiêu thụ để tăng thu ngân sách. Nhưng thử hỏi phí cao như vậy bán ai mua mà tăng thu ngân sách? Hay 10% xe quá khổ, quá tải là con số nhỏ, nhưng chưa đưa ra được biện pháp giải quyết triệt để đối với loại này… Xin thưa với BT 10% xe này mới là nguyên nhân đáng kể làm hỏng hết đường đấy, BT ạ” - Hoàng Hải:  phihung1238@yahoo.com

 

“Nghe BT Thăng nói mà không thể nhịn được...cười. Thu phí để giảm phương tiện giao thông nhưng lại yêu cầu "Các DN SX và kinh doanh ôtô bán được nhiều hơn..." - Xin thưa với BT Thăng rằng, những việc mà BT làm từ đầu năm 2012 tới nay đang làm khó cho ngành CN ôtô và thu ngân sách đấy ạ!...” - Nguyễn Văn Minh: minhnguyenhd@gmail.com

 

“Bộ Giao thông vẫn yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất ô tô sản xuất và bán được nhiều hơn - “Sản xuất ô tô là một nguồn thu ngân sách lớn, do vậy không vì phí, kinh tế khó khăn mà chúng tôi yêu cầu giảm sản xuất ô tô” - Thuế chồng thuế + “đe” phí đủ các loại thì DN lắp ráp xe ô tô SX ra bán cho ai mua??? Như vậy, tôi thấy BT Thăng nói chưa đi đôi với làm rồi!...” – Huy Nguyen:  huynguyen.pme@gmail.com

 

“Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và lại nảy sinh nhiều loại phí như vậy, mà BT Thăng khẳng định rằng “Sản xuất ô tô là một nguồn thu ngân sách lớn, do vậy không vì phí, kinh tế khó khăn mà chúng tôi yêu cầu giảm sản xuất ô tô” - Thế chúng tôi phải hiểu ra sao khi chính ngành GTVT luôn nói: thu phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân? Có phải ngay trong lời nói và hành động của BT Thăng đã có sự mâu thuẫn?” - Nguyễn Quang Tiến:  tienvite8379@yahoo.com

 

“BT Thăng sao có có thể nói thế? Thuế cao, phí cao, thu nhập thực tế của cộng đồng dân cư giảm dần từng năm do lạm phát, thì tiền đâu để dân sắm ô tô mà BT vẫn nói: "…yêu cầu phải sản xuất ô tô nhiều hơn, bán nhiều hơn" -  Đúng là không thể hiểu được… Buồn thật đấy!” – Tr.:  haotv_vpub@yahoo.com

 

“Liệu có tiền hậu bất nhất không khi mà Bộ GTVT đề xuất loại phí có tên là "Phí hạn chế phương tiện cá nhân", trong đó chủ yếu đánh vào xe ôtô cá nhân. Đồng thời BT Thăng lại trả lời trước UBTV QH là: "Bộ Giao thông vẫn yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất ô tô sản xuất và bán được nhiều hơn". Vậy  xin hỏi SX ra nhiều để  bán cho ai  và ai dám mua nữa? (xuất khẩu thì xe VN không thể cạnh tranh được vì yếu tố chất lượng và giá thành, các cơ quan NN có mua thì cũng không đáng kể...)” - Nguyen Cuong: nguyencuong@gmail.com

 

“Kính gửi BT Thăng! Tôi xin có ý kiến nhỏ mạn đàm về phí. Nếu BT quy định thu như vậy thì phi chồng phí,  không hợp lòng dân và đẩy chi phí lưu thông lên rất cao, sẽ làm chết yểu ngành CN ôtô của VN. Theo quan điểm của tôi thì nên  mở mỗi đầu xe  (ôtô, xe máy, tàu thủy ...) một tài khoản ứng trước tiền phạt vi phạm luật giao thông, do bên ngành của BT quản lý. Xe máy có thể 2 triệu , ôtô có thể là 39 triệu... Khi vi phạm trừ vào tài khoản này và mỗi năm chủ tài khoản phải tự bổ sung, không thì có chế tài phạt thật nặng. Như vậy sẽ nâng cao được ý thức của người điều khiển phương tiện vì sau 1 năm nếu tài khoản bị rỗng thì bằng lái hết hiệu lực. Khi mở tài khoản cần bắt nộp cao hơn, khi vi phạm bị phạt nặng hơn…

 

