Bạn đọc viết:

“Cúng đuổi bệnh” vẫn tiền mất, tật mang

(Dân trí) - Mặc dù những tiến bộ của y học hiện đại đã được phổ biến đến từng thôn xã ở huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam), thế nhưng, đồng bào dân tộc Bhonong nơi đây vẫn giữ hủ tục thờ cúng thần linh để làm phép đuổi bệnh rồi tiền mất, tật vẫn mang...

Một con trâu được chuẩn bị làm lễ vật cúng thần linh
Một con trâu được chuẩn bị làm lễ vật cúng thần linh

 

Hủ tục này không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn khiến người bệnh tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Mới đây, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến một buổi lễ cúng trâu đuổi bệnh của người dân thôn 1, xã Phước Đức. Giữa khoảng sân của nhà truyền thống Plây lô lô, một con trâu lớn đã bị buộc chặt vào cột gâng để chuẩn bị làm lễ vật hiến sinh cho các thần linh.

 

Ngay trước nhà làng, bệnh nhân Hồ Văn Man (63 tuổi) được đặt trên 1 chiếc giường xếp nhỏ, trên tay ôm 1 bó đốt làm thức ăn cho con vật trước lúc hành lễ. Người bệnh lộ rõ vẻ mệt mỏi, nước da vàng ủng, bụng phình trướng (là biểu hiện của chứng bệnh sỏi mật giai đoạn cuối).

 

Được biết, ông Hồ Văn Man sau 1 thời gian dài điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam đã được trả về nhà vì bệnh tình quá nặng, không thể cứu chữa được nữa. Tuy nhiên, theo phong  tục truyền thống, gia đình vẫn cúng bái với hy vọng có thể may mắn khỏi bệnh?!

 

Theo anh Hồ Văn Sự (con trai ông Hồ Văn Man) số tiền bỏ ra để mua rượu, bia, trâu… tốn khoảng 40 triệu đồng. Với đồng bào dân tộc đây là khoản tiền mồ hôi nước mắt mà người dân phải làm lụng vất vả có khi cả đời mới dành dụm được. Điều đáng nói ở đây là sau khi hành lễ, người nhà sẽ tổ chức khao thịt trâu, tiệc rượu cho cả làng kéo dài trong vòng 3 ngày liên tục.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Noát, một bậc cao niên trong làng cho biết, tục cúng đuổi bệnh đã có từ lâu. Theo đó, nếu trong gia đình có người đau ốm, người nhà sẽ tìm đến thầy cúng trước tiên. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà thầy cúng sẽ yêu cầu lễ vật tương xứng. Thông thường, đối với những căn bệnh nhẹ, người nhà chỉ cần cúng trầu cau, nếu nặng hơn chút nữa thì sẽ cúng heo. Trong trường hợp bệnh quá nặng, người nhà phải mổ cả trâu để làm lễ. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình người bệnh, bà con trong làng, tùy vào điều kiện kinh tế mà mỗi người sẽ góp từ 100 đến vài trăm nghìn đồng giúp gia đình mua lễ vật cúng.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Phước Đức, huyện Phước Sơn cho hay: Tục cúng trâu là một nét văn hóa truyền thống đã tồn tại từ hàng ngàn đời nay của người dân địa phương. Pháp luật không cấm người dân thực hiện những nghi thức này. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng việc cúng trâu chữa bệnh là phản khoa học, lại rất tốn kém nên chính quyền  thường xuyên vận động người dân đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh thay vì cúng trâu theo phong tục. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.

 

Theo tôi, tục “cúng đuổi bệnh” của đồng bào Bhonong là một hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với nền văn minh hiện đại, các cấp chính quyền cần có biện pháp tuyên truyền vận động bà con sớm loại bỏ đi. Chi phí cho một lần cúng rất tốn kém, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn sẽ khiến bệnh tình của người ốm càng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

 

Đặng Thị Đào Nguyên
(Báo chí K09, Đại học Sư phạm Đà Nẵng)