Bạn đọc viết

Còn nhiều lắm những tấm lòng

Trong những lúc thiên tai, địch họa này, chúng ta mới biết, còn nhiều lắm những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia.


Hoàng Văn Tuân cùng con trai là Hoàng Văn Nam ở thôn Long Châu, xã Phù Hoá cùng con trai đã chèo thuyền đi cứu được 15 người mắc kẹt trên mái nhà ở xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình 

Hoàng Văn Tuân cùng con trai là Hoàng Văn Nam ở thôn Long Châu, xã Phù Hoá cùng con trai đã chèo thuyền đi cứu được 15 người mắc kẹt trên mái nhà ở xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình 

Bão tố, mưa lũ là những từ quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, nhưng chưa bao giờ nó mang đến nhiều tai ương cho chúng ta như hiện nay. Nhưng cũng trong những lúc thiên tai, địch họa này, chúng ta mới biết, còn nhiều lắm những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia.

Những gì đồng bào miền Trung đang gánh chịu thiên tai chưa kịp khắc phục, cơn bão sau lại ầm ập chuẩn bị ào ào đến. Đặc biệt, những hậu quả nặng nề của các cơn bão được các phương tiện thông tin đăng tải liên tục khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi bồn chồn lo lắng cho những người dân ở miền Trung - vùng luôn hứng chịu thiên tai.

Với thông tin hiện nay, không chỉ truyền hình, mà các clip trên mạng xã hội đã cập nhật rất nhanh, rất nóng các cơn lũ không chỉ vùi lấp những căn nhà, lán trại và mà cuốn trôi không biết bao nhiêu sinh mạng. Những hình ảnh đau thương đó hằn vào khối óc, tình cảm không chỉ của người lớn, mà của cả các cháu nhỏ. Chính vì vậy, hai cháu gái học lớp 5 ở Ninh Bình đã nảy sinh ý tưởng táo bạo: Thu bão vào trong lòng đất!

Đó là hai cô bé 10 tuổi Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh ( lớp 5, Trường tiểu học Trần Phú, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) tham gia cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2015- 2016. Ý tưởng và mô hình “máy thu và xử lý bão trong lòng đất” của hai cháu vượt qua 450.000 ý tưởng của học sinh tiểu học toàn quốc đoạt giải nhất khối 4- 5.

Thầy Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Phú tự hào nhận xét: “Đó là ý tưởng độc đáo, mới mẻ vì trên thế giới chưa từng có chiếc máy như vậy”, nhưng với tôi, hơn cả sự độc đáo, hơn cả sự độc nhất vô nhị, đó là tấm lòng của các cháu.

Tất nhiên, ý tưởng này vẫn chỉ có thể là ý tưởng nhưng cho thấy, dù còn rất nhỏ, các cháu đã sớm cảm nhận những đau xót, những mất mát do thiên tai mang đến, nên hai cháu gái đó muốn làm cái gì đó thật thiết thực để “chống trời”. Chỉ có đau đáu với nỗi đau, các cháu mới có ý tưởng “điên rồ” đáng yêu này.

Ngay trong giới Showbiz, trong những lúc cảnh lũ lụt xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin, không ít ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đã kêu gọi đóng góp cho những người dân vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Đặc biệt, từ lời kêu gọi của MC Phan Anh, chỉ trong mấy ngày những tấm lòng hảo tâm trên cả nước đã lẳng lặng đổ vào tài khoản của anh 8 tỉ đồng. Chỉ con số đó đã cho thấy nhiều điều: Rất, rất nhiều người không cần phô trương việc làm nghĩa tình của mình, miễn là có địa chỉ tin cậy, họ không tiếc những đồng tiền ít ỏi của mình để giúp những người chẳng may gặp quá nhiều khó khăn do thiên nhiên và do cả lỗi của con người; Tôi tin rằng, các phen của Phan Anh phần lớn là những người trẻ tuổi và đa số trong số 8 tỉ đồng đó là của họ. Tuổi trẻ lúc nào cũng vậy, họ luôn sẵn sàng làm thiện nguyện, luôn có nhiệt huyết cho những hành động tốt đẹp. Đó là điều rất đáng ghi nhận, xóa tan ở không ít người thường cho rằng lớp trẻ giờ chỉ biết hưởng thụ.

Trường hợp khác, trong hoàn cảnh đặc biệt, anh Đinh Văn Thưởng (35 tuổi, quê ở xã Hợp Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) bất chấp hiểm nguy tính mạng để giúp sản phụ đi cấp cứu. Sáng 14.10, chị Đinh Thị Thành chuyển dạ sinh nở, phải qua bờ sông phía bản Cà Vàng mới có đường đến bệnh viện. Nước lũ lúc này đã đổ về, chảy rất siết, chị Thành chỉ biết đứng bên bờ thôn Ka Ai nhìn con nước dữ. Biết tin này, lo sợ cô em họ có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu vết mổ cũ bị bục, anh Thưởng cùng hai người quyết vượt sông.

Họ buộc chặt sợi dây dù vào một điểm phía bên sông thuộc bản Cà Vàng rồi cầm dây, đu phao làm bằng chiếc săm ô tố bơi qua sông với ý định sẽ néo dây dù ngang sông Gianh, đẩy chị Thành trên phao bám theo sợi dây này vượt nước lũ. Bơi được chừng 50 mét, nước lũ bỗng cuộn lên làm lật phao, cuốn trôi anh Thưởng. Dù là người bơi giỏi, ngày ngày bơi trên dòng sông Gianh nên hiểu từng khúc sông, con nước, nhưng nước lũ quá mạnh đã cuốn anh đi mãi mãi.

Mỗi người một hoàn cảnh, cách thể hiện tình cảm cũng rất khác nhau trong những hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên những tấm lòng và chúng ta cùng biết, còn nhiều lắm những tấm lòng như vậy.

Vương Hà