Số tiền thu được từ quỹ này có thể sử dụng vào các mục đích: bảo trì đường bộ, lắp đặt thiết bị theo dõi ...để tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm. Và lãi hàng tháng chắc sẽ đủ trả thưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Vậy khoản thu này không có tên là PHÍ, không mất thì giờ của dân phải ra kho bạc nộp …Việc quản lý phương tiện cũng phải rất rõ ràng, khi bán xe buộc phải sang tên ngay, không thì phải bắt người mua xe nộp phạt…. Tôi chỉ là một kỹ sư  XD + nay là một lương y, xin đóng góp ý kiến nhỏ như vậy với BT” - Ta Thuy:  takhaithuy2007@yahoo.com
 
Cuộc đua mới: Phí đuổi theo Đường?
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Đòn bẩy lòng dân

 

Chúng tôi cũng tin rằng nhiều người dân đã rất kỳ vọng vào các quan chức nhiệt huyết như BT Thăng, bởi vậy chắc họ cũng có phần hiểu và chia sẻ với các ý kiến vẫn bày tỏ tin tưởng và ủng hộ các quyết sách mới của ông:

 

“Thực ra mà nói, một người làm mà nhiều người trông vào sẽ không khỏi thấy gai mắt và chắc chắn là bị hạch sách. Nhưng theo quan điểm của riêng tôi, thì các bạn cũng nên cho người làm thời gian và đồng lòng cùng nhau thực hiện. Những vấn đề như thu phí ảnh hưởng tới chi phí, chuyện đó thực chất không xảy ra nếu không còn cảnh bao nhiên tiền đã bị "làm luật"... Nói tóm lại, tôi nghĩ BT Đinh La Thăng cũng cần tỏ ra thực tiễn hơn. Còn đối với các cán bộ ngành GTVT thì cũng rất cần sự liêm chính. Đối với người dân thì nên học đủ luật giao thông, tránh những cảnh tượng như phóng xe cả lên vỉa hè gây tắc đường, tránh buôn bán chiếm dụng vỉa hè... “ - Đoàn Minh Hiển:  ndt2love@gmail.com

 

“Cảm ơn BT! Đôi khi cách làm của BT có chỗ chưa thực sự tốt, chưa được sự đồng lòng của dân. Nhưng tôi chắc ai cũng thấy rõ BT là một trong những người dám làm và dám chịu trách nhiệm, sai đâu nhận đó và sửa sai được. Những việc mà BT đang giải quyết, theo tôi, đều là việc của những người tiền nhiệm chưa làm được. Chúc BT giải quyết được những vấn đề trong lĩnh vực giao thông hiện nay” - Toantv: toantv@vietinbank.vn

 

“Một sự việc mới, tùy thuộc vào kinh nghiệm, tư duy và tầm nhìn sẽ có nhiều nhìn nhận và đánh giá. Tại sao chúng ta không xem đó là những thông tin đa chiều để nhìn nhận sự việc đến gần chân lý hơn? Không nên xử sự theo kiểu "Gió xuôi chiều theo đường quạt phẩy, mưa nhân ái đón vết xe lăn" như vậy. Chúng ta nên có chính kiến và đặc biệt nên ủng hộ những người dám làm, dám thay đổi vì cộng đồng. Tôi ủng hộ ông Đinh La Thăng!” - Nguyễn Thanh Mai:  hoangnguyenhn18@gmail.com.vn

 

“Đúng rồi, dám nghĩ dám làm đã là cả 1 vấn đề. Nhưng cũng mong những quyết sách của BT Thăng được cân nhắc kỹ càng hơn, có thế những việc BT làm sẽ không còn bị nhiều người dân phản đối nữa. Tôi tin, nếu hiệu quả thực sự thì thời gian sẽ chứng mình và xã hội cũng sẽ công nhận” - Mạnh Tân:  unghobotruongthang@yahoo.com.vn

 

Chúng tôi cũng có mong muốn như  MrNguyen MrNguyen.TrungViet@gmail.com khi anh vẫn bày tỏ niềm tin: “Hy vọng tương lai sẽ tốt hơn! Cái gì cũng có hai mặt, nhưng tôi tin BT Thăng sẽ làm được!” Song cũng hiểu rằng nếu chỉ quyết tâm không thôi thì ngành nào, giới chức nào cũng khó có thể “một mình một chợ” thực thi tốt được công việc.
 
Sức nặng có thể ví như đòn bẩy có ý nghĩa rất lớn để biến mọi ý tưởng thành hiện thực, theo chúng tôi, phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của người dân.  Nhưng nếu thực tế đúng như một số người đã dự đoán, rằng "cuộc đua mới Phí đuổi theo Đường" thì bên phải chịu thiệt hại mãi mãi vẫn là người dân... 

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm