Cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn

(Dân trí) - Nếu như, nhiều đối tượng tham nhũng, cố ý làm trái (chủ yếu về kinh tế) đã bị xử lý hình sự, thì những “nhóm lợi ích” chi phối chính sách hình như vẫn chưa ai bị xử lý?


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Quýt làm cam chịu” Tổng KTNN Hồ Đức Phước: Chưa có trường hợp nào từ kết luận của kiểm toán liên lụy đến cơ quan thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Quýt làm cam chịu” Tổng KTNN Hồ Đức Phước: "Chưa có trường hợp nào từ kết luận của kiểm toán liên lụy đến cơ quan thuế"

Những năm gần đây, không khí sinh hoạt ở diễn đàn Quốc hội (QH) ngày càng sôi động, dân chủ, thẳng thắn. Trong phiên chất vấn vừa qua, tại phiên thảo luận về dự án luật Quản lý thuế (sửa đổi), Tổng kiếm toán Nhà nước (KTNN) và một số ĐB tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài Chính là ví dụ sinh động.

Tại phần tranh luận này, những phát biểu của hai vị đứng đầu ngành và các đại biểu QH cho thấy nhiều điều hơn những bản báo cáo dài lê thê.

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, một số kết luận của KTNN, khiến “quýt làm cam chịu”, bởi KTNN ra kết luận về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế lại là nơi ra thông báo, khiến nhiều trường hợp người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng đã kiện cơ quan thuế. Đáp lại, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng trong 3 năm ông làm Tổng kiểm toán, chưa có trường hợp nào từ kết luận của kiểm toán liên lụy đến cơ quan thuế.

Thứ hai, ông Hồ Đức Phước khẳng định “ việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn”. Những ví dụ cụ thể được ông Phước đưa ra: KTNN đối chiếu các DN ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu; kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017, ngành thuế hoàn thuế sai 1.496 tỉ đồng; kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP.HCM, kiến nghị truy thu 1.749,5 tỉ đồng…Ông Phước cũng đưa ra ví dụ “giãy giụa” của DN khi KTNN kết luận: Unilever kiện lên Thủ tướng và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận nộp thuế 584 tỉ đồng...

Với dư luận, trong khi các khoản thu của ngân sách ngày càng eo hẹp so với các khoản phải chi, việc thất thoát thuế được Tổng KTNN chỉ ra cho thấy, việc tính toán thu thuế của cơ quan thuế còn những lỗ hổng rất lớn. Vấn đề cần đặt ra ở đây là, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thì cơ quan thuế - đơn vị theo dõi các DN hàng ngày, chắc chắn phải nắm chắc hơn KTNN – đơn vị chỉ đến DN khi kiểm toán định kỳ hoặc có vấn đề. Vậy nhưng, vì sao KTNN có thể tìm ra những khoản nhập nhằng trong việc hoàn thuế GTGT, ưu đãi đầu tư … với số tiền lớn như vậy mà ngành thuế lại bỏ sót? Câu hỏi không thể không đặt ra: Có ẩn khuất gì không khi ngành thuế để “lọt” khoản thuế lớn như vậy?

Thứ tư, việc QH đem ra bàn thảo, góp ý cho dự án luật Quản lý thuế lần này có nhiệm vụ ngăn ngừa những lỗ hổng đó.

Một trong những điều khoản của dự luật này nêu: “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”

Những nội dung kiểu này khiến các ý kiến chủ yếu tranh luận: Có hay không dự thảo luật đã đẩy KTNN ra ngoài? Đa số các ĐB cho rằng quy định như vậy là trái với Hiến pháp, luật KTNN và một số pháp luật khác. Bởi, KTNN là một thiết chế độc lập được hiến định, chỉ hoạt động theo pháp luật, kết luận kiểm toán có tính chất bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không thể phủ nhận kết quả này. Tổng KTNN cho rằng, KTNN bị dư luật Quản lý thuế lần này “đẩy ra ngoài”. Còn ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, ngành thuế hãy làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác này, thay vì hạn chế, thu hẹp quyền của các chủ thể như KTNN, vì họ sẽ cùng với ngành thuế quản lý tốt hơn để chống thất thu ngân sách.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Tài chính cho biết: “Chúng tôi tiếp tục rà soát, tiếp thu, làm sao đảm bảo đúng quy định Hiến pháp, pháp luật...”.

Đến đây, vấn đề khác cần đặt ra: Có nên để các Bộ tự xây dựng luật cho chính mình? Đây là nội dung từng được nhiều ý kiến đưa ra trên nhiều diễn đàn, kể cả ở QH. Tất nhiên, các dự luật này đều được Bộ Tư pháp, các Ủy ban của QH thẩm định và các ĐB QH góp ý trước khi thông qua, nhưng với nhu cầu các luật cần xây dựng lớn như hiện nay, các ĐB QH phần lớn kiêm nhiệm, không đủ chuyên môn ở tất cả các lĩnh vực, thì việc góp ý, chỉnh sửa cho các dự luật còn rất hạn chế. Do đó, chất lượng các dự luật phụ thuộc nhiều vào nơi soạn thảo. Trong khi đó, để dành quyền lợi, quyền hạn cho ngành của mình, việc “cài” những câu chữ, kiểu hiểu như thế nào cũng được là dễ xảy ra. Sau đó, các văn bản hướng dẫn luật, chẳng hạn như các nghị định, thông tư lại chủ yếu do các bộ, ngành đó soạn thảo thì khó lường hết hậu quả nếu bị các “ nhóm lợi ích ” chi phối.

Nếu như, nhiều đối tượng tham nhũng, cố ý làm trái (chủ yếu về kinh tế) bị xử lý thích đáng, thì những “nhóm lợi ích” chi phối chính sách hình như vẫn chưa có ai bị xử lý?

Vương Hà